Xuân về tôi lại nhớ gia đình cụ Trùm Thịnh - một gia đình tiêu biểu trong lịch sử nghệ thuật chèo Việt Nam.
Phát huy truyền thống chiếng chèo Đông, Nhà hát Chèo tỉnh vẫn đều đặn cho ra
các vở mới và giành nhiều thành công ở các kỳ hội diễn
Chèo là hình thức sân khấu dân gian thuần Việt. Gọi là gánh chèo vì các đội chèo diễn xong nơi này lại gồng gánh đạo cụ, trang phục sang nơi khác. Còn gọi là chiếu chèo vì diễn ở sân đình (chèo sân đình) trải chiếu làm sân khấu.
Đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội có rạp chèo Sán Nhiên đài (rạp Kim Lan) ở ngõ Sầm Công, phố Tạ Hiện
|
Từ đầu thế kỷ 20, hãng đĩa hát của Pháp Pathé và Asia đã thu các làn điệu do NSND Nguyễn Văn Thịnh hát. Hãng Leos thu đĩa NSND Minh Lý phát hành toàn Đông Dương và Pháp. |
|
bây giờ. Ông Nguyễn Bính, nhà thơ "nhà quê" ở Nam Định có thơ: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay".
Trong lịch sử sân khấu chèo Việt Nam có thể gọi gia đình cụ Trùm Thịnh (Nguyễn Văn Thịnh) là tiêu biểu nhất: Có hai Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), hai Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) và nhiều diễn viên nổi tiếng của sân khấu chèo, cải lương. NSND Trùm Thịnh (1883-1973), NSND Minh Lý con gái cụ Thịnh mất năm 1997, nhưng tài liệu viết về các vị dù là ở Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở toàn cầu) hay trang web của Nhà hát Chèo Việt Nam cũng còn nhiều mâu thuẫn. Người nói quê cụ Thịnh ở Ninh Giang, người nói ở Kim Động (Hưng Yên), Nhà hát Chèo Việt Nam nói quê bà NSND Minh Lý ở Thanh Miện - đó là chuẩn hơn cả. Vì bà nội tôi ở Thanh Miện và ông Trùm Thịnh là con nuôi bà tôi. Tôi gọi ông là bác.
Trước năm 1945, một văn sĩ trong nhóm "Tự lực văn đoàn" (xuất phát ở Cẩm Giàng) đã viết một tiểu thuyết ngắn "Dọc đường gió bụi" về bà Lý, một đào hát tài hoa, sắc đẹp "đổ quán xiêu đình". Năm 1931 có một vị hoàng thân (Nghè Thảo) ở Huế ra Hà Nội công tác, xem bà Lý hát đã chết mê chết mệt đến mức cầu hôn ngay. Khi Nghè Thảo về triều đình, vợ là bà công chúa, em vua Khải Định biết chuyện sai binh lính, gia nhân ra Hà Nội đánh ghen, đầu độc bà Lý. Bà Lý tháo chạy về Thanh Miện, quân triều đình về truy nã. Bố tôi phải giấu cô cháu gái tài hoa vào đống rơm. Đó là chuyện của gia đình. Còn trong tiểu thuyết văn sĩ thêm mắm thêm muối vào thế nào, tôi không cần nói ở bài báo này.
Bố tôi là Bí thư Huyện ủy Thanh Miện trước khởi nghĩa năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám ông làm Chủ tịch huyện Gia Lộc, sau đó làm Phó Trưởng Ban Kinh tài Khu Ba (ông Lê Thanh Nghị là Trưởng ban). Toàn quốc kháng chiến, cụ Thịnh, bà Lý về quê tham gia văn hóa kháng chiến ở Ninh Giang, có lẽ vì thế có người nói quê Ninh Giang. Còn bố tôi chuyển theo cơ quan Kinh tài khu vào Thanh Hóa. Sau đó ông sang Nha Quân giới miền Nam, rồi lên Việt Bắc làm việc ở Văn phòng Chính phủ. Bà nội tôi bảo là "làm ở bàn giấy ông Đồng".
Khi ở Thanh Hóa, một nhánh của gia đình cụ Trùm Thịnh gồm con trai NSƯT Thanh An, NSƯT Ba Bái, Ba Bay lập đoàn cải lương phục vụ nhân dân Khu Bốn.
Khi máy bay Pháp bắn cháy nhà ở Cầu Bố, nhà tôi phải tản cư về Nấp (Quảng Nạp, Quảng Xương). Bố tôi ở Đô Lương, được nghỉ ông lại đạp xe hơn trăm cây ra Thanh Hóa thăm gia đình. Có lần ông về cả đoàn cải lương của anh Thanh An cũng đến ở với gia đình tôi để tối bắc rạp diễn, có bán vé để có tiền rau cháo nuôi nhau cùng kháng chiến trường kỳ. Hòa bình lập lại gánh hát Thanh An về Nam Định lập đoàn cải lương Bình Ninh. Đến nay, rạp Bình Ninh vẫn còn, con cháu cụ Thịnh vẫn làm nghề sân khấu, nhưng thời buổi này các nhà hát tuồng, chèo, cải lương, kể cả kịch nói mấy khi đỏ đèn.
Từ đầu thế kỷ 20, hãng đĩa hát của Pháp Pathé và Asia đã thu các làn điệu do NSND Nguyễn Văn Thịnh hát. Hãng Leos thu đĩa NSND Minh Lý phát hành toàn Đông Dương và Pháp. Năm 1959, Từ điển Sân khấu Liên Xô đã có mục nghệ sĩ Nguyễn Văn Thịnh.
Cuộc đời NSND Minh Lý còn nhiều chuyện hay hơn tiểu thuyết "Dọc đường gió bụi". Sau vụ đánh ghen của bà công chúa, bà Lý sinh con ở Thái Bình, gửi bà mẹ kế nuôi hộ con rồi vào chùa xuống tóc đi tu. Lão lý trưởng ngôi làng có chùa biết chuyện đã bẩm báo lên tỉnh nhà chùa có "gái giang hồ". Tri phủ Thái Bình Phan Học Hải đến chùa gặp chú tiểu Minh Lý và mê tít thò lò, xin nhà chùa cho Minh Lý hoàn tục về làm vợ ông Phủ. Lão này còn cách chức gã lý trưởng đã "báo cáo láo". Trùm Thịnh gửi thư cho con gái: "Con hoàn tục, chúc con gặp nhiều may mắn trên đường đời. Y phục nhà chùa con dùng không phải hoàn lại, phòng khi muốn nhập bản tự nào thì con cứ mặc y phục đó đi đến. Cửa Phật sẽ rộng mở đón con". Có con với Phan Học Hải nhưng bà Lý vẫn đi hát, không bỏ nghề. Được 10 năm bà Lý không chịu được cảnh lẽ mọn đã một lần nữa ra đi, dấn thân vào gió bụi...
Các NSND Nguyễn Văn Thịnh, NSND Minh Lý, NSND Cả Tam... những năm sau hòa bình đã trở thành các thầy chèo. Đặc biệt Nhà nước ta đã mời các vị làm chuyên gia nghiên cứu, sửa lại các làn điệu chèo cổ, thành "bộ sách giáo khoa" cho chèo hiện đại ngày nay. Các vị đã đào tạo một thế hệ diễn viên chèo mới như NSND Thanh Hoài, NSƯT Minh Thu, NSƯT Thanh Bình...
Năm 1945, tôi về Hà Nội đi học tiếp, rồi năm 1967 từ Khoa Văn Đại học Tổng hợp đi làm báo. Kháng chiến chống Mỹ, vào Nam ra Bắc, đời phóng viên cũng quanh năm lang thang gió bụi, phần nữa vì miếng cơm manh áo nên quan hệ giữa gia đình tôi với gia đình cụ Thịnh cũng thưa nhạt. Nhất là với anh Thanh An, anh Ba Bái... ở Nam Định, dù tôi làm rể Nam Định 45 năm nay nhưng vợ tôi cũng lên Hà Nội làm báo nên chưa lần nào gặp lại các anh. Bà tôi mất năm 1967, nếu còn đã gần 160 tuổi. Bố mẹ tôi cũng đã ở chốn "Hóa thân hoàn vũ" mấy chục năm rồi. Mỗi năm tôi về Thanh Miện viếng mộ cụ, ông, bà một lần. Vào tuổi U80 rồi, mỗi tháng vẫn đủ sức cầm bút viết dăm chục bài báo nhỏ, nhưng đôi chân đã chậm, mắt đã mờ, nhiều bệnh, uống thuốc hàng vốc. Tết này nhớ quê, nhớ người cũ viết mấy dòng về "nhân tài tỉnh Đông". Tôi chỉ viết theo trí nhớ của tôi và chuyện gia đình mình. Nếu có gì chưa chuẩn hay động chạm đến ai, mong được lượng thứ! Quan hệ của gia đình NSND Nguyễn Văn Thịnh với gia đình tôi chỉ là mảng sáng mơ hồ trong ký ức tôi. Nhưng vai trò của gia đình này trong lịch sử sân khấu Việt Nam không nhỏ. Miền Trung có tuồng, miền Nam có đờn ca tài tử, xứ Bắc có chèo và gia đình NSND Trùm Thịnh có lúc nào đó và ai đó tôn phong như những người đã hoàn thiện, nâng cao nghệ thuật dân gian thành nghệ thuật dân tộc?
TRẦN ĐỨC CHÍNH