Gieo cấy lúa ở Kinh Môn: Đột phá từ khâu chọn giống

10/02/2017 05:51

Nhiều năm nay, Kinh Môn luôn đi đầu trong việc đưa các giống lúa mới vào đồng ruộng đem lại hiệu quả kinh tế cao.



Nông dân Kinh Môn gieo cấy giống lúa  TBR225

Được sự tư vấn, định hướng của HTX dịch vụ nông nghiệp, 2 năm nay, gia đình bà Dương Thị Yên ở xã An Sinh cấy giống lúa chất lượng TBR225. Bà Yên cho biết: Trước kia, gia đình bà thường cấy các giống lúa như BC15, Q5, Khang dân 18... do năng suất cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết thay đổi khiến các giống này bộc lộ nhiều nhược điểm, dễ nhiễm các loại bệnh như đạo ôn, rầy nâu, bạc lá... Chi phí vật tư nông nghiệp cũng tốn kém hơn. Từ khi cấy giống lúa mới TBR225, gia đình bà nhàn hơn hẳn và cũng không phải lo bị chậm lịch thời vụ khi hành tỏi thu hoạch muộn, vì đây là giống ngắn ngày. Lúc đầu bà Yên và nhiều nông dân khác cũng băn khoăn về giống mới, sợ không hợp với đồng đất sẽ cho năng suất thấp. Tuy nhiên, sau 1 vụ gieo cấy, dù năng suất chỉ tương đương với giống cũ, khoảng 2,5 tạ/sào nhưng lúa ít sâu bệnh nên giá trị kinh tế cao hơn.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Hòa là một trong những đơn vị tích cực tiếp nhận các giống lúa mới. Xã thường xuyên được các công ty giống, cơ quan chuyên môn lựa chọn để sản xuất, trình diễn thử nhiều loại giống mới triển vọng. Theo ông Dương Văn Tấn, Giám đốc HTX, để người dân thay đổi nhận thức về giống lúa rất khó khăn vì tâm lý thường chỉ gieo cấy giống quen. Từ khi mô hình sản xuất giống mới được thực hiện tại địa phương, nông dân trực tiếp gieo cấy, tự đánh giá được kết quả nên ai nấy đều hăng hái đăng ký mua giống mới. Hiện tại, trong cơ cấu giống của xã, các giống lúa mới như Tej vàng, TBR225, VS8, Thái Xuyên 111, TBR-1... chiếm hơn 70% diện tích gieo cấy.

So với các địa phương khác, huyện Kinh Môn có nhiều bất lợi trong sản xuất nông nghiệp. Thâm canh cây vụ đông dài ngày cùng với khó khăn trong điều tiết nước đổ ải khiến mùa vụ trở nên cập rập. Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất. Nhận thấy bộ giống gieo cấy trước kia với các giống dài ngày không còn phù hợp, huyện đã chủ động xây dựng cơ cấu giống mới, đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất. Huyện khuyến cáo nông dân sử dụng bộ giống ngắn ngày để lúa sinh trưởng và phát triển gọn trong vụ xuân, hạn chế diễn biến thất thường của thời tiết. Đồng thời làm giảm áp lực thời vụ trong sản xuất. Các giống trong cơ cấu đều là những giống lúa mới, chống chịu sâu bệnh tốt và cho năng suất cao như ĐD2, TBR225, CXT30, TH3-5, NB0, TBR-1... Để nâng cao giá trị sản xuất lúa hàng hóa, huyện chủ trương mở rộng diện tích lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, phấn đấu đạt hơn 50% diện tích gieo cấy. Thực hiện được mục tiêu này, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xác định từ 4-5 giống chủ lực, ưu tiên 2 giống TBR-1, TBR225, xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo sự đồng đều trong chăm sóc, tưới tiêu. Ngoài ra, huyện có chính sách hỗ trợ từ 15.000-40.000 đồng/kg thóc giống để khuyến khích nông dân gieo cấy các giống lúa mới.

Theo ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Kinh Môn là địa phương tích cực tiếp cận các giống lúa mới. Điều này giúp huyện có thể lựa chọn được các giống tối ưu, thích hợp với điều kiện tự nhiêu và tập quán canh tác của người dân. Năng suất lúa của huyện luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh, đạt hơn 65 tạ/ha trong vụ xuân và 61 tạ/ha ở vụ mùa. Vụ xuân này, trung tâm tiếp tục chọn Kinh Môn là nơi sản xuất thử các giống N24, N27, Kim Cương 111.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gieo cấy lúa ở Kinh Môn: Đột phá từ khâu chọn giống