Chặng đường đưa tiếng Việt vào trường Ivy League

24/11/2021 17:11

Khi nghe tin Đại học Brown đưa lớp tiếng Việt vào chương trình giảng dạy mùa thu năm nay, Andrew Ton, chàng trai Mỹ gốc Việt, mừng vui khôn xiết.

Andrew là người khởi xướng ý tưởng từ năm 2018, khi đang là sinh viên năm thứ hai của Đại học Brown. "Lớp học trở thành hiện thực sớm hơn tôi trông đợi, tôi phải thú nhận điều đó", anh nói.

Sinh ra tại California trong gia đình có bố là người gốc Huế, mẹ người TP Hồ Chí Minh, Andrew được bà nội dạy nói tiếng Việt từ khi còn bé. Thế nhưng, anh và hai chị gái không có thói quen dùng ngôn ngữ mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày.

Năm 2016, Andrew lần đầu rời xa gia đình, đến Rhode Island theo học Đại học Brown. Không lâu sau, anh phát hiện ra việc "không nghe mọi người xung quanh nói tiếng Việt" là một nguyên nhân khiến mình cảm thấy cô độc và trống vắng. Mỗi ngày, nỗi nhớ nhà càng thêm da diết.

Mùa hè năm sau, Andrew về thăm gia đình. Khi đến nhà bà nội chơi, anh nhận thấy khả năng dùng tiếng mẹ đẻ của mình tệ hơn trước rất nhiều. Nhìn bà nói chuyện với mình một cách khó khăn vì phải dùng tiếng Anh, Andrew tràn ngập nỗi hổ thẹn.

"Tôi thấy có lỗi và hối tiếc rất nhiều khi không thể nói tiếng Việt trôi chảy với bà. Vì thế, tôi muốn sửa chữa lỗi lầm này".

Sau vài ngày suy nghĩ, Andrew tin rằng cách tốt nhất để những người thuộc thế hệ thứ hai như anh cải thiện ngôn ngữ mẹ đẻ là có một lớp tiếng Việt trong chương trình học chính thức ở Đại học Brown. Lớp học đó có thể giúp các sinh viên gốc Việt duy trì kết nối với gia đình, là một yếu tố quan trọng để họ hoàn thành tốt chương trình chung.


Andrew Ton biểu diễn trong chương trình văn hóa hàng năm của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Brown tháng 3.2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, đến năm học thứ hai Andrew mới thực sự thúc đẩy kế hoạch. Trao đổi với bạn bè người Việt trong trường về sự thiếu vắng ngôn ngữ của gia đình, anh nhận thấy họ có chung cảm xúc. Không ở cạnh người thân thường xuyên như trước kia, họ dường như bị "cắt rời" khỏi gia đình và gốc gác. Vì thế, họ muốn kết nối trở lại bằng nỗ lực riêng, không nhờ cậy đến trợ giúp từ bố mẹ hay họ hàng.

Andrew đoán rằng sinh viên gốc Việt ở nhiều nơi trong nước Mỹ cũng có chung niềm khao khát này.

Năm 2018, với vai trò Chủ tịch nhóm Sáng kiến nghiên cứu Đông Nam Á (SEASI) tại Đại học Brown, Andrew quyết định chọn việc đưa lớp tiếng Việt vào chương trình chính thức của trường là một ưu tiên. Andrew cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ Hội Sinh viên Việt Nam (VSA) tại Đại học Brown, nơi anh là thành viên.

Có các thành viên chủ chốt, nhóm của Andrew bắt đầu bằng việc phát phiếu khảo sát mức độ thành thạo tiếng Việt của các sinh viên. Trong số hơn 50 phản hồi, chỉ có 30% ở mức trôi chảy, và tất cả đều mong muốn được học trong chương trình chính thức của trường.

Hơn thế, một số cho hay củng cố tiếng Việt có thể giúp họ học tốt hơn các môn liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam và Mỹ. Những sinh viên này cũng muốn tự mình đến Việt Nam sau khi tốt nghiệp để tìm kiếm các cơ hội việc làm, hoặc thực hiện các khảo sát liên quan đến chuyên ngành.

Khi đó, Andrew rất lạc quan về khả năng Đại học Brown chấp thuận mở lớp tiếng Việt, vì trường luôn đề cao mối quan tâm đến đa dạng văn hóa trong khuôn viên. Tuy nhiên, anh cũng hiểu rằng tham vọng này không dễ dàng đạt được.

Đúng như Andrew dự kiến, ban lãnh đạo và các giáo sư của Đại học Brown cho biết việc lập kế hoạch về ngân sách và nhân sự cho lớp học để đi đến quyết định phê chuẩn cuối cùng sẽ mất rất nhiều thời gian.

Anh và các bạn đều xác định họ có thể không kịp tham gia khi lớp tiếng Việt được đưa vào chương trình chính thức. "Nhưng chúng tôi cũng đồng tình: hãy cứ cố gắng đi đến cuối chặng đường, rồi sinh viên các khóa sau sẽ được hưởng lợi từ dự án này".

Thách thức lớn nhất của nhóm là duy trì các dữ liệu về mối quan tâm của sinh viên với lớp tiếng Việt và chứng minh đó là mong muốn dài hạn khi trao đổi với ban lãnh đạo trường. Andrew và các thành viên thực hiện bằng cách thu thập thư ủng hộ của sinh viên và giảng viên các khoa của Đại học Brown.

"Chiến thắng đầu tiên" đến vào mùa hè năm 2019, khi nhóm nhận được thông báo lớp tiếng Việt có thể được cấp ngân sách. Họ chúc mừng lẫn nhau trước tin vui, cho thấy nhóm đang đi đúng hướng.

Thế nhưng niềm vui chỉ kéo dài đến đầu năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện.

"Nhà trường cho biết phải đóng băng quá trình tuyển dụng giảng viên do khó khăn về tài chính trong dịch bệnh", Andrew nói.

Không may, đó cũng là lúc Andrew chuẩn bị tốt nghiệp. Vì thế, anh phải nhanh chóng tìm người thay thế mình để "giữ đà" cho kế hoạch.

Khi tìm được một số sinh viên khóa sau, Andrew đẩy nhanh việc chuyển giao tài liệu. Anh cũng đưa họ đến các cuộc họp của nhóm để họ nắm bắt được tiến độ và kết nối với những người liên quan.

"Thật may mắn, các thành viên mới đều nhiệt tình và quyết tâm như nhóm ban đầu", anh nói.

Giai đoạn hai

Sau khi Andrew rời Đại học Brown, Malery Nguyen trở thành một trong những thành viên chủ chốt, bảo đảm "dự án lớp tiếng Việt sẽ không biến mất".

Sinh ra tại Florida, Malery cũng có những trải nghiệm với tiếng Việt như Andrew. Cô và em trai thường nghe bố mẹ nói ngôn ngữ này hàng ngày, nhưng đều trả lời "bằng tiếng Anh". Cô tham gia nhóm của Andrew vì nhận thấy lớp học tiếng Việt sẽ hữu ích với nhiều người.


Malery Nguyen biểu diễn trong chương trình văn hóa hàng năm của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Brown tháng 3.2020. Ảnh: Andrew Ton

Một trong những trở ngại chính, theo Malery, là làm sao tìm được "vị trí" cho lớp tiếng Việt trong chương trình giảng dạy chính thức, khi Đại học Brown không có khoa nghiên cứu Đông Nam Á.

Ngôn ngữ này không có sự tương đồng với các thứ tiếng trong Khoa Nghiên cứu Đông Bắc Á, một khoa đang hiện diện. Do đó, lãnh đạo nhà trường phải tìm các giảng viên mới.

Tuy nhiên, chính sự khác biệt giữa hai dạng ngôn ngữ và hai khu vực lại là điều nhóm của Malery có thể tận dụng, củng cố sự cần thiết của lớp tiếng Việt để giúp Đại học Brown tăng "đa dạng văn hóa".

Bên cạnh đó, Malery cũng tin rằng sự quan tâm của các sinh viên, trong đó có cô và Andrew, với các lớp học lịch sử, đã thu hút sự chú ý của lãnh đạo nhà trường về nhu cầu học ngôn ngữ mới.

Cũng giống Andrew, Malery biết tin Đại học Brown chính thức đưa tiếng Việt vào chương trình chính thức sau khi cô đã tốt nghiệp (năm 2020). Dù không được "tận hưởng thành quả", Malery không giấu được niềm hạnh phúc.

"Tôi vui mừng không chỉ vì nỗ lực của chúng tôi có kết quả mà còn vì sinh viên các khóa sau, ở cả Brown và Princeton cũng dành mối quan tâm lớn cho tiếng Việt", cô nói.

Malery cho rằng thành công này đến từ sự ủng hộ mạnh mẽ của sinh viên và niềm tin của các giáo sư vào một khoa nghiên cứu Đông Nam Á trong tương lai. Họ coi lớp tiếng Việt là bước khởi đầu cho một khoa mới.

Đại học Princeton, một trường khác trong nhóm Ivy League ở bang New Jersey, đã hợp tác với Đại học Brown để dạy tiếng Việt trong chương trình chính thức, lần đầu tiên. Malery trông đợi sẽ có thêm nhiều sinh viên đăng ký lớp học trong tương lai.

Duy trì lớp học

Bella Hoang, thành viên duy nhất trong nhóm của Andrew chưa rời Đại học Brown, cho biết cô cảm thấy vui sướng và ngạc nhiên khi Đại học Brown chấp thuận lớp tiếng Việt sau một chặng đường không hề dễ dàng. Thành tựu này có sự góp sức của các khoa khác trong trường.

Các sinh viên có thể đăng ký lớp dành cho người bắt đầu học tiếng Việt hoặc bậc trung cấp, dành cho người muốn tăng cường từ vựng và ngữ pháp.

Tuy nhiên, Bella không đăng ký học vì cô cần hoàn thành các chương trình khác để chuẩn bị tốt nghiệp vào đầu năm 2022.

Sinh ra tại Việt Nam, Bella theo mẹ chuyển đến bang New Hampshire đoàn tụ với họ hàng khi cô 9 tuổi. Vì mẹ cô không nói tiếng Anh nên Bella vẫn có thể "dùng tiếng Việt thành thạo".

Mối quan tâm chính của Bella khi tham gia nhóm của Malery không chỉ là lớp tiếng Việt, mà hơn thế, cô muốn góp phần đưa chuyên ngành Đông Nam Á vào chương trình chính thức ở Đại học Brown.

Chia sẻ mối lo ngại về sự bền vững của lớp học, Bella nói cô lo rằng lớp học sẽ không có đủ "đà" trong tương lai, nếu mối quan tâm của sinh viên không được tăng cường.

Hiện tại, Bella cho rằng lớp tiếng Việt chưa phổ biến với các sinh viên năm nhất. Vì thế, cô trông đợi SEASI sẽ gia tăng hợp tác với các nhóm khác trong trường để khắc phục điều này.


Bella Hoang biểu diễn trong chương trình văn hóa hàng năm của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Brown tháng 3.2020. Ảnh: Andrew Ton

Về phần mình, Bella đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động của nhóm VSA ở Đại học Brown để thu hút quan tâm của sinh viên đến văn hóa và lịch sử Việt Nam.

"Tôi cho rằng việc có môn học về Đông Nam Á sẽ giúp lớp tiếng Việt được duy trì lâu dài", cô nói.

Giáo sư Jane Sokolosky, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ tại Đại học Brown, cho biết nhóm khởi xướng dự án đã thể hiện sự quyết liệt khi trao đổi với bà, Khoa Nghiên cứu Đông Bắc Á và ban lãnh đạo nhà trường. Sokolosky là người mà Andrew miêu tả là "đóng vai trò chính" trong quá trình đưa lớp tiếng Việt vào chương trình chính thức ở Đại học Brown.

Sokolosky nhấn mạnh dù các lớp ngôn ngữ chưa phổ biến như tiếng Việt chưa có nhiều sinh viên đăng ký, các lớp này vẫn rất quan trọng.

Andrew, đang theo học chương trình tiến sĩ của Đại học Yale, cho biết anh hiểu nỗi lo lắng của các bạn trong nhóm về sự bền vững của lớp tiếng Việt trong tương lai.

Anh hy vọng sinh viên các khóa sau ở Đại học Brown hiểu rằng đây là "cơ hội tuyệt vời" để họ giữ được lớp học lâu dài, vì những lợi ích trong tương lai. Andrew cũng trông đợi các sinh viên trẻ hơn truyền tải rõ thông điệp "họ đề cao các lớp tiếng Việt" để ban lãnh đạo nhà trường có căn cứ duy trì lớp trong chương trình cố định.

Chia sẻ về kế hoạch cá nhân, Andrew nói anh sẽ tìm cách khác để cải thiện tiếng Việt của mình. Đó là một phần quan trọng để anh có thể trở lại thăm Việt Nam mà không cần có bố mẹ đi cùng. Lần đầu Andrew đến Việt Nam là khi mới 11 tuổi và anh không có nhiều ký ức.

"Tôi rất muốn về Việt Nam cùng hai chị để có thể tự mình khám phá những điều chúng tôi mới nghe kể trong các câu chuyện trong gia đình. Chắc chắn sẽ rất tuyệt".

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặng đường đưa tiếng Việt vào trường Ivy League