Những người “giữ lửa” cho xoan không chỉ là các cụ cao niên vào tuổi cửu thập mà còn có cả các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Du khách quốc tế rất thích thú với những điệu hát xoan
Sự tiếp nối, truyền dạy qua nhiều thế hệ đã góp phần gìn giữ, bảo tồn “hồn cốt” di sản văn hóa của nhân loại: hát xoan Phú Thọ.
Phú Thọ hiện còn giữ được 4 phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét thuộc 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu của TP Việt Trì. Lập xuân, khi mưa bụi bắt đầu rắc mình trên những cánh đào phai cũng là lúc đào, kép các phường xoan rạo rực chuẩn bị cho cuộc hội ngộ, lưu diễn đón xuân.
Hát xoan trường tồn qua thời gian chủ yếu qua phương thức truyền miệng. Do đó, để hát xoan đúng và mượt mà cần phải có thời gian tập luyện công phu của các đào, kép ở các phường xoan. Thực tế, phường xoan chủ yếu là người cùng làng, phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau. Người đứng đầu phường xoan được gọi là “ông trùm”. “Ông trùm” vừa là thầy dạy nghệ thuật hát xoan, vừa là người liên hệ, tổ chức các cuộc trình diễn và lưu diễn của phường xoan. Tháng giêng hằng năm là dịp các phường xoan sắm sửa khăn áo, tay nải đi giao lưu, hát đối đáp cùng những phường xoan khác trong vùng. Đêm hát xoan được tổ chức ở cửa đình, cửa miếu của làng chứ không có sân khấu. Trước khi hát xoan chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp, các cụ cao niên tại các phường xoan cổ vẫn truyền dạy cho con cháu hát xoan theo phương pháp truyền miệng. Sau này, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát xoan, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức các lớp truyền dạy và thực hành hát xoan cho lớp nghệ nhân kế cận và truyền dạy trong cộng đồng.
Cụ Nguyễn Thị Sủng đã gần 90 tuổi với hơn bảy mươi năm đắm đuối với hát xoan là một trong số ít nghệ nhân cao tuổi còn tham gia truyền dạy hát xoan. Đến nay, dù mắt đã mờ song cụ vẫn hát rõ lời, tay múa, chân đưa thuần thục các điệu xoan từ "Ngư tiều canh mục" đến "Đưa hương", "Đóng đám". Nói về niềm đam mê hát xoan, cụ Sủng chỉ gói gọn trong mấy câu: "Còn sống thì tôi còn truyền dạy để thế hệ sau này giữ lấy hát xoan. Chỉ khi nào chết thì tôi mới thôi hát xoan!".
Đã hai năm nay, hội trường của UBND xã Kim Đức luôn sáng đèn vào các buổi tối cuối tuần. Với nhiều người, học hát xoan vào tối thứ 6 và thứ 7 đã trở thành thói quen sinh hoạt. Vào mùa gặt, trong làng, ngoài đồng, đâu đâu cũng thấy các bà, các chị hát xoan. Lời ca ngữ điệu của xoan đã phần nào làm vơi đi những khó khăn, vất vả lúc nhà nông bận rộn. Giờ đây, các phường xoan không chỉ tập trung lớp nghệ nhân kế cận ở độ tuổi U20 đến U60, mà đã thu hút cả những đào, kép còn đang là học sinh tiểu học. Cách dạy hát xoan vẫn theo lối truyền khẩu. Thầy hát mẫu, trò ca theo. Nhịp điệu của xoan đôi khi thủng thẳng, thong thả, khi lại dồn dập, say mê. Người học hát xoan vì thế dễ dàng thả hồn vào từng câu hát một cách tự nhiên và truyền cảm. Theo các nghệ nhân cao tuổi thì các đào, kép khi vào nhịp hát dẫn cần thanh to, âm chắc, biểu diễn chỉ cười mỉm để tạo nét duyên với người xem. Trang điểm cũng phải đúng “chất xoan”, với các đào thì không được kẻ mi mắt, lông mày đánh đường mảnh, dài. Tô má hồng không được bôi theo kiểu “trôn niêu” sẽ cứng nhắc, giả tạo mà phải thoa gần khắp bờ má để khuôn mặt đầy đặn, giàu sức sống. Các kép đội khăn xếp phải cao để lộ vầng trán giúp cho khuôn mặt sáng sủa, lông mày kẻ đậm hơn đào.
Ngoài lớp nghệ nhân, nay đã có cả những đào, kép là học sinh tiểu học. Ảnh: Việt Hà
Tuy là lớp nghệ nhân kế cận thuộc thế hệ "8X" song Nguyễn Văn Quyết - “ông trùm” trẻ tuổi của phường xoan Kim Đới khẳng định: "Chúng tôi có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ những làn điệu xoan do ông cha truyền lại để tiếp tục truyền dạy cho những thế hệ sau".
Sau 5 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, hát xoan ngày càng lan tỏa vào đời sống cộng đồng. Hiện nay, Phú Thọ đang triển khai nhiều giải pháp để đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017. Để làm được điều này, vai trò của các nghệ nhân hát xoan rất quan trọng. Họ chính là những báu vật nhân văn sống góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo này. Nói như Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Bảo - "ông trùm" phường xoan Thét thì: “Vật chất thiếu có thể bù đắp được nhưng để truyền dạy hát xoan, cái quan trọng hơn cả là nghệ nhân phải có cái tâm với nghề”.
Tháng 3 trẩy hội Đền Hùng, tiếng hát xoan mượt mà đâu đó cất lên: “Hoa nở đón xuân về kìa trong nắng tươi/Chim hót líu lo vang trời, tiếng trống chiêng vang lừng/Cờ hoa rực rỡ như gọi như mời/Bè bạn phương xa về với chúng ta/Vui hội chốn quê nhà…”.
ĐỖ NGỌC