Giữ lấy uy tín rượu Phú Lộc

19/04/2017 06:07

Tên thương hiệu đã bị mất, người nấu rượu ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) còn đang đứng trước nguy cơ mất luôn cả uy tín bởi một số hộ ở đây làm ăn bát nháo.



Các hộ sản xuất rượu truyền thống ở làng Phú Lộc đang lo mất uy tín bởi một số hộ làm ăn bát nháo


Theo ông Hoàng Văn Phú, Phó Trưởng thôn Phú Lộc, thôn hiện có 5-6  hộ không sản xuất mà đi mua rượu trôi nổi ở nơi khác về bán kiếm lời, trong đó có trường hợp mua rượu tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Loại rượu này được bán với giá 10.000 - 12.000 đồng/lít, bằng 1/3 giá rượu Phú Lộc.

Năm 2014, ông Phú đã sang tận xã Tam Đa để tìm hiểu quy trình sản xuất rượu. Ông thấy một số người dân ở đây chỉ cần dùng cồn công nghiệp hòa với nước lã đựng trong những thùng phuy từ vài chục đến hàng trăm lít là thành rượu.

“Gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu dẫn tới chết người. Những trường hợp này đều uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn vượt quá nồng độ. Chúng tôi rất lo lắng vì nếu có ai đó uống những loại rượu được mua từ nơi khác về bán tại thôn mà bị làm sao thì uy tín rượu Phú Lộc bao đời coi như mất hết”, ông Phú nói.

Lo lắng của ông Phú và người dân thôn Phú Lộc có cơ sở khi ngày 23.3 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện tại gia đình chị Hoàng Thị Nhung ở cùng thôn có hơn 1.000 lít rượu và 240 kg bột men không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chị Nhung cho biết thường lấy rượu của một người tên Khanh ở Bắc Ninh về bán, chứ cũng không rõ quá trình sản xuất loại rượu này như thế nào.

Từ trước đến nay, khi mua bán không có bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào. Không chỉ có rượu, chị Nhung còn lấy thêm bột men không rõ nguồn gốc, xuất xứ về để bán cho những người có nhu cầu.

Tuy lượng rượu nấu thủ công tại thôn Phú Lộc vẫn được tiêu thụ đều, nhưng kiểu kinh doanh bát nháo của một số trường hợp như chị Nhung khiến các hộ trong thôn thực sự lo lắng.

“Cần phải sớm xử lý triệt để những trường hợp làm ăn kiểu này nếu không sẽ làm mất uy tín của cả làng nghề và trực tiếp ảnh hưởng tới việc sản xuất, tiêu thụ của những hộ nấu rượu như chúng tôi”, chị Đào Thị Hương ở thôn Phú Lộc chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ cho biết địa phương cũng đang băn khoăn, lo lắng về vấn đề này. Hiện nay, hầu hết các hộ sản xuất rượu trong thôn đều làm ăn manh mún, tự phát theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”, chưa có sự liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đáng chú ý là hầu hết các hộ chưa được cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định. Địa phương mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm giải pháp giúp quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu trong làng. Đồng thời, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp làm ăn bát nháo, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng tại địa phương.

“Trước mắt xã đã yêu cầu thôn Phú Lộc tổ chức họp các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng và thống nhất treo biển đề tên rõ ràng loại rượu mà gia đình đang bán ở ngoài cổng để khách đến mua được biết, tránh sự hiểu nhầm và làm mất uy tín rượu Phú Lộc. Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân trong xã không sản xuất, buôn bán, tiêu thụ rượu trôi nổi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn”, ông Tiển nói.

Theo ông Trần Văn Thư, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Vũ, từ trước đến nay, các đoàn đến kiểm tra an toàn thực phẩm tại xã Cẩm Vũ thường chỉ quan tâm kiểm tra một số cửa hàng dịch vụ ăn uống.

Đối với sản phẩm rượu, thường chỉ dừng lại ở việc kiểm tra nhãn mác, chưa đi sâu kiểm tra hoạt động sản xuất, nguồn gốc hàng hóa.

Thời gian gần đây, những vụ ngộ độc rượu liên tục xảy ra, vì vậy các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra thường xuyên, đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp làm ăn không đúng quy định.

MẠNH TRANG

Thôn Phú Lộc có khoảng 100 hộ sản xuất rượu theo phương pháp chưng cất truyền thống. Bình quân mỗi hộ sản xuất được 20 - 30 lít/ngày. Sau khi Phú Lộc được tỉnh công nhận là làng nghề sản xuất rượu, năm 2006, UBND xã Cẩm Vũ gửi tờ trình để đăng ký thương hiệu. Theo ông Hoàng Văn Phú, Phó Trưởng thôn Phú Lộc, khi đến cơ quan chức năng thì mới biết từ tháng 3.2003 đã có Công ty TNHH Sa Lộ 4 (Hà Nội) đăng ký mất tên thương hiệu rượu Phú Lộc. Vị giám đốc công ty này có quê ngoại ở đây và còn là khách hàng quen thuộc của làng. Lãnh đạo địa phương nhiều lần lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và nhờ cả luật sư để đòi lại thương hiệu nhưng không thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ lấy uy tín rượu Phú Lộc