Giếng cổ bảo lưu huyền sử

12/02/2012 09:26

Trải qua biến thiên của lịch sử, trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn hàng chục chiếc giếng cổ có niên đại vài trăm năm gắn với những câu chuyện lịch sử.


Giếng Mắt Rồng ở đền Kiếp Bạc 


Giếng là hình ảnh thân thương, gần với đời sống sinh hoạt của người dân làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua biến thiên của lịch sử, trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn hàng chục chiếc giếng cổ có niên đại vài trăm năm gắn với những câu chuyện lịch sử. 

Trung tâm thị trấn Thanh Hà có ngôi chùa cổ Minh Khánh. Tương truyền, thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông kéo quân từ Tràng An ra hội quân với Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chống quân Nguyên Mông đã ngự tại ngôi chùa này. Thị trấn Thanh Hà vẫn còn các địa danh ghi việc vua Trần Nhân Tông đồn trú quân ở đây, như: Xóm Gạo - nơi giã gạo và đặt kho lương thực của nhà vua; xóm Kỳ - nơi chuyên may cờ cho quân sĩ; xóm Chiêng - nơi quân nhạc đóng; đống Quan Cư - là nơi vua quan họp; đống Tràng Bắn - là nơi quân sĩ tập luyện. Đặc biệt, cách chùa không xa có một chiếc giếng cổ có tên Ngự Dội tương truyền là nơi vua Trần Nhân Tông thường tắm. Chiếc giếng khoảng 2 sào hình tròn nằm ở trung tâm khu dân cư số 6, thị trấn Thanh Hà. Trong giếng trồng sen. Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư chi bộ khu dân cư số 6 cho biết: Từ nhiều đời nay, chiếc giếng cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của nhân dân quanh vùng. Giờ nước giếng vẫn được các gia đình lấy về dùng. Theo các cụ truyền lại, khi vua Trần Nhân Tông về đóng quân ở nơi đây, ông thường tắm ở giếng này. Vì thế giếng có tên là Ngự Dội. Một lần đang tắm ở giếng, nhà vua thấy có một người họ Nguyễn đi lễ chùa. Muốn thử lòng thảo, nhà vua giả danh ông lão ăn mày ngồi trước cổng chùa. Khi lễ xong ra về, thấy một ông lão ăn xin ngồi ở cổng, người họ Nguyễn liền mang đồ lễ bố thí. Cảm tấm lòng từ bi của người họ Nguyễn, nhà vua đã ban cho làng một sắc phong. Nhân dân đã lập đình Ngự Dội bên cạnh giếng để lưu giữ sắc phong. Từ đó, cứ mỗi lần hội chùa, nhân dân trong làng lại làm lễ rước sắc phong từ đình sang chùa. Kết thúc hội, sắc phong lại được rước về đình. Qua thời gian, công trình giếng cổ và đình Ngự Dội bị xuống cấp. Để bảo tồn, năm 2010, nhân dân trong khu dân cư đã đóng góp xây dựng lại đình, xây bờ giếng chống sạt lở và thả sen.

Cũng có nguồn gốc trên 700 năm, giếng Mắt Rồng tại đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo (Chí Linh) là một di vật quan trọng trong quần thể di tích. Chiếc giếng được xây bằng đá, nằm trong sân đền ngay lối cổng vào, quanh năm đầy ắp nước. Ông Phạm Xuân Thúy, 67 tuổi, người thôn Bắc Đẩu cho biết: Từ lúc nhỏ, tôi đã thấy giếng Mắt Rồng ở sân đền rồi. Mỗi buổi đi chăn trâu, tôi vẫn cùng chúng bạn múc nước dưới giếng uống. Lúc đó, miệng giếng được quây tạm bằng đá ong. Tương truyền, vị trí khu vực đền Kiếp Bạc ngày nay, xưa là rừng. Khi về Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập đại bản doanh trong thung lũng. Tại đây, ông nuôi một con chó để đi săn lúc an nhàn. Con chó rất khôn và có nghĩa với chủ. Một hôm, tự nhiên con chó bỏ đi mất. Hưng Đạo Vương nhớ tiếc con vật tinh khôn liền sai quân lính đi tìm kiếm khắp nơi. Sau mấy ngày tìm kiếm, quân lính báo đã tìm thấy con chó cùng với bốn chó con ở khu vực bãi sậy cách đại bản doanh một lưng đèo. Hưng Đạo Vương sai đem con chó về nhà. Hôm sau, chó mẹ lại tha bốn con ra chỗ cũ. Linh cảm có điều khác lạ, Hưng Đạo Vương truyền cho gia tướng Yết Kiêu cùng mình đến đó xem xét. Ông thấy nơi này nằm cạnh sông Thương là một vị trí hiểm yếu có lợi cho chiến lược quân sự, tiến lui đều thuận lợi. Còn Yết Kiêu phát hiện cách chỗ đàn chó nằm không xa lấp lánh một vết sáng. Đến nơi, ông phát hiện ra một vũng nước tròn sâu, trong vắt. Múc nước uống, thấy ngọt, mát. Ông mời Hưng Đạo Vương tới uống thử. Hưng Đạo Vương uống xong thấy khoan khoái lạ thường. Ông biết đây là nguồn nước chảy ra từ các mạch ngầm của dãy núi Rồng. Về tư dinh, Trần Hưng Đạo quyết định chuyển chỗ ra thung lũng ngoài và giao cho gia tướng Yết Kiêu khơi sâu, mở rộng vũng nước, dùng gạch, đá kè thành giếng giữ nguồn nước quý phục vụ cho binh sĩ. Giếng nước nằm ở giữa thung lũng, do mạch ngầm của núi Rồng chảy ra nên được gọi là giếng Mắt Rồng.

Tuy đã bị vùi lấp song những câu chuyện về giếng Son ở di tích đền thờ nhà giáo Chu Văn An (Chí Linh) cũng rất thú vị. Theo 5 tấm bia tìm thấy ở di tích cùng các tư liệu lịch sử và những tư liệu khai thác của địa phương, thì tại Phượng Hoàng có các di tích: đền Phượng Hoàng thờ Chu Văn An, chùa Huyền Thiên, cung Tử Cực, điện Lưu Quang, phần mộ Chu Văn An, am Lệ Kỳ, Miết Trì, giếng Son... Những di tích này đều được xây dựng từ thời Trần. Tương truyền, ở đáy giếng Son có lớp bùn son, màu đỏ tươi. Hằng năm, vào các dịp lễ Tết, học trò về thăm thường được thầy giáo Chu Văn An bảo ban, lúc ra về lại dùng bùn ở đáy giếng tự tay viết tặng một chữ gọi là "chữ son". Người đang làm quan thầy cho chữ: Đức, Liêm, Trung…; người trắc trở, thầy cho chữ: Cần, Nhẫn, An… Ai được thầy cho chữ thì lấy làm hãnh diện, coi như vật báu, treo ở chỗ trang trọng như lời nhắc nhở. Thành lệ, từ đó học trò về thăm đều xin thầy những chữ mà mình tâm nguyện. Khi dạy học tại núi Phượng Hoàng, thầy giáo Chu Văn An cũng dùng loại mực son này để chấm bài. Những bài văn tốt được thầy khoanh lên đó một khuyên tròn. Có lẽ vì thế ngày nay khi giáo viên chấm bài cho học sinh cũng thường dùng mực đỏ.

Theo Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trên địa bàn tỉnh ta hiện còn hàng chục chiếc giếng cổ gắn với các di tích, các sự kiện lịch sử như: giếng Ngọc chùa Côn Sơn (Chí Linh), giếng cổ ở chùa Đông Dương (Tứ Kỳ), chùa Bình Lãng (Cẩm Giàng), đền Cao (Kinh Môn)… Hầu hết các giếng cổ thường ra đời và có niên đại cùng thời với các di tích. Trải qua sự vần vũ của thời gian, hầu hết các di tích đều hư hỏng, xuống cấp, riêng giếng cổ vẫn tồn tại, trở thành những chứng tích lịch sử vô giá cần được bảo vệ. Ngoài ra, về các làng quê, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp những chiếc giếng cổ, là những công trình quan trọng cho biết sự hình thành và phát triển của hàng trăm ngôi làng.


NGỌC HÙNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giếng cổ bảo lưu huyền sử