Chuyên gia lo ngại sang chấn tâm lý khi học online quá lâu

08/01/2022 15:17

Khủng hoảng tâm lý học đường do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là điều ngành giáo dục đã đặt ra.

Thực tế, đã có những vụ việc thương tâm, những sang chấn tâm lý đã diễn ra với học sinh, đặc biệt lứa tuổi tiểu học. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thời điểm này để học sinh học online kéo dài còn nguy hiểm hơn nhiều so với việc học sinh được trở lại trường học trực tiếp.

Báo động đỏ

Đầu năm học mới, những vụ việc học sinh tử vong do bị điện giật, nổ điện thoại diễn ra trong thời gian học online khiến nhiều phụ huynh không khỏi bất an, đặc biệt nhiều gia đình bố mẹ vẫn phải đi làm và phải “nhốt” con trong nhà.

Có thể kể đến như, một học sinh lớp 5 phường Hạ Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) bị điện giật tử vong khi học trực tuyến. Thời gian sau đó, một học sinh lớp 5 tại huyện Nam Đàn, Nghệ An tử vong do chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ khi vừa sạc vừa học online. Hai sự việc trên gây chấn động dư luận, nhiều phụ huynh chia sẻ rằng rất bất an nhưng vì dịch bệnh nhiều phụ huynh vẫn ngậm ngùi “sống chung với dịch".

Mới đây, sự việc một bé gái 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị “mẹ kế” bạo hành đến chết. Trước lúc đó, em bé 8 tuổi này vẫn vào lớp học online như nhiều bạn bè. Nhưng ngay cả chính giáo viên, bạn bè em cũng không biết đằng sau camera lớp học ấy là nỗi đau, sự sợ hãi đến tột cùng của em.

Hình ảnh bé trai cầu cứu mẹ qua camera ở TP Biên Hòa, Đồng Nai trước khi đưa iPad cho kẻ trộm

Nỗi đau chưa nguôi thì dư luận tiếp tục “sang chấn” với hình ảnh được trích suất từ camera của một gia đình ở phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai): Trong lúc bố mẹ đi làm, hai đứa anh em (7 tuổi và 5 tuổi) ở phòng trọ bị hai thanh niên đập cửa dọa nạt, uy hiếp lấy đi một chiếc iPad - phương tiện dùng để học trực tuyến.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, những vụ việc trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. PGS TS Trần Thu Hương, Giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhiều cuộc gọi đến tổng đài tư vấn tâm lý thì đã trở thành những vụ việc bạo hành. Chính phụ huynh hoặc ngay cả thầy cô cũng chưa nhận diện được những sang chấn tâm lý của học sinh. Hoặc có thì cũng thiếu thông tin để kết nối kịp thời.

Về những vụ việc xảy ra gần đây với học sinh, đặc biệt là học sinh lứa tuổi tiểu học, PGS TS Trần Thu Hương cho rằng, việc học online khiến thầy, cô không thể giám sát tất cả lớp học. Lúc này, vai trò nhiều hơn là của gia đình, những người xung quanh các con. Nhưng thực tế nhiều gia đình không có người lớn bên cạnh giám sát các con học online 8 tiếng/ngày. Bố mẹ đi làm cũng không thể giám sát được chất lượng học tập, việc nắm kiến thức một cách đầy đủ của các con cũng rất bấp bênh. Dần dần dẫn đến tình trạng ngồi nhầm lớp.

“Vừa rồi tôi đọc thông tin một thầy Hiệu trưởng quyết định cho một số học sinh lưu ban, quyết không cho các em ngồi nhầm lớp. Tôi nghĩ đây là sự việc không phải là nhiều nhưng đã xảy ra và chúng ta cần phải tính tới chất lượng học tập sau đại dịch”, PGS TS Trần Thu Hương nhấn mạnh.

Thừa nhận việc học sinh học online ở nhà gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần rất nhiều, PGS TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các khoa giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bố mẹ đi làm cũng không thể bao quát hết nguy cơ khi con ở nhà. Những hệ lụy của dịch COVID-19 như: Xã hội khủng hoảng, an sinh phủ không đồng đều, tội phạm gia tăng, nếu trẻ ở nhà không có có các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, ứng xử với tình huống bất ngờ… thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với ở trường.

“Nhận thức không đồng đều giữa giáo viên với giáo viên, phụ huynh với phụ huynh về học online cũng vô tình tạo áp lực trên chính học sinh. Cụ thể, phần nhiều giáo viên bê nguyên chương trình học trực tiếp lên học online, học sinh học online chưa hiểu cần sự hỗ trợ của gia đình thì bố mẹ cũng không bắt nhịp được với chương trình. Áp lực thi cử, đảm bảo kiến thức sẽ đổ dồn lên các em. Đối tượng tổn thương sức khỏe tinh thần nhiều nhất vẫn là học sinh, đặc biệt lứa tuổi nhỏ", PGS TS Trần Thành Nam dẫn chứng.

Phải có lộ trình đến trường

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, một số chuyên gia tâm lý giáo dục khẳng định không thể để học sinh ở nhà học online lâu dài.

Theo PGS TS Trần Thu Hương mặc dù thời điểm này câu chuyện có nên để học sinh, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học đến trường không vẫn còn là câu hỏi gây tranh cãi giữa các nhà quản lý, chuyên môn, nhà trường, phụ huynh. Việc đến trường hay không vẫn còn là vấn đề đặt ra khi nguy cơ lây bệnh cao, đặc biệt như ở Hà Nội hiện nay. So với học sinh cấp THCS, cấp THPT thì học sinh Tiểu học vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Nhưng ngược lại, nếu để học sinh học online mãi thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

PGS TS Trần Thu Hương đề xuất, trước những thực trạng trên, Chính phủ, ngành giáo dục cần cân nhắc đến việc cho học sinh trở lại trường. Việc này phải theo lộ trình, chẳng hạn cần tính toán bao nhiêu phần trăm học sinh đến trường học trực tiếp. Bước đầu có thể là 50% hoặc 1/4 thời gian của 1 tuần. Lúc này vừa kết hợp học online vừa kết hợp học trực tiếp. Khi các vấn đề của dịch bệnh giảm xuống thì tăng dần thời lượng học sinh đến trường học trực tiếp. Học sinh được đến trường sẽ được giao tiếp, giảm bớt được nhiều vấn đề về tâm lý.

Đồng quan điểm này, PGS TS Trần Thành Nam cho rằng, việc xen kẽ để học sinh trở lại trường là điều cần làm ngay lúc này. Điều này cũng cần sự nhất quán của toàn xã hội, toàn ngành giáo dục. Tuy nhiên việc học trong đại dịch ngành giáo dục cũng phải đặt vấn đề chất lượng phù hợp chứ không nên áp lực thi cử.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, vaccine tinh thần đang bị bỏ quên. Hệ thống y tế, tâm lý chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới.

“Chẳng hạn, giáo viên rất cần tập huấn về sức khỏe tâm thần của học sinh, nhận diện các dấu hiệu để phản ánh đến các đơn vị có trách nhiệm xử lý”, PGS TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia lo ngại sang chấn tâm lý khi học online quá lâu