Ba chiến thuật giúp thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thành công năm 2023

07/06/2023 06:22

Hiện nay, nhiều thí sinh băn khoăn trong cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, lo ngại việc mắc sai sót, nhầm lẫn sẽ bỏ lỡ ngành học, trường học yêu thích.

Chú thích ảnh

Thêm cơ hội xét tuyển là thêm sự cân nhắc kỹ cho thí sinh

Nhiều năm gần đây, xét tuyển sớm bao gồm các phương thức phổ biến như xét điểm học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia, điểm kỳ thi tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội, ưu tiên xét tuyển các chứng chỉ ngoại ngữ, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi... đang được nhiều trường đại học áp dụng. Với cách thức xét tuyển linh hoạt, thí sinh có nhiều hơn một cơ hội mở cánh cửa trường đại học ước mơ. Mặc dù vậy, nhiều thí sinh với điểm chuẩn cao vẫn “trắng tay” khi “chiến thuật” đăng ký chưa hợp lý.

Theo PGS. TS Nguyễn Phú Khánh, việc đầu tiên các bạn thí sinh cần làm ngay đó là tìm hiểu kỹ thông báo, đề án tuyển sinh của các trường, sau đó hãy nghiên cứu thật kỹ các thông tin từ chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển, đến phương thức xét tuyển được công bố chính thức. Năm nay, tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến tới xác nhận nhập học. Do đó, thí sinh cần đọc kỹ Quy chế tuyển sinh, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD,ĐT), theo dõi sát thông báo của các Sở, các trường Đại học để thực hiện đúng, đủ, tránh đánh mất cơ hội.

Sau đó, thí sinh nên chủ động tìm hiểu điểm chuẩn xét tuyển các đợt vào các trường theo từng phương thức. Ngoài ra, thí sinh cần tham khảo chính xác điểm chuẩn của các đợt đợt xét tuyển sớm của các trường.

Đơn cử, Trường Đại học Phenikaa năm 2022 xét tuyển sớm 3 đợt. Trong đó, điểm chuẩn xét tuyển của đợt 1 bao giờ cũng “dễ thở” nhất trong tất cả các đợt. Điểm chuẩn của các đợt sau thường ít nhất là bằng hoặc có thể cao hơn các đợt trước tới vài điểm. Điều này cũng dễ hiểu vì số lượng chỉ tiêu có giới hạn theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, số lượng chỉ tiêu trúng tuyển (có điều kiện) của mỗi đợt sẽ giảm dần và có những ngành hết chỉ tiêu cho các phương thức xét sớm không còn chỉ tiêu.

Chiến thuật tiếp theo là: "Đừng bỏ trứng một giỏ". PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết: "Khi lựa chọn thứ tự ưu tiên nguyện vọng, thí sinh cần chú ý sắp xếp nguyện vọng phù hợp nhất lên trên. Bởi dù có nhiều lựa chọn, thậm chí là nhiều nguyện vọng, thì thí sinh cũng chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất. Do vậy, cần cân nhắc từng nguyện vọng và tính toán thứ tự ưu tiên sao cho hợp lý. Nguyên tắc sắp xếp nguyện vọng nên chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là nguyện vọng ưu tiên cao nhất; nhóm thứ hai là nguyện vọng vừa sức với mình; nhóm thứ ba là nguyện vọng dưới năng lực cá nhân một chút (đề đề phòng rủi ro).

"Các em có thể truy cập vào hệ thống bất kỳ lúc nào và tạo sự ưu tiên tối đa cho mình. Bộ GD,ĐT cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống. Việc này sẽ được thực hiện trong thời gian nhất định (từ ngày 10,7 đến 17 giờ ngày 30,7). Khoảng thời gian này đủ để thí sinh suy nghĩ, cân nhắc và lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Khi các em đăng ký lên hệ thống, các nguyện vọng sẽ hiện lên rất rõ", PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nói. 

Chiến thuật thứ 3 là các em tính toán kỹ khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD,ĐT. Từ nay tới trước khi thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn các trường có đợt xét tuyển sớm sẽ công bố trúng tuyển có điều kiện và trước 17 giờ ngày 8,7,2023, các trường sẽ nhập danh sách này lên hệ thống của Bộ.

Các em phải tốt nghiệp THPT thì việc trúng tuyển này mới có giá trị. Đồng thời, các em bắt buộc đăng ký trên hệ thống chung của bộ và tiến hành xác nhận nộp lệ phí thì mới chính thức trúng tuyển. Một trong những điểm mới của tuyển sinh đại học năm nay là thí sinh sẽ không phải đăng ký tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, tránh tình trạng nhầm lẫn như năm 2022.  

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ba chiến thuật giúp thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thành công năm 2023