Số học sinh F0 tăng nhưng không nên lo lắng, lúng túng

18/02/2022 13:57

Kịch bản ứng phó với sự xuất hiện của F0 trong trường học đã sẵn sàng, nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh cũng đã được chuẩn bị tâm lý cho điều này.


Học sinh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) trong giờ học tin học phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang - Ảnh: VĨNH HÀ

Tuy nhiên, số học sinh nhiễm COVID-19 gia tăng đang khiến nhiều người lo lắng.

Thay vì phản ứng tiêu cực, đề nghị đóng cửa trường, phụ huynh cần hợp tác với nhà trường để bình tĩnh xử lý khi tình huống xấu xảy ra.

Trường học là nơi an toàn

Trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại phiên họp với Chính phủ ngày 17.2, nhiều địa phương có số ca F0 là giáo viên, học sinh tăng khi mở cửa trường học. Trong số những nơi đã có thống kê, Hải Phòng có số ca mắc cao sau Tết Nguyên đán 9.649 ca, kế tiếp là Thanh Hóa 2.359 ca. 

Tại Hà Nội, tình trạng học sinh, giáo viên nhiễm COVID-19 gia tăng theo từng ngày. Tuy chưa công bố số liệu thống kê nhưng có những trường có hàng chục ca nhiễm sau khi học sinh trở lại trường chỉ 1 tuần.

Từ chỗ mong ngóng, háo hức chờ ngày con được trở lại trường, nhiều phụ huynh đã thay đổi trạng thái tâm lý: âu lo, phản đối hoặc kiến nghị cho con được quay lại học trực tuyến. Trong các group phụ huynh học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở một số quận nội thành, đối tượng sẽ trở lại trường học ngày 21.2, đa số chọn "chưa trở lại trường".

Nhưng đi ngược lại "làn sóng" âu lo, phản đối học trực tiếp vẫn có khá nhiều phụ huynh cho rằng việc con không được đi học trực tiếp nguy hiểm hơn dịch. 

"Trẻ con cần được đến trường, vì ở bậc phổ thông có nhiều nội dung giáo dục không thể thực hiện trực tuyến. Những hậu quả về tâm lý, thể chất đối với trẻ khi phải ở nhà quá lâu rất nguy hiểm nhưng nhiều người không nhận ra" - Hoàng Trà, một phụ huynh có hai con học tiểu học, chia sẻ.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng trẻ ở nhà vẫn bị lây nhiễm từ cộng đồng dân cư, từ người lớn trong gia đình khi chúng ta đã "mở cửa" khắp nơi, từ hàng quán đến rạp chiếu phim, trong khi lẽ ra trường học cần ưu tiên mở cửa trước. 

Nếu xử lý tốt khi phát hiện F0, phòng dịch theo đúng khuyến cáo của ngành y tế thì trường học bây giờ mới là nơi an toàn hơn đối với trẻ em.

Mô hình Bắc Giang

Bắc Giang là địa phương có số ca nhiễm là giáo viên, học sinh khá cao sau Tết Nguyên đán. Chỉ trong 3 ngày đầu mới trở lại trường, tỉnh thống kê có hơn 1.000 học sinh và trên 40 giáo viên nhiễm COVID-19. 

Lây nhiễm cao nhưng Bắc Giang không tái đóng cửa trường học. Tỉnh hạn chế khá nhiều hoạt động tập trung đông người ngoài cộng đồng để giữ yên trường học với phương châm càng hạn chế nguồn lây từ cộng đồng thì số ca nhiễm trong trường học càng giảm. 

Khi bị chao đảo bởi số ca lây nhiễm trong trường học tăng, Bắc Giang có 11 trường phải chuyển sang hình thức vừa dạy trực tuyến vừa trực tiếp. Tổng số trường phải thực hiện "2 trong 1" là trên 200 trường. Còn trên 500 trường khác đã dạy trực tiếp 100%.

Mô hình trường học 2 trong 1, lớp học 2 trong 1 là sáng kiến từ Bắc Giang nay được Bộ GD-ĐT nhân rộng cả nước, đánh dấu một giai đoạn linh hoạt, thích ứng sâu hơn trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ năm học vừa chống dịch. Tại Hà Nội cũng có một số trường học tổ chức diễn tập việc ứng phó với tình huống phát sinh F0, F1 khá tốt.

"Có chuẩn bị kỹ cho các tình huống sẽ không lúng túng" - một giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết. 

Theo giáo viên này, có nhiều lớp học cũng phải "chuyển qua chuyển lại" giữa trực tuyến và trực tiếp sau 1 tuần học sinh trở lại trường. Nhưng thầy trò đã quen với việc chuyển đổi nên không bị xáo trộn. Giáo viên cũng linh hoạt khi áp dụng phương pháp dạy học khác nhau giữa các hình thức dạy học.

Chủ trương đã được Bộ GD-ĐT và lãnh đạo UBND nhiều tỉnh, thành phố thống nhất là thực hiện lộ trình đưa học sinh các cấp dần trở lại trường học trong điều kiện an toàn. Nhưng sẽ không cực đoan theo hướng chỉ tổ chức dạy học khi "zero F0".

Điều này có nghĩa các nhà trường phải có sự linh hoạt, chủ động cao trong việc ứng biến với các tình huống xảy ra do dịch bệnh. Nguyên tắc là khoanh vùng hẹp, cách ly F0, xét nghiệm COVID-19 cho các học sinh, giáo viên tiếp xúc gần F0, chuyển các nhóm học sinh hoặc lớp học có F0 sang hình thức dạy học trực tuyến và trở lại trực tiếp sau khoảng thời gian an toàn.

Việc xây dựng phương án ứng phó để chủ động, linh hoạt, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với đầu mối y tế, với cha mẹ học sinh và ban phòng chống dịch địa phương được lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh trong các đợt đi kiểm tra, làm việc trực tiếp với nhiều địa phương tuần trước.

Tránh "mạnh ai nấy làm"

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 17.2 về tình hình mở cửa trường học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc đưa trẻ trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc, không áp dụng cứng nhắc, máy móc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn... đồng thời tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm".

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo định hướng của Bộ Y tế; kiểm soát được tốc độ lây nhiễm trong trường học, có phương án xử lý ca nhiễm, F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị...

Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn vấn đề xét nghiệm trong trường học; theo dõi sức khỏe trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe; thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em là F1; học bán trú...

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số học sinh F0 tăng nhưng không nên lo lắng, lúng túng