Sáng tạo với chương trình mới

22/01/2021 14:33

Cô Phạm Ngọc Hoài Ngân, T​rường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP Hồ Chí Minh) treo tranh dòng suối, quả bưởi rồi hỏi học sinh đây là gì trong bài học vần "uôi - ươi".

Ngày 21.1, trong buổi học môn tiếng Việt tuần thứ hai của học kỳ II, tại lớp 1A, sau khi cô Ngân chỉ vào tranh, học sinh đồng thanh "dòng suối", "quả bưởi". Từ đó, cô chỉ các tiếng mới là "suối", "bưởi" rồi rút ra vần "uôi", "ươi".

Học vần từ hình ảnh, video trực quan là hình thức cô Ngân thấy hiệu quả nhất sau một học kỳ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Hình ảnh trực quan thường được học sinh tiếp cận dễ dàng hơn bằng vốn hiểu biết đã đó, các em có thể biết quả bưởi trước khi biết đọc, viết từ này.

Để học sinh nhớ lâu một vần mới, cô Ngân thường mô hình hóa các vần. Với vần "uôi", cô sẽ phân tích thành âm đôi "uô" đứng trước, âm "i" đứng sau. Cách này sẽ giúp các em không bị lẫn giữa các vần khác nhau, tránh học trước quên sau.

Năm nay, Trường Tiểu học Mê Linh chọn sách toán, Tiếng Việt ở bộ Cánh diều, các môn còn lại rải rác ở các bộ khác. Trong một lớp, khả năng tiếp thu của học sinh khác nhau. Để em yếu "đuổi" kịp bạn, sau khi hướng dẫn chung, cô sẽ phân nhóm để em giỏi hướng dẫn em yếu. Tiếp đó, cô sẽ đến kèm từng em. "Với Tiếng Việt, em nào đọc tốt, tôi sẽ bảo các em đọc trơn tru. Với các em đọc yếu, tôi để đánh vần, âm, vần, bỏ dấu thanh rồi ghép lại", cô kể.

Mới hơn bốn năm trong nghề nhưng được dạy lớp 1 trong giai đoạn chuyển giao giữa chương trình mới và cũ, cô Ngân cảm nhận sự khác biệt lớn nhất là giáo viên được chủ động hơn. Không chỉ việc chọn ngữ liệu dạy học, giáo viên còn được chủ động sắp xếp thời gian môn học trong một buổi sao cho hợp lý, đảm bảo chương trình và sự tiếp thu của học sinh.

"Những bài đơn giản, tôi sẽ đẩy nhanh tốc độ, chừng 30 phút. Nhưng với các bài đọc khó hoặc bài Toán khó, tôi có thể kéo dài thời gian để học sinh luyện tập, không cần cứng nhắc", cô Ngân nói.

Cô giáo trẻ cũng tham gia các nhóm giao lưu chuyên môn của đồng nghiệp cả nước trên mạng xã hội để học hỏi. Cô thấy rõ, có cùng một vấn đề nhưng ở nơi này sẽ làm tốt, nơi khác chưa hoặc ngược lại. Từ những trao đổi này, cô đúc rút kinh nghiệm để bài giảng trở nên tốt hơn.

Cô Phạm Ngọc Hoài Ngân và học sinh lớp 1A trường Tiểu học Mê Linh trong tiết học ngày 21/1. Ảnh: Mạnh Tùng.
Cô Phạm Ngọc Hoài Ngân và học sinh lớp 1A Trường Tiểu học Mê Linh trong tiết học ngày 21.1

Nhận thấy trẻ thường chỉ tập trung 10-15 phút, cô Đinh Duyên Thịnh, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học - THCS Victoria Thăng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) thường tổ chức trò chơi ở đầu mỗi tiết để tạo sự hào hứng.

Trường Victoria Thăng Long sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho tất cả môn. Với Tiếng Việt, sách thường đưa một bức tranh ở đầu mỗi bài học nhằm gợi mở từ ngữ chứa âm hoặc vần của bài học hôm đó. Cô giáo tận dụng bức tranh này để tổ chức trò chơi cho học sinh bằng cách chia tranh thành bốn phần và che lấp hoàn toàn. Học sinh sẽ trả lời câu hỏi liên quan đến bài học hôm trước, các lỗi chính tả thường gặp để lật mở từng ô tranh. Sau khi bức tranh được mở hoàn toàn, cô mới cùng học trò bước sang bài học mới.

Để lôi cuốn học sinh, cô Thịnh tổ chức cuộc thi với mô phỏng chương trình "Rung chuông vàng", câu hỏi xoay quanh bài học cũ, điền từ còn thiếu... Bên cạnh những trò chơi do chính mình sáng tạo, cô cũng tận dụng những hoạt động có sẵn trong sách. Đến trưa, cô và đồng nghiệp trong tổ thường tranh thủ họp, trao đổi kinh nghiệm, triển khai thêm nhiều phương pháp giảng dạy tích cực.

Luôn chủ động trong tiết dạy cũng là kinh nghiệm cô Đỗ Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Lớp cô Trang chủ nhiệm đa số đã đọc thông viết tốt. Dù mới một tuần chuyển qua viết chữ nhỏ, các em đã viết khá nhanh. Tuy nhiên, chữ viết nhiều em chưa đẹp do việc học viết ở giai đoạn này ít được chú trọng hơn chương trình cũ.

Cô Trang dành nhiều thời gian ở các buổi chiều để cho học sinh luyện viết. Với những bài dài, cô cắt ra, dạy ở các tiết sau. Theo chương trình mới, môn Tiếng Việt có 12 tiết một tuần, nhiều hơn trước hai tiết để giáo viên có thể linh hoạt sắp xếp, dạy lại các bài khó, rèn luyện cho những em chậm hơn.

Ngoài sử dụng hai tiết ôn luyện và buổi chiều, giáo viên này còn giao phiếu bài tập vào mỗi cuối tuần và nhờ phụ huynh hỗ trợ con ôn luyện. Cô thiết kế một bảng âm, vần riêng mà ở đó các vần gần giống nhau như "on", "ôn" cùng một cột, giúp học sinh dễ ghi nhớ. Bảng này được cài sau sách, giáo viên sẽ nhắc phụ huynh cho con đọc lại vào buổi tối.

Ở Tây Nguyên, cô Thu, giáo viên một trường tiểu học ở TP Pleiku (Gia Lai) chú trọng dạy học sinh yếu, kém để không tạo ra các "khoảng trống" trong lớp. Bởi theo kinh nghiệm 20 dạy học, nếu cô mải chạy theo tiến độ, "khoảng trống" này lâu ngày rộng ra, giáo viên muốn khắc phục sẽ vất vả hơn rất nhiều.

Theo cô Thu, muốn học tốt nhất chương trình mới, trẻ vào lớp 1 cần được đầu tư nền tảng tốt từ bậc mẫu giáo. "Điều đó không có nghĩa là phải học chữ, nhồi nhét, học thêm trước khi vào lớp 1. Các em chỉ cần biết những kiến thức cơ bản thông qua việc tập vẽ, sao chép, nhận diện chữ cái, tập đếm...", cô nói.

Lớp học của cô Đỗ Thị Trang, trường Tiểu học Danh Thắng trong tiết Toán sáng 19/1. Ảnh: Dương Tâm
Lớp học của cô Đỗ Thị Trang, Trường Tiểu học Danh Thắng, Bắc Giang trong tiết toán sáng 19.1

Ở góc độ quản lý, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, cho rằng để triển khai tốt việc dạy theo chương trình mới, địa phương cần đảm bảo học sinh học hai buổi mỗi ngày. Hai yêu cầu đặt ra là tỷ lệ giáo viên đạt 1,5 trên lớp và mỗi lớp có một phòng học.

Tại Bắc Giang, tỷ lệ giáo viên đang đạt 1,43; các lớp 1 đều đước bố trí phòng học riêng. Tất cả học sinh lớp 1 toàn tỉnh được học hai buổi trên ngày. Với các lớp 2-5, tỉnh đang xây dựng kế hoạch để đáp ứng tiêu chí trên.

Ngoài cơ sở vật chất, nhân sự, tỉnh có những yêu cầu riêng đối với các trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 46 đầu sách ở năm bộ sách giáo khoa lớp 1 thì tất cả trường phải mua mỗi đầu sách năm cuốn. Từ đó, giáo viên có cơ sở tham khảo, lựa chọn ngữ liệu phù hợp nhất.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang trao quyền cho các trường và giáo viên. Thầy cô được phép điều chỉnh tiết học, nội dung kiến thức và ngữ liệu sao cho phù hợp với tình hình thực tế, năng lực học tập của từng học sinh.

"Tôi đi kiểm tra ở nhiều trường, nhận thấy học sinh rất hào hứng học, nắm bắt được nội dung yêu cầu về kiến thức, năng lực phẩm chất. Có trường 100% học sinh là người dân tộc, nhưng khi tôi đọc và bảo viết theo thì các em đều viết rất thuần thục", ông Khoa kể.

Sơ kết học kỳ I vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã làm phiếu khảo sát tất cả giáo viên dạy lớp 1 nhằm đánh giá kết quả dạy và học, triển khai các bước chuẩn bị chọn sách giáo khoa lớp 2 và 6.

Với 40 năm dạy và làm công tác quản lý, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn chương trình mới được áp dụng suôn sẻ, nhà trường và giáo viên rất cần sự đồng thuận của phụ huynh. Các trường cần phổ biến rộng cho phụ huynh biết những điểm mới của chương trình, sách giáo khoa mới. Trong năm, trường có thể tổ chức các buổi học để phụ huynh dự giờ.

"Nhờ có sự tương tác này, trường cũng hiểu khó khăn khi dạy con ở nhà của cha mẹ, ngược lại cha mẹ cũng học hỏi được kinh nghiệm để chỉ bảo con. Ban giám hiệu cần tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên được chủ động trong phương pháp dạy học, thường xuyên họp, trao đổi chuyên môn", ông Hùng nói.

Theo VnEpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng tạo với chương trình mới