Gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội

09/02/2011 05:07

Để bảo đảm cho các lễ hội mùa xuân vui tươi, lành mạnh, ban quản lý các di tích, danh thắng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế mở hội truyền thống, kiên quyết chống mọi biểu hiện thương mại hóa lễ hội.

Sau Tết cổ truyền, các lễ hội mùa xuân lại mở ra khắp mọi vùng miền đất nước, thu hút đông đảo khách thập phương về dự.

Nhiều năm qua, việc tổ chức lễ hội đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở nhiều địa phương có di tích lịch sử, văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh mang đậm bản sắc dân tộc. Sau một năm bận rộn với những lo toan thường nhật, trẩy hội ngày xuân là dịp giải tỏa những lo âu, phiền muộn hoặc thư giãn tinh thần với những trò chơi lành mạnh. Các lễ hội truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, trong lễ hội vẫn còn nảy sinh tình trạng mê tín dị đoan, xem bói, rút thẻ, lên đồng, ăn uống lãng phí... Việc khoán trắng cho các "cai thầu" tổ chức bán vé vào hội, thu tiền gửi xe máy, xe đạp, ô-tô còn cao gây phiền phức, bức xúc cho khách. Vệ sinh môi trường ở nhiều lễ hội chưa bảo đảm, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được giám sát, quản lý chặt chẽ. Ở một số lễ hội, phần “lễ" nặng hơn phần "hội" và các trò vui chơi giải trí lành mạnh còn ít...

Để bảo đảm cho các lễ hội mùa xuân vui tươi, lành mạnh, ban quản lý các di tích, danh thắng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế mở hội truyền thống, kiên quyết chống mọi biểu hiện thương mại hóa lễ hội. Các địa phương mở hội phải xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và giữ gìn vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội, góp phần thiết thực phát huy giá trị văn hóa cổ truyền, bản sắc dân tộc.

NHƯ HÙNG(Hà Nội)

(0) Bình luận
Gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội