Ngày 21.5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng đã có những chia sẻ xung quanh chuyện ông được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long (ngôi trường trực thuộc UBND tỉnh).
Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết việc được phân công kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Hạ Long là để tiếp tục xây dựng hạ tầng, kiện toàn trường này theo mục tiêu, yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra.
Phải có kinh nghiệm triển khai dự án
Mở đầu cuộc trao đổi, ông Thắng cho biết Trường ĐH Hạ Long vốn là một trường có tuổi đời non trẻ, nhưng đã có những bước đi vững chắc trong việc đào tạo bộ máy và công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, để có thể trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực phía Bắc và là một đô thị đại học trong tương lai vẫn còn rất nhiều công việc, nhiệm vụ đặt ra đối với nhà trường.
Theo ông Thắng, không chỉ UBND tỉnh mà cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định các nguồn lực đầu tư trong giai đoạn này dành cho nhà trường nhằm tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định mô hình hoạt động. Do đó, tỉnh xác định người lãnh đạo quản lý nhà trường không chỉ đơn thuần là một người làm công tác quản lý giáo dục mà còn phải là người có kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án.
Ngay trong giai đoạn đầu thành lập trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tính đến chuyện phải có một đồng chí lãnh đạo trong thường trực UBND tỉnh trực tiếp làm hiệu trưởng. Ông Thắng cho biết trước đây bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách đúng mảng này nên được phân công kiêm nhiệm làm hiệu trưởng và trong quá trình kiêm nhiệm cho đến nay đã chứng tỏ các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là hoàn toàn chính xác.
"Từ một ngôi trường mới hoạt động được khoảng 5 năm mà đã đạt con số hàng chục ngàn sinh viên là rất nỗ lực và thành công. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như mình đã đặt ra thì vẫn chưa tới, từ chuyện cơ sở hạ tầng cùng đội ngũ cán bộ hiện nay của trường vẫn là chưa đủ so với mục tiêu đề ra.
Chính bởi vậy mà Ban thường vụ Tỉnh ủy tập trung thảo luận rất kỹ, đi tới thống nhất về việc thời điểm này vẫn cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh để tiếp tục xây dựng nhà trường hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ giảng viên... Khi đó thì bàn giao cho một người chuyên môn sẽ tốt hơn" - ông Thắng nêu.
Chỉ có chủ tịch UBND tỉnh đủ điều kiện
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, từ các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra thì Thường trực UBND tỉnh đã họp và cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng họp, xem xét quyết định chọn trong những lãnh đạo UBND tỉnh hiện nay. Khi đối chiếu các điều kiện, tiêu chuẩn thì chỉ có duy nhất chủ tịch UBND tỉnh là đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay tỉnh đang bàn để sớm kiện toàn phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn xã. Trong trường hợp kiện toàn được lãnh đạo này và người đó có đủ các điều kiện tiêu chuẩn, đặc biệt là có học vị tiến sĩ, thì lúc đó ông sẽ chuyển giao cho đồng chí phó chủ tịch này kiêm nhiệm.
"Thực tế hiện nay trong bốn tháng qua, Trường ĐH Hạ Long không có hiệu trưởng và đang có đà bị chững lại nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định phân công tôi kiêm nhiệm hiệu trưởng, chứ không phải từ cá nhân tôi đặt ra. Tôi hiện nay kiêm nhiệm nhưng lương không tăng bởi trường vẫn đang trong giai đoạn bao cấp" - ông Thắng cho biết thêm.
Theo ông Thắng, sau khi kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long, ông xác định mỗi tuần phải dành ít nhất một ngày tại trường để kịp thời nắm bắt, quán xuyến chỉ đạo công việc chung.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chờ báo cáo Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Trường ĐH Hạ Long là trường công lập trực thuộc UBND tỉnh. Nên theo Luật Giáo dục ĐH hiện hành thì UBND tỉnh có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng. Bộ đang chờ báo cáo của Trường ĐH Hạ Long và UBND tỉnh Quảng Ninh để hiểu được thực tế của địa phương, từ đó mới có cơ sở để trả lời báo chí về vấn đề này. |
Tại sao không thi tuyển? Vì sao tỉnh không tuyển chọn hay tổ chức thi tuyển lựa chọn hiệu trưởng Trường ĐH Hạ Long? Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng hiện vẫn chưa thể thực hiện được việc tuyển chọn bên ngoài. Bởi lẽ những người tuyển chọn bên ngoài chỉ đơn thuần là quản lý giáo dục nghề nghiệp, tổ chức thực hiện. Trong khi yêu cầu của trường hiện nay vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng, toàn bộ là bao cấp, chưa tự chủ được nên phải đến khi nào trường tự chủ thì lúc đó tỉnh mới có thể "buông tay" được. |
Rất khó làm tốt cả hai vị trí
Phóng viên đã trao đổi với TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo về câu chuyện lãnh đạo tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng trường ĐH. Bà Phụng nói: - Cá nhân tôi cho rằng riêng về thời gian, mỗi vị trí đã yêu cầu phải làm việc đủ giờ hành chính nên rất khó để một người có thể đảm nhiệm cả hai vị trí, nếu như không muốn nói là việc một người thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của cả hai vị trí trên trong suốt nhiệm kỳ là khó khả thi. Luật Giáo dục ĐH hiện hành chỉ quy định chủ tịch hội đồng trường ĐH công lập là cán bộ cơ hữu của trường, không quy định cụ thể các chức danh khác như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phó các đơn vị trong trường phải là cán bộ cơ hữu của trường... Tuy nhiên, trong phạm vi quan sát của tôi, hầu hết những người quan tâm đến việc thực hiện luật này đều hiểu hiệu trưởng đương nhiên là cán bộ cơ hữu của trường ĐH. Luật cũng đã quy định rõ: hiệu trưởng trường ĐH là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH; là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục ĐH công lập... là đã thể hiện tinh thần trên. - Như vậy, với những trường ĐH địa phương được tỉnh tập trung đầu tư phát triển, lãnh đạo tỉnh muốn tham gia đóng góp nhiều hơn vào công việc của trường thì có thể tham gia vị trí nào là hợp lý? - Nếu cần tham gia trực tiếp vào công việc của nhà trường thì vị trí phù hợp nhất là phó chủ tịch hội đồng trường hoặc thành viên hội đồng trường. Ở các vị trí này, lãnh đạo tỉnh vừa có khả năng trực tiếp đóng góp, thúc đẩy, định hướng cho sự phát triển trường ĐH; vừa có thể giám sát được bộ máy quản lý nhà trường và các sở ban ngành của địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường... Điều đó cũng phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục ĐH. |
Theo Tuổi trẻ