Mỗi năm trang trại nuôi chim cút của anh Hưng cho thu lãi gần trăm triệu đồng, tạo điều kiện cho một số lao động địa phương với mức thu nhập khá...
Anh Hưng thường xuyên kiểm tra các lồng nuôi chim
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến thăm trang trại của gia đình anh Tạ Văn Hưng (ở thôn Lộ Xá, xã Thăng Long, Kinh Môn) là quy hoạch gọn gàng, hợp lý. Những ao cá mênh mông, bờ xây vuông vức; những dãy nhà nuôi lợn, nuôi chim cút chạy liên hoàn, thông thoáng; những lối đi trải bê-tông sạch sẽ... Không biết anh đã đổ vào đây bao nhiêu tỷ đồng, mồ hôi, công sức để có được cơ ngơi này?
Năm 2006, qua tìm tòi ở sách vở và trên mạng, lại được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện ủng hộ, anh Hưng quyết định vay vốn mua 3.000 con chim giống. Nhưng việc nuôi chim cút không đơn giản tí nào. Anh nuôi chừng gần 1 tháng thì đàn chim mắc bệnh. Con chim đang khỏe bỗng dưng đập cánh phành phạch rồi rũ mềm ra và chết ngay. Tìm ra bệnh, thuốc men chạy chữa được thì đã mất đi một nửa số chim giống. Nhưng cũng từ đấy, anh Hưng tìm ra được những bài học rất bổ ích về chế độ ăn, uống, vệ sinh, mật độ, phòng bệnh theo mùa, theo thời tiết, chăm sóc chim con, xử lý với chim đẻ, chim già... Từ số chim giống còn lại, anh Hưng vực lên. Chim cút cho thu hoạch nhanh hơn gà, bồ câu, cá, lợn... Từ lúc xuất chuồng thành chim giống đến khi đẻ chỉ 45 ngày. Do được nuôi đúng kỹ thuật nên đàn chim của gia đình anh Hưng lớn nhanh, mỗi con nặng hai lạng rưỡi và bắt đầu đẻ trứng. Chim cút đẻ liên tục trong 180 ngày với tỷ lệ 8 quả trứng/10 ngày. Mỗi ngày, đàn chim của gia đình anh Hưng cho khoảng 1.200 quả trứng. Phấn khởi vì bán trứng có tiền, anh Hưng quyết định mở rộng đàn bằng cách xây lò ấp để lấy chim con nuôi giống. Đầu tiên anh học cách xây lò nhỏ, cho ấp điện 16 ngày trứng nở. Mùa rét, anh Hưng luôn giữ nhiệt độ ở 36-370C. Anh chọn chim đực riêng, để đủ cơ số phối giống còn tách ra nuôi bán thịt. Loại này nuôi có 30 ngày là được bán. Khi lớp chim giống cũ đã đẻ hết thời hạn thì anh bán thịt luôn chứ không nuôi nữa. Cứ thế, anh Hưng quay vòng và mở rộng. Đến nay số chim của gia đình anh đã lên tới 2 vạn con (không kể chim đực nuôi bán thịt). Vì thế, anh phải làm thêm nhà, đóng thêm chuồng, xây thêm lò ấp trứng. Hiện tại, gia đình có 3 dãy chuồng, mỗi dãy là 200m2, 3 lò ấp trứng, mỗi lò 6,25 m2 ấp được 4 vạn quả/mẻ. Chim non anh Hưng vừa nuôi vừa bán cho bà con làm giống. Gần đây, anh Hưng còn cho ấp bán trứng lộn. Thời gian ấp chỉ 11 ngày.
Anh cho biết, năm 2011, riêng nuôi chim cút, trừ chi phí, anh còn được lãi gần 70 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn lãi cái khác nữa. Đó là cá. Cứ 3 ngày dọn chuồng chim một lần, thu được hơn 4 tạ phân chim, trong đó có cả thức ăn rơi vãi. Số lượng ấy đủ nuôi 7 sào ao cá. Cá phải một năm mới thu hoạch nhưng chỉ có 2 tháng vỗ béo là anh Hưng phải mua thức ăn thêm, còn lại chim "nuôi" cả.
Năm 2011, anh thu lãi gần 60 triệu đồng từ cá. Ngoài chim, cá, anh Hưng còn nuôi 50-60 con lợn thịt, 10 con lợn nái. Lợn anh nuôi ba nứa/năm. Ngoài tạo việc làm cho vợ chồng và con trai lớn, trang trại của anh Hưng còn tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Anh sắm cho họ tất cả dụng cụ bảo hộ lao động và những ngày lễ, Tết đều có quà động viên.
VĂN DUY