Nên thi chứng chỉ quốc tế khi nào?

27/11/2022 12:58

"Mình thật sự đã rất hồi hộp vì nếu kết quả thi ở Campuchia không như ý thì xem như mình trễ lịch nộp hồ sơ du học, phải đợi nửa năm sau", Minh Anh (TP Hồ Chí Minh) kể.

Nên thi chứng chỉ quốc tế khi nào? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi IELTS - Ảnh: IDP

Từ vụ tạm dừng kỳ thi cấp chứng chỉ IELTS tại Việt Nam mới đây khiến nhiều học sinh trở tay không kịp, nhiều chuyên gia cho rằng một trong những lưu ý mà phụ huynh và học sinh nên nắm vững là tính toán thời điểm thi các chứng chỉ ngoại ngữ sao cho hợp lý.

Đặc biệt, không nên để ngày thi quá sát với thời gian phải nộp hồ sơ du học, "săn" học bổng...

Sang Campuchia dự thi

Giữa tháng 10, Minh Anh, cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh, dự thi IELTS tại TP Hồ Chí Minh để hoàn tất hồ sơ du học (hết hạn vào đầu tháng 11). 

Các giấy tờ khác từ bảng điểm đến bài luận đã chuẩn bị hoàn tất, chỉ còn chờ tấm bằng IELTS 6.5 và không kỹ năng nào dưới 6.0 là sẽ hoàn thiện thủ tục vào học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại một trường đại học mà Minh Anh rất thích ở tiểu bang Oregon (Mỹ).

Tưởng rằng mọi chuyện sẽ suôn sẻ theo đúng kế hoạch đã đề ra, nhưng sau khi có kết quả IELTS, Minh Anh giật mình vì điểm kỹ năng viết (writing) chỉ đạt 5.5, không đủ chuẩn của trường. 

Hạn nộp hồ sơ chỉ còn độ 10 ngày, trong khoảng thời gian này, Minh Anh không tìm được lịch thi IELTS hình thức trên giấy còn trống. Bạn lại không dám chọn hình thức thi IELTS trên máy tính bởi chưa luyện tập bao giờ, nên nhiều khả năng không đủ điểm.

Cuối cùng, Minh Anh đánh liều chọn thi IELTS ở... Campuchia do có lịch thi trên giấy trống trong một vài ngày tới và thời điểm trả kết quả đúng vào hạn chót bạn phải gửi hồ sơ sang trường ở Mỹ. 

Từ TP Hồ Chí Minh, Minh Anh bay sang Phnom Penh, ở lại một đêm rồi làm bài thi vào ngày hôm sau. Lần này, Minh Anh nâng được điểm bài thi kỹ năng viết đúng theo mục tiêu đề ra.

"Mình thật sự đã rất hồi hộp vì nếu kết quả thi ở Campuchia không như ý thì xem như mình trễ lịch nộp hồ sơ du học, phải đợi nửa năm sau. Lỗi một phần cũng do mình đã quá chủ quan. Mình nghĩ sức học tiếng Anh của mình cũng khá tốt nên chắc thi một lần là đủ chuẩn. Ai ngờ phải tốn thêm một đợt thi nữa, may mà vẫn còn cơ hội sửa sai" - Minh Anh nói.

Giữa tháng 11 vừa qua, Hồng Nhung - sinh viên mới tốt nghiệp tại một trường đại học ở Hà Nội cho biết chính thức nhận được email từ phía Hội đồng Anh thông báo kỳ thi trong hai ngày 18 và 19.11 của bạn chính thức bị hủy. 

Lúc đó, Nhung "rối bời" vì đang hoàn thiện hồ sơ để học cao học ngành công nghệ sinh học tại Hàn Quốc, toàn bộ giấy tờ phải gửi cho trường vào giữa tháng 12.

Hiện tại Nhung đã đăng ký lại được lịch thi mới, sau khi Hội đồng Anh vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi tại Hà Nội. 

Nhìn lại sự cố đã qua, Nhung thừa nhận: "Công tâm mà nói, một phần lỗi rất lớn ở phía mình. Khi biết mình có ý định đi du học, ba mẹ và cả thầy cô mình đã hối thúc thi IELTS từ cách đây ba tháng, nhưng mình cứ chần chừ cho tới tận bây giờ".

Nắm rõ thời hạn, tần suất thi

Ông Phan Đoàn Phú Quốc, tốt nghiệp ĐH Toulouse (Pháp) cho rằng các học sinh, sinh viên khi muốn dự thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trước hết cần nắm rõ thời hạn sử dụng của chứng chỉ, thường từ 2 đến 5 năm hoặc không có quy định.

Trước đây, thí sinh IELTS có thể đăng ký thi hình thức trên máy tính vào hầu hết các ngày trong tuần hoặc thi trên giấy được tổ chức 3-4 lần/tháng. 

Một số chứng chỉ khác không có nhiều lựa chọn như vậy, ví dụ chứng chỉ tiếng Pháp DELF thông thường chỉ tổ chức năm đợt mỗi năm ở Việt Nam, trong khi chứng chỉ tiếng Nhật JLPT thường chỉ thi vào hai đợt tháng 7 và tháng 12.

Ông Quốc cho biết trên cơ sở nắm rõ thời hạn sử dụng chứng chỉ và tần suất tổ chức, thí sinh sẽ đối chiếu với các đợt nhập học, thời gian nhận hồ sơ để tính toán thời gian thi chứng chỉ cho phù hợp. Nếu dự định học tại những nước nói tiếng Anh (Anh, Úc, Mỹ...) - thường có hai kỳ nhập học trong năm - thì nên "thủ sẵn" chứng chỉ ngoại ngữ trước khoảng sáu tháng.

"Với những quốc gia không nói tiếng Anh thường nhập học vào đầu tháng 9, tôi nghĩ các bạn nên thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ từ tháng 12 của năm trước đó", ông Quốc nói. 

Đặc biệt với những chứng chỉ ít đợt thi trong năm như tiếng Nhật hay Tây Ban Nha, học sinh có thể cân nhắc thi từ trước một năm cho "chắc ăn" bởi trong trường hợp hủy hoãn hay kết quả không đạt thì vẫn còn đủ thời gian thi lại.

Không để "nước đến chân mới nhảy"

Ông Nguyễn Hồng Tú, Giám đốc điều hành Power English cho biết ông vẫn thường nhắc nhở học viên của mình tránh đặt bản thân vào những khung thời gian quá khít như ngày có điểm thi IELTS cũng là hạn chót gửi hồ sơ du học. Tuy nhiên, không ít bạn vẫn để "nước đến chân mới nhảy".

Theo ông Tú, đây là thói quen một phần được hình thành trong chính quá trình học tập chính khóa của các bạn, bao gồm tâm lý đến cận ngày thi hoặc kiểm tra mới bắt đầu ôn bài.

Thói quen không tốt này sẽ hoàn toàn có thể được cải thiện nếu bạn luyện tập cách lên kế hoạch bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Lên kế hoạch kỹ lưỡng

Ngoài việc dự thi, lộ trình học tập cũng cần có kế hoạch kỹ lưỡng. ThS Tú Phạm, tốt nghiệp Đại học De Montfort (Anh), sáng lập nền tảng luyện thi Prep.vn - cho rằng để xác định sẽ ôn luyện và dự thi IELTS vào thời điểm nào, thí sinh nên làm trước những bài thi thử hay những bài kiểm tra trình độ ngoại ngữ.

Ông Tú cho rằng, về cơ bản, một học sinh cấp 3 học lực tiếng Anh khá sẽ cần từ 6 - 12 tháng học liên tục để đạt IELTS mức 6.5 - 7.0 điểm. Thí sinh cần tính thêm khoảng 3 - 6 tháng phòng những rủi ro có thể xảy đến như bị hoãn thi, hẹn lại lịch...

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nên thi chứng chỉ quốc tế khi nào?