Trao đổi bên hành lang Quốc hội về tình trạng đặc khu chưa ra đời, đất đai đã bị đầu cơ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói trong báo cáo thẩm tra dự luật Đặc khu đã có cảnh báo.
Ông Khanh cho rằng, phải làm sao để dừng chuyện đầu cơ đất tại các đặc khu tương lai và tất nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc tạm dừng các giao dịch chuyển nhượng đất đai lại sẽ thế nọ thế kia nhưng nếu không làm vậy, chưa xây đặc khu, đất đã sốt hết lên.
"Để các thế lực ngầm thôn tính hết đất, sau này không còn gì để kéo nhà đầu tư vào. Khi ấy ‘đại bàng’ đến không còn đất, ‘chim sẻ’, ‘chim sâu’ chiếm hết đất”, Chủ nhiệm UB Kinh tế ví von.
Vì vậy, phải có sàng lọc để ‘đại bàng’ vào đặc khu, còn ‘chim sẻ’, ‘chim sâu’ thì phải vào chỗ khác.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: T.Hằng |
Hiện nay, Quảng Ninh đã tạm dừng lại các giao dịch chuyển nhượng đất đai tại Vân Đồn.
“Chủ trương của lãnh đạo Quảng Ninh là dừng, vừa rồi ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy đã xuống trực tiếp chỉ đạo dừng lại việc này, chờ luật Đặc khu rồi mới triển khai. Từ khi tôi còn ở Quảng Ninh đã dừng hết các dự án để dành đất cho đặc khu”, ông Khanh nói.
Nói về số tiền 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng 3 đặc khu mà ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn tại phiên thảo luận tuần qua, ông Thanh cho hay đó chỉ là vốn mồi để thu hút các nhà đầu tư. Ông dẫn chứng cách làm của Quảng Ninh, nhà nước chỉ bỏ vốn mồi, còn lại tìm cách khác kéo vốn nước ngoài vào.
Theo ông, quan trọng là phải kéo được những nhà đầu tư chiến lược, những DN hàng đầu thế giới, có công nghệ, có tiềm lực vào.
Tiền đẻ ra tiền
ĐBQH Hoàng Văn Cường, ủy viên UB Kinh tế nhấn mạnh, 1,5 triệu tỷ này không phải vốn của nhà nước bỏ ra hoàn toàn mà là tổng nguồn đầu tư xã hội, trong đó vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng 20% trong 1,5 triệu tỷ.
“Đó được coi là vốn mồi để đầu tư vào các khâu của hạ tầng hoặc về giải phóng mặt bằng để tạo tiền đề cho nhà đầu tư vào đầu tư một cách thuận lợi nhất”, ông Cường giải thích.
Theo ông, việc bỏ tiền vốn ngân sách ra không phải làm thay chủ đầu tư mà chỉ làm tiền đề để nhà đầu tư bỏ vốn vào một cách thuận lợi.
ĐBQH Hoàng Văn Cường, ủy viên UB Kinh tế. Ảnh: Quang Phúc |
“Để thu hút vốn của nhà đầu tư, chúng ta đưa ra rất nhiều ưu đãi trong luật, ví dụ nhà đầu tư chiến lược mà đầu tư vào hạ tầng thì sẽ được miễn thuế trong nhiều năm, được giảm thuế cho nhiều lĩnh vực hoạt động. Khi người ta nhìn thấy những cơ hội như thế thì người ta sẵn sàng bỏ tiền vào để đầu tư ban đầu, mục tiêu là được hưởng lợi từ những chính sách đó”, ĐB TP Hà Nội phân tích.
“Xây dựng đặc khu là bước đầu tư vào kinh tế, mà đầu tư phải có lợi nhuận, làm cho “tiền đẻ ra tiền”, nhưng bất kể việc đầu tư nào cũng cần phải bỏ tiền ra trước”, ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng, chúng ta cũng không lo ngại bỏ tiền ra hay cho nhiều ưu đãi nhưng sẽ không thu được lợi nhuận, bởi trong 3 ưu đãi hấp dẫn nhất của đặc khu, ưu đãi thuế chỉ có được khi nhà đầu tư vào và đã sản xuất kinh doanh mới được hưởng. “Thậm chí, khi hoạt động kinh doanh tốt thì dù được miễu thuế hay giảm sâu vẫn có lợi hơn việc thu thuế cao mà hiệu quả kinh doanh không tạo ra được sự phát triển. Chúng ta phải tạo ra những cái đó trước mới thu hút được đầu tư chứ không thể thu hút bằng “tay trắng”, ĐB Cường nói.
Theo ông, nguồn lợi của đặc khu đừng nghĩ 1 năm hay 5 năm sau Nhà nước thu về được bao nhiêu, mà phải nghĩ nếu như không có cơ chế tốt thì 5 năm hay 10 năm nữa cũng không có tiền tạo ra những khu vực phát triển như thế.
Nhà nước chỉ bỏ ra một phần nhỏ vốn mồi trong 1,5 triệu tỷ
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguồn vốn 1,5 triệu tỷ đồng chỉ là tính toán sơ bộ về tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội của cả 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Như trong số 1,5 triệu tỷ, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ mang ý nghĩa vốn mồi, còn lại sẽ là huy động các nguồn lực khác.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Phạm Hải |
“Cho đến nay, tỷ lệ vốn mồi mà ngân sách bỏ ra để đầu tư vào 3 đặc khu cũng chưa thể xác định là bao nhiêu vì luật chưa thông qua, chưa lập quy hoạch, chưa xác định được các công trình dự án, vì thế, chưa xác định được tiền”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, về định hướng, sau này khi các địa phương có đặc khu có nguồn thu để lại trong bao nhiêu năm, sau đó cộng với nguồn vốn từ các nhà đầu tư bỏ ra nữa để đầu tư, chứ không phải nhà nước bỏ ra hoàn toàn 1,5 triệu tỷ đó.
“Giờ chúng ta phải chờ luật Đặc khu thông qua mới lập quy hoạch, rồi mới xác định từng công trình, dự án để xem đầu tư hết bao nhiêu tiền, trong đó Nhà nước bỏ bao nhiêu”, Bộ trưởng KH-ĐT giải thích.
Ông cũng cho rằng, nếu chúng ta không đưa ra được những cơ chế chính sách đủ để hấp dẫn, để thu hút nhà đầu tư thì mức độ thành công đối với các khu này sẽ giảm đi.
Theo Vietnamnet