Sau sáp nhập, nhiều trường thiếu nhân viên

24/11/2019 09:20

Từ năm học 2018-2019 đến nay, Hải Dương có nhiều trường học đã sáp nhập và thời gian tới sẽ có hàng chục trường được sắp xếp theo đơn vị hành chính cấp xã.

Nếu không có nhân viên thư viện phục vụ liên tục, phong trào đọc sách của Trường Tiểu học An Phụ (Kinh Môn) sẽ bị ảnh hưởng

Khi sáp nhập, nhiều điểm trường cách xa nhau sẽ gặp khó khăn vì thiếu nhân viên.

Khó bố trí

Sau sáp nhập nhiều trường học thiếu nhân viên trầm trọng, nhất là ở trường mầm non và tiểu học. Không ít trường có nhiều điểm nhưng hiện chỉ còn 1 - 2 nhân viên. Trường Mầm non Cộng Hòa (TP Chí Linh) sáp nhập từ đầu năm học 2019-2020, hiện có 29 nhóm, lớp. Theo quy định, trường sẽ có từ 3 - 4 nhân viên ở các vị trí kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ.

Thiếu người nên giáo viên và cán bộ quản lý phải kiêm nhiệm công việc của các vị trí khác. Kế toán kiêm thủ quỹ, 1 giáo viên kiêm y tế, còn công việc văn thư giao cho các thành viên của Ban Giám hiệu làm theo mảng chuyên môn được phân công. 

Trường Tiểu học An Phụ (Kinh Môn) sau khi được sáp nhập từ 2 Trường Tiểu học Tân An và Huề Trì hiện cũng chỉ có 5 nhân viên. Theo chỉ đạo, thời gian tới trường phải cắt giảm 2 người, chỉ còn 3 nhân viên ở các vị trí kế toán, văn thư và thư viện.

Thầy giáo Nguyễn Văn Như, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường có 2 điểm, với gần 900 học sinh ở 28 lớp. Nếu chỉ còn 3 nhân viên thì trường gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm hoạt động của mảng thư viện, thiết bị, đồ dùng, y tế. Trường đang băn khoăn chưa biết bố trí thế nào cho hiệu quả". 

Các trường chuẩn bị sáp nhập cũng có mối lo tương tự, nhất là những trường ở 3 xã sáp nhập thành1. Do hầu hết cơ sở vật chất các trường vẫn giữ nguyên nên có trường sẽ tồn tại 3 - 4 điểm.

Thời gian tới, các xã Ninh Hòa, Quyết Thắng, Ứng Hòe (Ninh Giang) sáp nhập thì các trường mầm non, tiểu học, THCS dồn vào còn một trường ở mỗi loại hình. Sau sáp nhập, nếu trường mới ở các cấp, bậc học chỉ sắp xếp mỗi vị trí 1 nhân viên thì rất khó đảm nhiệm vì có quá nhiều điểm trường.  

Theo nhiều cán bộ quản lý Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường, lý do chính dẫn đến việc thiếu đội ngũ nhân viên là trước khi sáp nhập bản thân các trường đã thiếu. Nhiều năm qua, biên chế giao chưa bảo đảm yêu cầu nên hầu hết các trường ưu tiên tuyển giáo viên. Do thực hiện tinh giản biên chế nên nhiều trường chủ yếu áp dụng với đội ngũ nhân viên.

Ảnh hưởng đến hoạt động

Trong trường học, đội ngũ làm công tác giảng dạy rất quan trọng nhưng những người làm nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ cũng có vai trò không kém. Thiếu đội ngũ nhân viên, hoạt động quản lý, chế độ thông tin, báo cáo, tổng hợp, thống kê, chăm sóc sức khỏe, phục vụ việc dạy và học của giáo viên, học sinh các trường đều bị ảnh hưởng.

Hai điểm của Trường Tiểu học An Phụ hiện vẫn giữ nguyên việc dạy và học cũng như thư viện, đồ dùng. Còn lại 3 nhân viên, Ban Giám hiệu nhà trường dự kiến bố trí kế toán riêng vì nếu kiêm nhiệm sẽ khó bảo đảm yêu cầu. Hai nhân viên còn lại sẽ sắp xếp 1 người làm công tác văn thư kiêm thư viện, 1 người phụ trách thiết bị kiêm y tế.

Các nhân viên này sẽ trực luân phiên ở hai điểm trường. Đây chỉ là cách giải quyết tình thế, còn nhu cầu sử dụng đồ dùng của giáo viên hầu như ngày nào cũng cần đến, nhất là môn toán, tiếng Việt, tự nhiên, xã hội, lịch sử, địa lý.

Nhu cầu mượn tài liệu tham khảo, sách, truyện của học sinh cũng khá lớn. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác, sử dụng đồ dùng trong giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh, phần nào ảnh hưởng tới phát triển văn hóa đọc của các em.

Nếu chỉ có 1 nhân viên y tế nhưng phụ trách tới 2 - 3 điểm trường thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho học sinh, nhất là sơ cấp cứu khi có rủi ro.

Theo lãnh đạo một số trường mầm non, tiểu học, các cháu tuổi còn nhỏ nên rất dễ bị đau yếu hoặc khi nô nghịch xảy ra thương tích. Hầu như ngày nào các em cũng cần đến nhân viên y tế để chăm sóc như đang học bị sốt, đau bụng, đau đầu, ngã trầy xước da, chảy máu... Trong khi đó, trạm y tế của địa phương cách xa nên không phải lúc nào cán bộ y tế cũng đến kịp thời.

Thiếu nhân viên, cán bộ quản lý, giáo viên phải kiêm nhiệm một số công việc văn thư, thiết bị, đồ dùng, y tế. Do không có chuyên môn nên làm việc chưa hiệu quả.

Cô giáo Dương Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cộng Hòa (TP Chí Linh) chia sẻ: "Trước đây, việc tổng hợp, báo cáo do văn thư làm, nay chúng tôi phải tự thực hiện. Yêu cầu việc tổng hợp, báo cáo đòi hỏi nhanh, chính xác, kịp thời khiến chúng tôi rất vất vả. Do bị chi phối nhiều thời gian nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành". 

Lãnh đạo những trường sáp nhập có nhiều điểm trường cách xa nhau mong muốn thời gian tới các cấp, các ngành quan tâm bố trí đủ nhân viên để bảo đảm điều kiện hoạt động. Trước mắt, các trường cần được bố trí đủ số lượng theo tiêu chuẩn.

Cấp trên có thể căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi trường để linh động trong việc giao thêm chỉ tiêu nhân viên. Đối với trạm y tế, địa phương cần giao nhiệm vụ và phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với trường học chứ không nên duy trì thực hiện cơ chế phối hợp hoặc ký hợp đồng như hiện nay.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Sau sáp nhập, nhiều trường thiếu nhân viên