Giấy phép con làm khó doanh nghiệp

27/08/2017 07:01

Giấy phép con đã trở thành nỗi sợ của không ít doanh nghiệp. Nó không chỉ làm cho doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh mà còn lỡ cơ hội kinh doanh trên thương trường.



Giấy phép con đang làm khó doanh nghiệp kinh doanh gas


Vòng kim cô

Ông Phạm Tiến Đạt, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thép ở Gia Lộc ví giấy phép con (GPC) giống như chiếc vòng kim cô mà cơ các quan chức năng đặt ra để quản lý doanh nghiệp. Ông Đạt cho biết: "Nhà nước đã quản lý bằng giấy phép đăng ký kinh doanh lại còn đẻ ra quá nhiều GPC khiến doanh nghiệp nghẹt thở. Để nhập khẩu thép, tôi phải xin tới 5-6 GPC chứng nhận đủ cơ sở vật chất để nhập khẩu, được tự dán nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt, đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy… Nếu không đủ những loại GPC này tôi sẽ không được kinh doanh mặt hàng thép".

Khi được hỏi về GPC trong lĩnh vực kinh doanh gas, ông Nguyễn Trọng Ngh., chủ Doanh nghiệp tư nhân Thương mại và dịch vụ gas Hải Dương lắc đầu ngao ngán: Gas là loại hình kinh doanh có điều kiện. Song không nên vì lý do này mà sinh ra hàng loạt GPC cản đường làm ăn của doanh nghiệp. Để đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này, ngoài giấy đăng ký kinh doanh chúng tôi phải xin tới gần chục loại GPC. Thậm chí có những giấy phép không quá cần thiết như giấy chứng nhận về trình độ, chuyên môn của cán bộ, nhân viên; giấy chứng nhận bảo đảm an ninh trật tự... Người ban hành các quy định để quản lý các ngành nghề kinh doanh mà cứ ngồi phòng lạnh, không chịu tìm hiểu thực tế hoạt động của doanh nghiệp thì làm sao có thể xây dựng các quy định quản lý khoa học và hiệu quả. Nếu cứ khó quản chỗ nào lại sinh ra GPC để bắt doanh nghiệp phải tuân thủ thì khó có thể tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.

Tròn 1 năm trước, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã rà soát, xóa bỏ 3.000 GPC. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn tới hơn 5.000 GPC các loại, thậm chí có bộ, ngành thay vì lược bỏ lại "đẻ" thêm vài GPC khác.

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận: “Sau khi Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, nhiều rào cản kinh doanh, nhất là GPC đã được loại bỏ. Tuy vậy, đó chỉ là trên lý thuyết, thực tế lại có nhiều GPC đã bị nâng cấp thành nghị định hoặc thông tư theo kiểu bình mới, rượu cũ. Thời gian qua, doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đấu tranh để giảm GPC".

Vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội


Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ kiên quyết loại bỏ GPC để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Ngay đầu tháng 7, Chính phủ đã ra nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành rà soát lại điều kiện kinh doanh để loại bỏ GPC. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp việc loại bỏ hơn 5.000 GPC không dễ. Bởi GPC phần lớn do mỗi bộ, ngành sinh ra để quản lý doanh nghiệp. “Thậm chí nói thẳng ra, nhiều bộ, ngành coi GPC là nơi kiếm chác từ doanh nghiệp”, anh Nguyễn Văn T., Giám đốc Công ty CP May H.A (Bình Giang) bức xúc nói.



Nhiều doanh nghiệp may đang gặp khó khăn vì các giấy phép con liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu

Có một thực tế xuất phát từ phía các doanh nghiệp khiến GPC chưa thực sự được loại bỏ. Đó là khi các cơ quan quản lý đề xuất, xin ý kiến đóng góp về thông tư này, nghị định kia thì doanh nghiệp lại thờ ơ như không phải chuyện của mình. Nhiều nơi ban hành quy định không có tầm nhìn xa nên chỉ trong một thời gian ngắn đã lạc hậu, không còn phù hợp và trở thành rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Để triệt tận gốc các GPC, trước hết cần có sự đấu tranh mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động đề xuất với Hiệp hội Doanh nghiệp về những GPC không phù hợp để kiến nghị bỏ, sửa đổi cho phù hợp. Khi các cơ quan quản lý nhà nước ban hành một thông tư hay nghị định mới, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và đề xuất thay đổi, điều chỉnh nhằm bảo đảm quyền lợi kinh doanh của mình. Hành vi lợi dụng GPC để làm khó doanh nghiệp của cán bộ quản lý nhà nước cần được các doanh nghiệp mạnh dạn tố giác để có hình thức xử lý nghiêm. Theo ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thì giải pháp tốt nhất là phải sửa ngay từ chính các bộ, ngành. Bởi GPC phần lớn là do các bộ, ngành ban hành để quản lý doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh cần được xây dựng trên cơ sở vừa quản lý doanh nghiệp, vừa hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. “Chứ không phải GPC được ban hành theo kiểu hành doanh nghiệp”, ông Nghệ nói.

Hải Dương hiện có trên 10.000 doanh nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực quản lý còn yếu. Nếu loại bỏ được GPC thì doanh nghiệp của tỉnh sẽ có cơ hội phát triển. Các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội Nữ doanh nhân… cần chủ động hướng dẫn và giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận các chính sách, nhất là các quy định mới để kinh doanh hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật. GPC được loại bỏ không có nghĩa Nhà nước sẽ buông lỏng quản lý mà sẽ có hình thức quản lý phù hợp, hiệu quả hơn. Theo ông Lê Xuân Hiền, các cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu thay công cụ quản lý từ điều kiện kinh doanh, GPC sang quản lý bằng quy chuẩn, kỹ thuật mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Cách này vừa giúp Nhà nước tăng cơ hội thu hút đầu tư, giảm tiêu cực, vừa thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

HẢI MINH


Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào nghị quyết của Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP khẩn trương rà soát, kiến nghị, bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III. 2017.



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấy phép con làm khó doanh nghiệp