"Dạy tốt, học tốt" thời dịch bệnh

20/11/2021 06:32

Vượt mọi khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thầy cô giáo, học sinh toàn tỉnh đã và đang có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.


Giáo viên và học sinh Trường THCS Cẩm Đông (Cẩm Giàng) tận dụng thời gian học trực tiếp để nâng cao hiệu quả dạy và học

Nhiều giáo viên đang thi đua đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, học sinh tích cực học tập nhằm thích ứng với tình hình dịch Covid-19.

Giáo viên đổi mới, sáng tạo

Do dịch Covid-19, học sinh tiểu học học 1 buổi/ngày, nhiều học sinh phải học trực tuyến đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Để khắc phục khó khăn, nhiều trường, giáo viên đang có cách làm hay để có những ngày học tốt, giờ học tốt. 

Thầy giáo Bùi Thiện Ngôn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Hòa (Kinh Môn) cho biết dù học trực tiếp nhưng học sinh chỉ học 1 buổi/ngày nên có những buổi, khối lượng kiến thức chưa truyền đạt hết. Có em còn chậm tiếp thu bài. Do đó, các giáo viên nhà trường căn cứ vào khối lượng kiến thức thực tế mỗi buổi học để dành thời gian hợp lý bổ sung kiến thức. Những học sinh tiếp thu bài chậm sẽ được giáo viên kèm cặp riêng. 

Hầu như cuối buổi học nào tại trường, cô giáo Lương Thị Hoài, Trường Tiểu học Hiệp Hòa cũng dành thời gian khoảng 30 phút để củng cố kiến thức cho một số em tiếp thu bài chậm. "Buổi nào khối lượng kiến thức chưa truyền đạt hết, tôi thống nhất với phụ huynh để dành 1-2 tiếng vào buổi tối bổ sung kiến thức cho học sinh bằng hình thức trực tuyến. Với học sinh lớp 1, tôi phải gọi video từng em kiểm tra đọc bài, sửa sai, uốn nắn. Quan trọng hơn là hướng dẫn cụ thể để phụ huynh dạy các em học tập hiệu quả", cô Hoài nói.

Các trường đều tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để dạy nội dung cốt lõi của môn chính khóa. Giảm tiết chào cờ đầu tuần, cắt giảm các phần học không quan trọng, linh hoạt hình thức dạy học. Theo thầy giáo Nguyễn Hồng Ánh, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn), giáo viên tăng cường giao nhiệm vụ để học sinh chuẩn bị trước; tập trung thảo luận sâu các vấn đề mang tính cơ bản, cốt lõi, vấn đề khó. Riêng học sinh lớp 12, giáo viên tranh thủ thời gian học trực tiếp để dạy chính khóa cũng như dạy thêm các chuyên đề bổ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường chủ động 2 phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến. 

Lãnh đạo nhiều trường khẳng định học trực tuyến gặp không ít khó khăn trong truyền đạt kiến thức và quản lý học sinh. Để khắc phục, theo thầy Đặng Văn Lĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Đông (Cẩm Giàng), trường cử các giáo viên ít tiết tham gia quản lý lớp học trực tuyến. Lãnh đạo nhà trường thường xuyên đăng nhập vào phòng học trực tuyến để kiểm tra, dự giờ. Phụ huynh được cấp mật khẩu và có thể vào phòng học trực tuyến kiểm tra con em mình. Nhờ đó, ý thức của học sinh được nâng lên, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt 100%. Trường đã hỗ trợ máy tính cho 2 em có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị học trực tuyến. 

Dù học trực tuyến hay trực tiếp, các giáo viên đều nỗ lực cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy để lôi cuốn học sinh. Trong các buổi học trực tiếp ở trường hay trực tuyến vào buổi tối, cô Hoài thường khen nhiều hơn chê. Biện pháp này giúp học sinh tự tin hơn. Nhiều em đã tiến bộ rõ rệt.  "Khi dạy trực tiếp tại trường, tôi thường sử dụng các trò chơi để lôi cuốn học sinh. Ví dụ như môn toán, tôi thiết kế câu hỏi để chơi trò chiếc nón kỳ diệu. Học sinh khi trả lời đúng được tặng những phần thưởng nhỏ nên các em rất hào hứng", cô Hoài chia sẻ.

Các giáo viên Trường THCS Cẩm Đông đang biến những tiết học khô khan thành những tiết học mềm mại bằng các hoạt động trải nghiệm. Cô giáo Lê Thị Tình, Tổ trưởng Tổ khoa học tự nhiên cho biết: "Ví dụ bài học về công nghệ silicat có liên quan đến cát, tôi đã hướng dẫn và giao từng nhóm học sinh vẽ tranh bằng cát. Hay môn sinh học có bài tìm hiểu về thực vật, giáo viên cho học sinh thi ghép tranh bằng lá cây".

Nhiều giáo viên cho biết họ đã tích cực trao đổi kinh nghiệm qua các buổi sinh hoạt chuyên môn trong trường, liên trường, liên khu. Không chỉ tích cực tham gia các đợt tập huấn, họ còn tự tìm tòi, trau dồi kiến thức chuyên môn; chủ động học hỏi làm chủ công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tăng cường phối hợp với phụ huynh khi quản lý học sinh học tập tại nhà là biện pháp hiệu quả giáo viên đang áp dụng.


Một tiết học của Trường Tiểu học Lạc Long (Kinh Môn)

Học sinh tích cực

Các phong trào thi đua sôi nổi đang diễn ra ở các trường như hội thi, hội giảng cấp trường; thi làm đồ dùng học tập, trang trí lớp học... Ở những nơi phải triển khai học trực tuyến thì các hoạt động được điều chỉnh phù hợp.

Để khích lệ học sinh, nhiều trường còn phát động phong trào thi đua như hoa điểm tốt, giờ học tốt, ngày học tốt, thi viết về mái trường, thầy cô, tự làm quà tặng thầy cô... Các phong trào được học sinh hưởng ứng tích cực. 

Tại Trường THCS Cẩm Đông, học sinh đang sôi nổi thi đua học tập đạt nhiều điểm tốt. Em Nguyễn Văn Hùng, học sinh lớp8 cho biết em đã được 3 điểm tốt. "Mỗi khi nhận điểm 9, điểm10, chúng em đều được khen, qua đó khích lệ tinh thần học tập hăng say hơn", em Hùng nói.

Trước đây, nhiều học sinh tiểu học phải nhờ phụ huynh thì nay nhiều em đã tự đăng nhập được phần mềm học trực tuyến. Em Nguyễn Hoàng Hà, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP Hải Dương) cho biết: "Em đã tự bật được máy tính và đăng nhập vào lớp học trực tuyến. Trong giờ học em không làm việc riêng, hăng hái phát biểu...". 

Còn em Kha Thị Thảo Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Chu Văn An (TP Hải Dương) luôn tham gia đầy đủ, đúng giờ các buổi học trực tuyến. Em và các bạn tạo nhóm học tập trên Zalo để chia sẻ, giải đáp thắc mắc nội dung bài học...

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Dạy tốt, học tốt" thời dịch bệnh