Giữ văn hóa Việt ở xứ người

04/02/2019 18:56

Với tấm lòng luôn hướng về nguồn cội, nhiều gia đình người Việt Nam ở nước ngoài vẫn duy trì nếp sống, văn hóa ẩm thực, tập quán... của người Việt.

Người Việt ở Tachov (Cộng hòa Séc) thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ đậm chất dân tộc

Nó như sợi dây vô hình nối họ gần hơn với quê hương.

Tôi phải lấy tư liệu bài viết này qua internet bởi nhân vật là những người con Hải Dương đang sinh sống, lập nghiệp ở Tiệp Khắc cũ (nay là 2 nước Cộng hòa Séc và Slovakia). Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi luôn bị ngắt quãng vì những giới hạn về không gian và thời gian. Nhưng dường như giữa chúng tôi không có ranh giới về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc khi cùng chung dòng máu Lạc Hồng.

Chất quê

Tôi chat với ông Nguyễn Xuân Trường (60 tuổi) ở Topolcany (thuộc vùng Nitra, Slovakia) vào đúng ngày miền Bắc trở rét. Cái rét đầu mùa khiến nhiều người ái ngại khi bước ra khỏi nhà nhưng ở nơi ông Trường đang sinh sống, nhiệt độ đã xuống đến 0 độC, tuyết trắng trời. 

Ông Trường quê ở Chí Linh, đã sinh sống và làm việc ở Slovakia hơn 30 năm nay. Ông kể: "Mình là người Việt Nam, khi xa quê cái cần thiết nhất là giữ nếp sống văn hóa quê mình. Trong gia đình tôi, khi có một đứa trẻ chào đời, việc trước tiên là phải giao tiếp với bé bằng tiếng Việt". Dù sống ở nước ngoài nhưng gia đình ông Trường vẫn giữ kiểu sống "tam đại đồng đường", ông bà, cha mẹ, con cháu cùng sống chung một nhà. Theo ông, ngôi nhà ông đang ở được bài trí không khác gì một căn nhà Việt truyền thống từ bộ bàn ghế, lọ hoa, ấm chén, tranh khung cảnh Việt Nam… Đặc biệt là bàn thờ gia tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất.

Giữa không gian sống đậm chất thuần Việt ấy, cả nhà ông Trường đều nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Mấy đứa cháu của ông sinh ra ở Slovakia cũng được dạy tiếng Việt từ bé nên rất thành thạo. Những bữa ăn của gia đình ông Trường vẫn duy trì với những món ăn Việt Nam như cà muối, rau bí xào, bánh đa nem… Gia đình ông có thói quen trồng các loại rau của Việt Nam. Mùa nào rau nấy, lúc nào vườn nhà ông cũng xanh mướt, chỉ trừ vào mùa đông tuyết rơi dày cây không sống được. Thói quen này một phần vì muốn có thực phẩm của quê hương, một phần vì muốn tạo cảnh quan và môi trường sống giống quê nhà.

Không chỉ những người lớn tuổi như ông Trường, mà khi xa xứ, nhiều người trẻ tuổi vẫn giữ nét ẩm thực và lối sống ở Việt Nam. Chị Phạm Thị Nhiên (quê ở TP Hải Dương) năm nay 33 tuổi, đang sinh sống và làm việc tại làng Primda, huyện Tachov (Cộng hòa Séc) luôn chăm chút, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống trong căn nhà của mình. Chị Nhiên có 3 người con. Vợ chồng chị Nhiên đều là người Việt nên anh chị luôn tâm niệm phải dạy cho con nhớ về nguồn cội bằng chính những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, trong ngôi nhà của gia đình. Khi còn nhỏ, chị quan tâm dạy các con tiếng Việt. Trong nếp sống hằng ngày, chị dạy con nấu những món ăn Việt. Chị Nhiên cho biết người Việt ở Séc mua thực phẩm truyền thống khá dễ dàng. 

Sum vầy

Các cháu bé ở Tachov (Cộng hòa Séc) trong trang phục truyền thống nhân dịp năm mới

Thời điểm tôi nói chuyện với chị Nhiên cũng là lúc kiều bào ở làng Primda tổ chức "Đêm hội làng Việt". Chị Nhiên cho biết đây là chương trình được tổ chức hằng năm của kiều bào ở đây trong nhiều năm qua, là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau tham gia những trò chơi dân tộc như kéo co, đố vui… Dù khá bận với công việc riêng nhưng cả nhà chị Nhiên đều tích cực tham gia, người làm MC, người biểu diễn văn nghệ.

Nơi chị Nhiên ở hiện có hơn 1.000 người Việt đang sinh sống. Đọc những dòng chia sẻ của chị Nhiên về nét sinh hoạt cộng đồng của kiều bào nơi đây, tôi có cảm giác khoảng cách về địa lý không hề ảnh hưởng đến những phong tục đã ăn vào nếp nghĩ của mỗi người con nước Việt. Chị Nhiên cho biết: “Chỗ mình ở tập trung đông người Việt Nam nên các ngày lễ, Tết như Trung thu, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, mọi người cùng nhau tổ chức vui lắm. Hằng năm, những cháu nào học giỏi đều được khen thưởng, nhận quà của Hội Người Việt Nam ở đây”.

Càng đi xa, nhiều người Việt càng thấm thía nỗi nhớ quê hương. Những năm gần đây, ông Trường đã 2 lần đến thăm quần đảo Trường Sa. Ông muốn tận mắt chứng kiến mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, là “cánh cửa” của ngôi nhà Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi, ông trở về với biết bao cảm xúc dành dụm được để kể với con cháu, với bạn bè ở Slovakia.

Tết này cũng như bao Tết đã qua, gia đình ông Trường, chị Nhiên ở nơi xa xứ vẫn sẽ có những cành quất trĩu quả với ánh đèn nhấp nháy, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên trang trọng đón giao thừa. Trong bữa ăn ngày Tết đầy đủ các món ăn truyền thống quê nhà như: bánh chưng xanh, thịt đông, dưa hành. “Ngày Tết ở bên này không khác gì ở Việt Nam. Để đón Tết, mọi người ai cũng tất bật từ dọn dẹp nhà cửa, lo sắm mâm ngũ quả, rửa lá dong… Thời khắc gói bánh chưng là lúc con cháu quây quần học hỏi. Người lớn tuổi sẽ kể về các phong tục ngày Tết của quê hương”, ông Trường chia sẻ.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ văn hóa Việt ở xứ người