Rà soát điều kiện bắt buộc của các loại chứng chỉ, tránh lãng phí

10/03/2021 08:17

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ban hành một loạt các Thông tư 01, 02, 03 và 04/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy.


Một tiết học của lớp 1C trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Không quy định “cứng” về trình độ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Theo đó, các yêu cầu được điều chỉnh từ tiêu chuẩn “cứng” về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, như về trình độ ngoại ngữ không còn có quy định phải đảm bảo bậc 1, bậc 2 hay bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”, trình độ tin học chuyển từ “đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin” sang “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp. Việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 20.3.2021. Điều này tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho đội ngũ giáo viên.

Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vào tháng 11.2020, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, nghị định của Chính phủ quy định, đối với những trường hợp khi tốt nghiệp mà các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (như ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3) thì không cần yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ. Tương tự, những người thi nâng ngạch, nếu được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Để thực hiện việc này, nghị định của Chính phủ đã giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Về vị trí không cần trình độ cao thì không có quy định, về vị trí cần có trình độ ngoại ngữ bậc cao hơn thì sẽ có quy định trong từng vị trí việc làm. Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư sửa đổi về chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, theo đó, không quy định vấn đề chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 31 - Luật Viên chức 2010, “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó” và giao “các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; điều kiện thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức.” (khoản 4, Điều 31). Như vậy, Luật không quy định về chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà chỉ quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trước đây được quy định tại các thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng. Ngày 2.2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành các thông tư số 01, 02, 03 và 04/TT-BGDĐT để thay thế các thông tư liên tịch trước đây. Bộ Nội vụ cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ quản lý chuyên ngành để rà soát các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp để sửa đổi các quy định có liên quan cho phù hợp.

Có sự lẫn lộn, quá nhiều chứng chỉ và nội dung trùng lắp

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), thông tin, Luật Viên chức cũng như trong Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trước đây và Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thay thế Nghị định 29 đều quy định, mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức phải có tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp và trách nhiệm của Bộ Nội vụ cũng như các bộ chuyên ngành trong việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình.

Đối với đội ngũ giáo viên, việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn đối với từng cấp phổ thông thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này được quy định trong Luật và cũng được quy định rất rõ trong Nghị định 29 trước đây và Nghị định 115 mới ban hành năm 2020. Căn cứ vào tiêu chuẩn của từng chức danh nghề nghiệp, các bộ chuyên ngành phải tổ chức các lớp bồi dưỡng để đội ngũ giáo viên đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, ai hoàn thành lớp bồi dưỡng sẽ được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được xây dựng căn cứ vào tiêu chuẩn của từng hạng chức danh nghề nghiệp đó. Tiêu chuẩn phải căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí việc làm và thể hiện năng lực, trình độ tương ứng với vị trí việc làm.

“Ví dụ, một giáo viên mới ra trường có thể đi dạy nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nhưng chưa thể bổ nhiệm vào chức danh giáo viên hạng II hoặc hạng I vì chưa có đủ kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết khác như các giáo viên đã đi dạy 5, 7 năm”, ông Nguyễn Tư Long dẫn chứng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, một số ngành nghề còn yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác tối thiểu, đạt chuẩn hạng nhất định trở lên mới được giữ các vị trí làm công tác lãnh đạo quản lý (tổ trưởng bộ môn, hiệu phó, hiệu trưởng), vì không kinh qua kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp thì không thể quản lý được. Vì vậy, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phản ánh trình độ, năng lực, kinh nghiệm của viên chức nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. Còn chứng chỉ bồi dưỡng có thể là một loại chứng chỉ bổ sung phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.

“Chúng ta đừng nên có suy nghĩ "cứ chứng chỉ là không tốt". Nếu chứng chỉ phục vụ cho đúng yêu cầu của quản lý nhà nước, đáp ứng đúng yêu cầu của đội ngũ viên chức xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ thì chứng chỉ không có tội tình gì cả, không việc gì phải bỏ đi. Nhưng vấn đề của các loại chứng chỉ bây giờ theo tôi hiểu đang có sự lẫn lộn, quá nhiều và nội dung trùng lắp, vì vậy mới gây những bức xúc trong đội ngũ giáo viên gần đây”, ông Nguyễn Tư Long nêu.

Theo ông, điều cần thiết bây giờ không phải là bỏ hay không bỏ một loại chứng chỉ nào đó mà cần phải rà soát lại tất cả những yêu cầu về điều kiện bắt buộc của từng loại chứng chỉ và đặc biệt là nội dung, chương trình của các loại chứng chỉ xem có xuất phát từ đúng yêu cầu của tiêu chuẩn, vị trí việc làm hay không để tránh lãng phí, tốn kém cho xã hội. Để làm được việc này, cái gốc là cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được quy định về tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp. Trong từng chức danh nghề nghiệp thì đâu là tiêu chuẩn đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp, từ đó mới xây dựng hệ thống bồi dưỡng theo quy định.

Ông Nguyễn Tư Long cho biết, Bộ Nội vụ không khẳng định được có nhiều hay ít ý kiến đề nghị bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên. Theo ông, để kết luận có cần thiết phải làm việc này hay không thì phải lấy ý kiến rộng rãi của những người trực tiếp chịu tác động. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì phải rà soát lại và có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ chứng chỉ cũng như lý do của việc bỏ hay giữ lại chứng chỉ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rà soát điều kiện bắt buộc của các loại chứng chỉ, tránh lãng phí