Những chính sách nổi bật của các địa phương trong tuần qua

17/10/2021 17:40

​Tuần qua, việc tổ chức lại vận tải hành khách công cộng giữa các tỉnh là một trong những chính sách đáng được quan tâm.

Nhung chinh sach noi bat cua cac dia phuong trong tuan qua hinh anh 1

Xe buýt, xe taxi được hoạt động trở lại tại Hà Nội sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tính đến 15.10, có 27 Sở Giao thông vận tải đã báo cáo và được UBND địa phương chấp thuận phương án hoạt động trở lại các tuyến vận tải khách liên tỉnh, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Điện Biên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Long An, Đắk Nông, Phú Thọ, Phú Yên, Lai Châu, Kon Tum, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Nam Định và Bình Dương.

Cùng với đó, có 11 Sở Giao thông vận tải đang chờ UBND tỉnh, thành phố đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến, gồm: Cần Thơ, Hà Giang, Gia Lai, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng, An Giang, Hưng Yên, Hải Dương và Hậu Giang.

Tại Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã ban hành văn bản số 4601/SGTVT-QLVT về việc tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ.

Theo văn bản, từ 6 giờ ngày 14.10, thành phố cho phép vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại, trong đó xe buýt hoạt động với 50% biểu đồ chạy xe đã được Sở Giao thông vận tải Hà Nội phê duyệt.

Các đơn vị vận tải taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ thông báo đến Sở Giao thông vận tải Hà Nội về số lượng xe được phép hoạt động trên nguyên tắc không vượt quá 50% số xe đã được cấp phù hiệu còn hiệu lực và cam kết bảo đảm hoạt động đúng số lượng xe đã thông báo.

UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 3487/UBND-ĐT về việc triển khai thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến TP Hà Nội.

Đối với hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế thì thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của trung ương và thành phố.

Tại Hưng Yên, tỉnh đã có văn bản hỏa tốc liên quan đến hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Kể từ 0 giờ ngày 16.10, các dịch vụ vận tải hành khách công cộng, đường bộ và đường thủy được phép hoạt động trở lại.

Cụ thể, đối với vận tải tải khách nội tỉnh, văn bản quy định xe taxi, hợp đồng, du lịch, xe buýt và vận tải khách ngang sông hoạt động bảo đảm chở không quá 50% số ghế.

Đối với vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh tuyến cố định bảo đảm không quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng cho phép. Vận tải hành khách ngang sông liên tỉnh được chở không quá 50% sức chứa của phương tiện. Người điều khiển phương tiện và hành khách phải tiêm đủ liều vaccine qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời gian 6 tháng.

Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên đã cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại bảo đảm phòng chống dịch. Nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động trên địa bàn tỉnh từ ngày 16.10; trong đó, có một số dịch vụ được hoạt động trở lại.

Cụ thể, các nhà hàng, quán ăn, quán càphê, quán giải khát; cơ sở cắt tóc, gội đầu, spa, chăm sóc sắc đẹp, massage, gym, yoga hoạt động không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm, không quá 10 người trong 1 phòng. Tỉnh tiếp tục dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống vỉa hè; dịch vụ vũ trường, karaoke, quán bar, game, internet.

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống cũng được hoạt động đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông xây dựng hoạt động khi có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Tỉnh Hà Giang cho phép thí điểm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Cụ thể, thí điểm thực hiện khôi phục trở lại hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định Hà Giang-Hà Nội và ngược lại với tần suất tối đa 2 chuyến/ngày. Thực hiện giãn cách chỗ ngồi trên phương tiện không quá 50% số ghế (giường) thiết kế không áp dụng đối với xe giường nằm có thiết kế 2 dãy giường, có rèm che kính cho từng giường. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 15-20.10.

Tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ Hà Giang đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn và ngược lại cho phép khôi phục hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo nguyên tắc: mỗi phương tiện chỉ chở tối đa không quá 50% số ghế (giường) thiết kế không áp dụng đối với xe giường nằm có thiết kế 2 dãy giường, có rèm che kính cho từng giường.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn cho phép tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thích ứng với trạng thái "bình thường mới".

Doanh nghiệp thực hiện theo phương án "3 tại chỗ"; "1 cung đường, 2 địa điểm," kết hợp cả hai phương án đã được phê duyệt, hoặc tổ chức cho người lao động được phép đi, về hằng ngày.

Bình Phước yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo quy định về phòng chống dịch COVID-19; đồng thời trong quá trình thực hiện tự chịu trách nhiệm, tự kiểm tra, kiểm soát, tự tổ chức xét nghiệm.

Nhung chinh sach noi bat cua cac dia phuong trong tuan qua hinh anh 2

Lực lượng chức năng điều phối giao thông, hướng dẫn người dân vào làm thủ tục tại chốt Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước sáng 17.10. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Trường hợp doanh nghiệp ở vùng có nguy cơ rất cao thì doanh nghiệp phải thực hiện theo phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm," có thể kết hợp cả hai phương án nhưng phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 đồng thời, thực hiện xét nghiệm hằng tuần tối thiểu 20% người lao động có nguy cơ cao.

UBND tỉnh Sơn La cũng ban hành văn bản số 3428/UBND-KT về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tỉnh Sơn La cho phép thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Sơn La đi các tỉnh Điện Biên, Thái Bình, Lai Châu, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn và ngược lại. Thời gian áp dụng thí điểm từ ngày 13.10 đến hết ngày 20.10.2021.

UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 12660/UBND-KTN gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc thống nhất bổ sung tổ chức cho người lao động sử dụng xe ôtô cá nhân di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Theo quy định của Đồng Nai, người lao động di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai bằng xe ô tô cá nhân phải là người đã tiêm vaccine (sau 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lấy mẫu.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Những chính sách nổi bật của các địa phương trong tuần qua