Môn lịch sử có nhiều điều kiện để giáo dục cho học sinh lòng biết ơn, yêu mến, kính trọng, tự hào về các thương binh, liệt sĩ và những người có công với nước.
Trong suốt 12 năm đèn sách, từ bậc tiểu học cho đến bậc THPT, môn lịch sử được giảng dạy theo mô hình vòng tròn đồng tâm. Lần lượt trở đi trở lại với các nội dung lịch sử cổ đại, trung đại và hiện đại. Cách tiếp cận này giúp học sinh nhiều lần được ôn lại tiến trình lịch sử của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt là học sinh các năm cuối bậc và các năm đầu của bậc THCS và THPT thường được tiếp xúc với chương trình lịch sử thời cổ đại đến hết thời Bắc thuộc (phần lịch sử Việt Nam). Thế nhưng, đây là giai đoạn lịch sử mà học sinh thường được giáo viên truyền thụ kiến thức mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”. Khi giảng dạy lịch sử, giáo viên cần tìm tòi những sự kiện có liên quan đến bài học, đưa vào giờ học những minh chứng sinh động làm cho giờ học thêm phong phú và hấp dẫn, đồng thời có ý nghĩa giáo dục, nhất là giáo dục lòng biết ơn. Khi giảng về cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo thì không thể không giảng về tấm gương hy sinh cao cả, liều mình cứu chủ của Lê Lai. Còn giảng về phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 đến cuối thế kỷ 19, cần khắc sâu trong học sinh những tấm gương hy sinh anh dũng của các anh hùng nghĩa quân như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Cao Thắng… Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945-1954), giáo viên có thể khắc sâu trong học sinh tấm gương của người anh hùng La Văn Cầu (chiến dịch Biên giới 1950), nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu. Trở về với đời thường, anh vẫn cống hiến phần sức lực còn lại cho dân, cho nước. Rồi tấm gương của liệt sĩ Phan Đình Giót- người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mở đường cho quân ta xông lên tiêu diệt địch ở cứ điểm Him Lam trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Hay như tấm gương người anh hùng Mường Pồn Bế Văn Đàn, lấy thân mình làm giá súng, để lại tiếng thơm cho đời sau. Có thể nói, tất cả những sự hy sinh lớn lao đó đều xuất phát từ lòng yêu nước, từ lòng căm thù giặc sâu sắc, thật đáng được các thế hệ tiếp nối khâm phục, kính trọng và tự hào.
Qua những bài học lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, ta có thể khắc sâu những tấm gương của những anh hùng như liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với tinh thần “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”; liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi với cái chết đã hóa thành bất tử; liệt sĩ Huỳnh Việt Thanh "Sống là cơn gió nổi, chết là sóng bạc đầu"; rồi còn đó những chị Trần Thị Lý mà “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/ Không giết được em, người con gái anh hùng”; chị Sứ “Hòn Đất”; 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc; 11 cô gái sông Hương và cả những nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ...
Giáo viên dạy sử không chỉ là người truyền thụ tri thức, những truyền thống, tình cảm cho học sinh qua bài giảng mà còn là người có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, giáo dục học sinh tham gia tích cực các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” trong nhà trường. Giáo viên phải đầu tàu gương mẫu trong việc thể hiện tình thương yêu, giúp đỡ, động viên, nhắc nhở, giáo dục học sinh xây dựng tình bạn đẹp đẽ, trong sáng đối với con em thương binh, liệt sĩ. Tuy nhiên, sách giáo khoa lịch sử hiện nay vẫn có nhiều hạn chế về vấn đề này. Điều đó cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tác dụng của công tác giáo dục, giáo dưỡng.
Giáo dục lòng biết ơn sự hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, có tinh thần, thái độ tư tưởng, tình cảm và sự quan tâm đến những người đã hy sinh thân mình cho đất nước đã và đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đó là việc làm cấp thiết, giúp ích rất nhiều cho việc xây dựng tri thức, giáo dục đạo đức, tư tưởng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, trong quá trình phát triển và hội nhập như hiện nay, việc làm đó còn được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để giữ gìn bản sắc và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN VIẾT CHÍNH(Thừa Thiên - Huế)