Giáo dục trẻ em trung thực

10/07/2015 15:59

Thực tế cho thấy, trong cuộc sống hằng ngày không ít trẻ em có những biểu hiện dối trá, thiếu trung thực.

Người xưa có câu: đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Điều này muốn nói đến sự thật thà, thẳng thắn và trung thực của con trẻ, và đó cũng là nét nổi bật, dễ nhận thấy trong tính cách của trẻ em. Còn trong "Năm điều Bác Hồ dạy", ở điều thứ 5, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dạy thiếu nhi Việt Nam: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Đây là một phẩm chất, nhân cách đạo đức tốt cần được giáo dục và nhân lên ở các em.

Ngày nay, đại đa số trẻ em được sự giáo dục chu đáo từ gia đình, nhà trường, có môi trường sống tương đối thuận lợi để phát triển nhân cách, đạo đức. Hầu hết trẻ em ngày nay không chỉ có thể chất tốt, mà còn có trí tuệ, các kỹ năng phát triển hơn nhiều so với trẻ em trước đây. Nhưng chính sự phát triển ấy đã đặt ra yêu cầu cao hơn về sự giáo dục cũng như định hướng phát triển nhân cách, đạo đức, trong đó có sự rèn luyện tính trung thực của trẻ em.

Thực tế cho thấy, trong cuộc sống hằng ngày không ít trẻ em có những biểu hiện dối trá, thiếu trung thực. Những tính cách đó của trẻ không phải tự nhiên mà có, hầu hết trẻ em cũng không tự nghĩ ra, mà do sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Đó là tác động xấu của phim ảnh với những nội dung liên quan đến sự lừa gạt; tác hại của môi trường xung quanh, mà trực tiếp là những người thân trong gia đình từng nói dối trước mặt trẻ em; của sự thiếu nghiêm khắc từ người lớn khi con trẻ nói dối… Nếu quan sát, người lớn sẽ phát hiện sự thiếu trung thực của một số trẻ nhỏ, như nói dối không có bài tập về nhà, nói dối được nghỉ học, nói dối bị ốm để trốn học, nói dối đi học nhưng đi chơi, trốn học để vào quán internet; xin tiền nói để nộp học nhưng không nộp... Nếu trẻ em thiếu trung thực không được người lớn phát hiện kịp thời, không được chấn chỉnh sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến tương lai, cuộc sống sau này của trẻ.

Điều đó đặt ra sự cần thiết phải tăng cường giáo dục đạo đức, trong đó nhấn mạnh đến đức tính trung thực cho trẻ. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nói chung, giáo dục tính trung thực cho trẻ nói riêng. Cần có sự giáo dục chu đáo từ nhà trường, từ sự gương mẫu của người lớn (ông bà, thầy cô, cha mẹ, anh chị…). Người lớn cần nghiêm khắc khi phát hiện và xử lý hành vi không trung thực của con trẻ. Cần tạo cho trẻ em có môi trường tốt để chúng không có điều kiện nói dối, không dám nói dối và không thể nói dối. Cùng với đó, khi xử lý hành vi thiếu trung thực của trẻ cần phải khéo léo, linh hoạt để định hướng nhận thức, uốn nắn, phân tích cho trẻ biết đúng sai.

Trẻ em rất nhạy cảm và hay bắt chước, nếu người lớn khi phát hiện trẻ thiếu trung thực mà không uốn nắn kịp thời sẽ hình thành thói quen xấu, thậm chí ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ sau này.

BÙI VĂN MẠNH (Chí Linh)


(0) Bình luận
Giáo dục trẻ em trung thực