Sách giáo khoa lớp 1 nhiều lỗi: Vì sao Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa công bố sửa, hiệu đính?

25/03/2021 07:04

Năm học 2020-2021 sắp kết thúc nhưng cả bốn bộ sách giáo khoa lớp 1 do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn vẫn chưa công khai chỉnh sửa và hiệu đính các lỗi.

Vào thời điểm đầu học kỳ I, năm học 2020-2021, dư luận và giáo viên xôn xao khi cả năm bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới được phê duyệt đưa vào dạy học phát hiện nhiều "sạn". Sau đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản, tác giả biên soạn đã rà soát và trình Bộ xin ý kiến chỉnh sửa dữ liệu bị lỗi trong sách.

Đến nay, duy nhất bộ sách Cánh Diều của Nhà Xuất bản Ðại học Sư phạm và Nhà Xuất bản Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thực hiện công khai chỉnh sửa và gửi bản hiệu đính để các trường kịp thời sử dụng. Còn lại, bốn bộ SGK của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn vẫn chưa có động thái về các nội dung điều chỉnh, hiệu đính dữ liệu sách.

Cô Đặng Thị Thanh Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chợ Mới (Chợ Mới, Bắc Kạn) cho biết, năm học 2020- 2021, trường chọn 3 bộ sách Kết nối tri thức; Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục đưa vào giảng dạy. 

Gần một năm triển khai dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới bước đầu đánh giá học sinh tự tin hơn, kỹ năng đọc và viết chữ vững hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì giáo viên cũng phát hiện ra nhiều lỗi trong SGK, đặc biệt là môn Tiếng Việt. Giáo viên từng tổng hợp và gửi nhà xuất bản đề xuất sửa. Tuy nhiên, nhà trường, giáo viên vẫn chưa nhận được bản hiệu đính hay bổ sung chỉnh sửa. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam mới chỉ đưa ra thông báo, giáo viên tự thay thế, điều chỉnh một số lỗi cho phù hợp với tình hình dạy học.


Học sinh lớp 1. Ảnh minh hoạ

Cô Đào Thị Tiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu (Bắc Kạn) cũng cho biết, do chưa có bản hiệu đính, điều chỉnh chính thức, nên giáo viên khá lúng túng trong việc triển khai dạy. Với những nội dung lỗi giáo viên trực tiếp đứng lớp và tổ bộ môn thường xuyên bàn bạc lên phương án thay thế bằng dữ liệu khác.

Tuy nhiên, cô Tiên cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, hy vọng, nhà xuất bản sớm bổ sung các nội dung hiệu đính, chỉnh sửa SGK thống nhất trên cả nước để thuận lợi cho giáo viên trong dạy học và triển khai đến phụ huynh hỗ trợ học sinh tự học ở nhà.

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực hội Khuyến học Việt Nam thẳng thắn: “Nếu SGK sai sót mà không sửa ngay thì học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi và như vậy là không ổn”.

Tương tự, Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ðạt - người từng chỉ ra “sạn” trong SGK Tiếng Việt lớp 1 cho rằng, không nên để đến khi tái bản SGK cho năm học tới mới chỉnh sửa. Có lỗi thì phải bỏ ngay. Ông băn khoăn, tại sao lại để học sinh phải học những thứ không hoàn chỉnh. Khi kiến thức dạy không bảo đảm chất lượng sẽ để lại hệ luỵ rất nguy hiểm về sau, đặc biệt là với những học sinh lớp 1.

Trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi tháng 12.2020, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thừa nhận có 37 trang SGK lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cần phải chỉnh sửa; bộ Chân trời sáng tạo có bảy trang; bộ Cùng học để phát triển năng lực 24 trang và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục một trang.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ rà soát các lỗi và gửi sang Hội đồng thẩm định sách quốc gia để xem xét trên nhiều yếu tố; thậm chí có cả những đối thoại với tác giả về các nội dung liên quan để thống nhất công bố những vấn đề cần điều chỉnh.

Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như hội đồng thẩm định sách đều vẫn chưa công bố lỗi trong bốn bộ SGK của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Mặt khác, trong khi bốn bộ SGK lớp 1 chưa có nội dung chỉnh sửa chính thức thì ngày 8.3.2021, Vụ Giáo dục Tiểu học đưa ra công văn yêu cầu địa phương, các trường, khảo sát, đánh giá chương trình, SGK lớp 1 sau một học kỳ triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng, các lỗi trong bốn bộ SGK lớp 1 chưa được công khai chỉnh sửa thì việc tiếp tục khảo sát, đánh giá SGK lớp 1 là thiếu hợp lý. 

Theo VTC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa lớp 1 nhiều lỗi: Vì sao Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa công bố sửa, hiệu đính?