Số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt 92%

09/06/2023 16:15

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ, qua gần 1 năm đồng loạt thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn trên các tuyến cao tốc, đến nay việc triển khai ETC đã cơ bản thành công.


Trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thực hiện thu phí không dừng

Tính đến ngày 31.5.2023, đã có 4.759.346 phương tiện trên toàn quốc đã dán thẻ đầu cuối, đạt tỷ lệ 92%, trên các tuyến cao tốc có thu phí đã triển khai thu phí ETC hoàn toàn, đối với các tuyến quốc lộ chỉ bố trí một làn thu hỗn hợp/một chiều, các làn còn lại thu phí thuần ETC. Ngoài ra, các lỗi về thẻ, không có tiền trong tài khoản giao thông sau gần 1 năm vận hành đã giảm sâu.

Điều này đã giúp cho các phương tiện lưu thông nhanh chóng, an toàn, khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực các trạm thu phí ở cửa ngõ các thành phố lớn, các tuyến đường huyết mạch, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết vừa qua, được dư luận, người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ thêm, thời gian đầu triển khai khai dịch vụ thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan có liên quan và đặc biệt sự tuyên truyền, cổ động của các cơ quan thông tấn, báo chí nên việc triển khai ETC đã thành công.

“Thu phí ETC là dịch vụ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên có nhiều vướng mắc, tuy nhiên nhờ sự tuyên truyền, phân tích, trao đổi của các cơ quan báo chí về những lợi ích của ETC mang lại như góp phần giảm ùn tắc giao thông, góp phần bảo vệ môi trường, minh bạch tài chính trong thu phí… từ đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải thu phí ETC sẽ được triển khai theo 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Có barie tại trạm thu phí, tài khoản giao thông của chủ xe phải có số dư đủ trả phí qua trạm thì barie mới mở để xe qua trạm.

Giai đoạn 2: Vẫn còn barie nhưng khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm.

Giai đoạn 3: Bỏ barie, đây là giai đoạn chuyển tiếp sang giai đoạn 4. Nếu cho chủ xe trả phí sau mà không vướng mắc gì thì trong 6 tháng đến 1 năm sẽ chuyển sang giai đoạn 4.

Giai đoạn 4: Bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá để xe qua tự do như ở Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore.

"Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã đạt được 92% số lượng phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ. Đây là điều kiện tiên quyết để chuyển sang giai đoạn 2 và giai đoạn 3 - cho phép chủ xe trả sau và bỏ barie", ông Tô Nam Toàn nói.

Với một số dự án cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đang được đầu tư xây dựng, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.000 km, nhu cầu ứng dụng công nghệ để quản lý, vận hành là rất lớn.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, để quản lý vận hành số km cao tốc này, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng đề án đầu tư, quản lý khai thác hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên đường cao tốc. Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống ITS đồng bộ; trong đó, đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến sẽ triển khai thu phí điện tử không dừng theo hình thức thu phí kín, liên tuyến bỏ barie…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt 92%