Mùa này, cứ mỗi lần điện vào trong ấy, nhạc chờ của anh lại vang lên lời ca tha thiết: "Anh ở trong này chưa thấy mùa đông, nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ..." (*).
Mùa này, cứ mỗi lần điện vào trong ấy, nhạc chờ của anh lại vang lên lời ca tha thiết: "Anh ở trong này chưa thấy mùa đông, nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ..." (*).
Anh biết không, ngoài này đang là mùa gió, gió bấc... Thứ gió hanh khô cứ cồn cào thốc tháo thổi trên cánh đồng vừa gặt xong chỉ còn trơ lại những gốc rạ mênh mông một màu xám ngoét... Đồng ruộng khô nẻ, cỏ cây xơ xác lá. Chỉ có mấy con chim chìa vôi, rẻ quạt lích rích bới đất tìm sâu trên những rãnh cày đất ải trắng.
Anh có nhớ những buổi chăn trâu trên cánh đồng làng vào mùa gió bấc cứ ràn rạt thổi, chúng mình cùng nhau vào mé Đống Khấm để tránh làn gió bấc. Rồi những cọng rơm rạ, cỏ khô được đốt lên để sưởi. Khói nghi ngút làm cay mắt, nước mắt, nước mũi ứa ra, bọn cái Na, cái Hồng chế em là khóc nhè. Mặc chúng nó, em lấy tay lau nước mắt, không ngờ tay bụi bẩn làm mặt em nhọ nhem, cả bọn cười ngặt nghẹo, đuổi nhau. Táo tợn hơn bọn chúng còn "ê" em với anh. Những lúc ấy anh hiền khô, chỉ im lặng với cặp mắt hồn hậu mở to nhìn em như thầm bảo: "Kệ chúng nó, chẳng có gì mà sợ". Rồi chiều xuống, trời càng rét dữ, trên đường về làng, những con trâu đi chậm chạp co ro vì rét.
Không biết từ đâu những ngọn gió đổ về bên kia sông rồi tràn sang xóm bãi. Những ngọn gió hoang hoải mang theo hơi nước từ mặt sông lên buốt giá. Về đêm, gió lùa nghe càng rõ, càng da diết buồn, lòng tự hỏi: Sao gió cứ từ bên kia sông sang, mà không phải từ bên này? Đã bao lần nghĩ thế mà đành lặng im nghe gió thổi, mặc cho triền sông sóng vẫn vỗ và gió thì cứ miên man. Ừ, ở nơi anh vào trong đó lập nghiệp, đất đai màu mỡ hợp với các giống lúa mới, cây ăn trái chịu hạn mặn cao mà chúng mình hồi cùng học ở Học viện Nông nghiệp ngoài này ai nấy đều mơ ước, giá như được vào trong đó để thể nghiệm. Thế rồi, sau khi rời học viện, mình anh khoác chiếc ba lô của bố ngày chống Mỹ đi bộ đội để lại, lặng lẽ đi về miền quê ấy, nơi chỉ có "quê em hai mùa mưa nắng" thì nhớ sao được những đợt gió bấc hanh khô ngoài này. Bây giờ, hình ảnh ruộng đồng quê mình những ngày gió bấc hanh hao, khô cằn xưa chỉ còn trong kỷ niệm. Đồng quê đổi mới từng ngày. Bọn trẻ bây giờ không có trâu mà chăn. Làm đất, cày bừa bằng máy. Đồng ruộng mùa tiếp mùa. Sau vụ gặt tháng mười là hối hả vào vụ đông. Rau củ giống mới, tưới tiêu tự động, chăm bón theo kỹ thuật trong những nhà màng, nhà lưới lấp lánh sáng. Những ngày thu hoạch vụ đông, ô tô thương lái các nơi đổ về thu gom, vận chuyển xuất khẩu, đồng làng vui như hội. Tiếp đến là lịch lấy nước đổ ải. Cả cánh đồng Đạ, đồng Mây, sau Nghè ăm ắp nước. Máy cày, máy lồng bừa đi, bừa lại cho đất nhuyễn, mặt ruộng phẳng đều, để đó chờ ăn Tết xong, mạ xuống đồng, mặc gió rét cứ thổi.
Những khi ngoài này trở rét, trong đó vẫn nóng, anh bảo anh lại mong có gió mùa đông bắc tràn về, lòng nôn nao ngóng đợi, anh phải ngâm ngợi mấy câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên cho lòng vơi đi nỗi nhớ: "Cái rét đầu mùa, anh rét xa em/ Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa". Cái rét thật dễ thương. Có người bảo cái rét làm ta dễ nhớ nhau. Đúng không? Chỉ có anh và em mới biết điều đó rõ hơn. Ước gì em được vào trong đó sưởi nắng để anh không phải: "Gửi ra em một chút nắng vàng... Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy/ Có tình thương tha thiết ở trong này...."(*) Nhưng rồi lòng vẫn bâng khuâng nỗi niềm những đêm trời trở gió, lại xót xa nghĩ đến thân phận người vô gia cư tránh rét ở góc phố, chân cầu đang mong mỏi tìm được nơi sưởi ấm. Những người cơ nhỡ ấy, họ đi đâu về đâu, ơi những làn gió rét ngày đông? Lòng mong sao mọi người đều có tổ ấm, không còn cảnh người đi lang thang trong làn gió bấc buốt giá. Một cái nhắn tin, hai cái nhắn tin, triệu cái nhắn tin gom góp sưởi ấm cho những người nghèo, những người ở nơi khó khăn do thiên tai, bão lũ... Và, gió vẫn cứ thổi nhưng là gió mang hơi ấm mùa xuân về.
(*) Thơ "Gửi nắng cho em" - Bùi Văn Dung
Tản văn của VŨ HOÀNG LUYẾN