Xóa khoảng trống trong tư vấn tâm lý học đường

23/02/2021 08:13

Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo giáo viên, học sinh.


Học sinh Trường Tiểu học Phương Liệt

Tuy nhiên, thực hiện công tác này ở các nhà trường còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. 

Mặc dù, cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn, học sinh phải học luân phiên nhưng với nhận thức về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh, Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thành lập phòng tham vấn tâm lý, đi vào hoạt động từ tháng 5.2018.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Liệt cho biết: Phòng tư vấn đặt tại tầng 2, diện tích 25m2, bảo đảm tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận; được trang trí thân thiện, đẹp mắt, phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học.

Thường trực tại phòng tham vấn là giáo viên Tổng phụ trách. Nhà trường truyền thông, quảng bá về hoạt động của phòng tham vấn thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt tập thể, khuyến khích giáo viên đưa học sinh đến phòng tham vấn để tư vấn, hỗ trợ tâm lý.

Tới nay, phòng tham vấn đã thực hiện tốt các mục tiêu: Giúp học sinh giảm bớt cảm xúc tiêu cực; tăng thêm hiểu biết về bản thân và hoàn cảnh của mình; giúp học sinh đưa ra các quyết định lành mạnh, hữu ích; hướng dẫn học sinh thực hiện các quyết định.

Ông Phạm Xuân Dưỡng - Trưởng phòng Chính trị và tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lai Châu trao đổi: Từ năm 2018, Sở GD-ĐT Lai Châu đã có văn bản yêu cầu mỗi trường phổ thông trên địa bàn thành lập một tổ tư vấn tâm lý. Các trường chủ động xây dựng chuyên đề tư vấn tâm lý cho học sinh.

Hiện, hầu hết các trường đều có tổ tư vấn tâm lý hoạt động thường xuyên từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần tại phòng y tế hoặc phòng đoàn đội nhà trường. Tuy nhiên, nhiều trường học do khó khăn về cơ sở vật chất đã tận dụng ngay phòng của hiệu trưởng hoặc phòng bảo vệ để tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh, khiến hiệu quả của công tác tư vấn không cao.

Ông Nguyễn Trọng Bé - Trưởng phòng Chính trị và Tư tưởng, Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng: Vướng mắc lớn vẫn nằm ở đội ngũ. Đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý là kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu, trong khi đó các tình huống tư vấn đôi khi  rất phức tạp, chẳng hạn với trẻ tự kỷ, trầm cảm, không hợp tác, đòi hỏi phải có đội ngũ được đào tạo bài bản. 

Do đó, ông Bé cho rằng, giải pháp đầu tiên phải sớm thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường, chú ý trường hợp đặc biệt. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho công tác tư vấn, cũng như chế độ chính sách về vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên chủ nhiệm và  người làm cộng tác viên. 

Theo Giáo dục và Thời đại

(0) Bình luận
Xóa khoảng trống trong tư vấn tâm lý học đường