Giàu lên từ trồng chuối

06/03/2015 10:40

Ông Vũ Văn Minh ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ) được nhiều người gọi bằng cái tên thân mật là ông “Minh chuối”.


Sau khi học hết cấp ba, năm 1979, ông Minh nhập ngũ và đến năm 1987 thì phục viên về địa phương lập gia đình. Hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn khiến ông Minh luôn trăn trở.

Tứ Kỳ là vùng quê chiêm trũng của tỉnh, gia đình ông có 8 sào ruộng thì một nửa là triều trũng, cấy lúa bấp bênh. Cũng giống như nhiều nông dân khác, vợ chồng ông hết cấy lúa lại trồng màu, hết nuôi lợn lại nuôi trâu. Thế nhưng chỉ bấy nhiêu thôi không thể giúp gia đình ông thoát nghèo chứ chưa nói đến làm giàu.

Năm 2004, ông Minh bàn với vợ nhận đấu thầu 2,5 mẫu triều trũng của UBND xã và vay Quỹ Tín dụng nhân dân xã trên 350 triệu đồng mua lại của bà con trong thôn 3,5 mẫu ruộng, 1 máy hút bùn. Ban đầu ông hút bùn lập ao, làm vườn và trồng luân canh nhiều loại cây như dưa, rau màu, dưới ao nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép... Sau nhiều năm duy trì mô hình đó, ông thấy không hiệu quả mà lại vất vả. Thế là ông quyết tâm tìm hướng đi mới.

 Ở Tứ Kỳ đầu những năm 2000 có vài hộ trồng chuối tây lai cho giá trị kinh tế cao. Ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về đặc điểm sinh học, quy trình kỹ thuật, biện pháp chăm sóc cây chuối tây lai. Ông nhận định, cây chuối tuy rất quen thuộc với người dân nhưng từ trước tới nay hầu như bà con chỉ trồng và để chúng phát triển tự nhiên, không áp dụng kỹ thuật nên chuối hay bị sâu bệnh. Hơn nữa, các giống chuối truyền thống quả thường nhỏ, không đều, ít nải và mã không đẹp. Với giống chuối tây lai, cây cao, khỏe, ít sâu bệnh, số lượng quả và nải trên một buồng nhiều hơn, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì quả to, đều, mã đẹp, ăn thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Thêm nữa thị trường tiêu thụ giống chuối này rất lớn.

Năm 2010, ông mua 700 cây chuối giống đầu tiên với giá 35.000 đồng/cây và trồng được gần một mẫu. Sau 14 tháng, lứa chuối này cho thu hoạch, lãi 12 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Từ những hốc chuối ban đầu nảy lên những mầm chuối mới, ông Minh tuyển chọn những cây đạt chất lượng để mở rộng diện tích trồng. Cứ như vậy đến nay ông đã có 6 mẫu chuối tây lai xanh tốt.

 Ông Minh chia sẻ, muốn chuối ít bị sâu bệnh thì cây phải khỏe, môi trường xung quanh phải sạch sẽ, không có cỏ dại. Quá trình chăm sóc phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây. Để duy trì và cải tạo đất, nên bón nhiều phân chuồng và phân vi sinh, còn phân vô cơ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Cây chuối ưa nước nhưng không chịu được úng ngập, do đó phải làm luống cao 30 - 40 cm và nhất thiết phải có rãnh thoát nước khi mùa mưa tới. Giống chuối tây lai thường bị sâu đùn mủ, nhện hồng và bệnh khô vằn gây hại. Biện pháp phòng trừ cũng khá đơn giản, có thể sử dụng các loại thuốc đặc hiệu giống như đối với cây lúa. Trung bình mỗi năm, ông chỉ mất 4 - 5 lần phun thuốc trừ sâu bệnh hại cho vườn chuối. Người trồng chuối cũng cần thường xuyên cắt bỏ những lá già, úa, héo giúp cây thông thoáng, nhận đủ ánh sáng để sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Khi cây chuối con nảy mầm, chỉ giữ lại mỗi hốc một mầm to khỏe, ngọn nhỏ nhất, những mầm đạt yêu cầu có thể tận dụng để bán. Hằng năm, ngoài khoản thu nhập chính từ chuối quả, ông Minh còn thu 120 - 150 triệu đồng nhờ bán cây chuối giống và hoa chuối.

 Vườn chuối của gia đình ông dự kiến sẽ cho thu hoạch rộ vào tháng 3 đến hết tháng 6 âm lịch. Theo ước tính của ông Minh, 6 mẫu chuối sẽ cho lãi  700 triệu đồng. Ông Nguyễn Tiến San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Khải nhận xét: “Anh Minh xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em nhưng anh luôn có ý chí vươn lên, dám nghĩ dám làm. Nhiều năm nay, anh là hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân xã. Khi thành công, anh tích cực giúp đỡ các hội viên khác cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương…”.

ĐỖ THỊ YẾN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giàu lên từ trồng chuối