Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bài 5: Đột phá trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

27/10/2018 08:28

3 năm qua, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá cả về số lượng lẫn chất lượng.


Phòng dạy tiếng Anh của Trường Tiểu học thị trấn Gia Lộc được đầu tư thiết bị hiện đại, bảo đảm tốt yêu cầu dạy học

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và tiếp tục triển khai Đề án "Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học giai đoạn 2015 - 2020", việc xây dựng trường chuẩn quốc gia (TCQG) đã có bước đột phá cả về số lượng lẫn chất lượng.

Số lượng tăng nhanh

Hiện nay, thị xã Chí Linh có cơ sở vật chất trường lớp của các bậc học khang trang gần như nhất tỉnh. Các trường cơ bản có đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng làm việc, sân chơi, bãi tập, các công trình phụ trợ khác theo chuẩn. Số lượng TCQG của địa phương cũng cao nhất tỉnh. Năm 2016, thị xã Chí Linh mới có 44 trong tổng số 64 trường công lập đạt TCQG (chiếm 68,8%), thì đến tháng 8.2018, thị xã đã có 63 trong tổng số 65 trường đạt chuẩn (chiếm 96,9%), tăng 19 trường so với năm 2016. Tất cả các trường tiểu học trong thị xã đều đạt chuẩn quốc gia. Để có kết quả trên, thị xã đã bố trí khoảng 110 tỷ đồng để các trường hoàn thiện cơ sở vật chất; mở rộng khuôn viên ở những trường thiếu diện tích theo chuẩn.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 85% số trường đạt chuẩn quốc gia, những năm qua, huyện Kinh Môn đã dành sự quan tâm thỏa đáng cho nhiệm vụ này. Các nhà trường đã nhận được hàng trăm tỷ đồng đầu tư từ các cấp ngân sách và sự chung tay góp sức của nhân dân. Hiện nay, toàn huyện có 63 trong tổng số 83 trường đạt chuẩn (chiếm 75,9%).

3 năm qua, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, các nhà trường nhận được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của các cấp, các ngành để xây mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học. Hằng năm, tỉnh dành nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho các trường xây dựng TCQG với số tiền hơn 89 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Đặc biệt, tỉnh nâng mức hỗ trợ kinh phí xây dựng TCQG từ 500 triệu đồng lên 3 tỷ đồng/trường. Đây là nguồn lực mạnh thúc đẩy các địa phương, nhà trường quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng TCQG.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm 2016, toàn tỉnh có 519 trường đạt chuẩn thì đến tháng 10.2018 có 660 trường đạt chuẩn, tăng 141 trường, gồm: 178 trường mầm non (chiếm 53,8%), 263 trường tiểu học (chiếm 93,3%), 192 trường THCS (chiếm 70,3%), 27trường THPT (chiếm 50%). 100% số trường ở bậc tiểu học của các huyện Bình Giang, Kinh Môn và thị xã Chí Linh đạt chuẩn; bậc mầm non có 8 trường, tiểu học có 58 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Số TCQG của bậc mầm non và THCS đã vượt kế hoạch của tỉnh đề ra trong giai đoạn 2015 - 2020 (chỉ tiêu đến năm2020, mầm non có 52%, THCS có 55% số trường đạt TCQG).

Chất lượng cải thiện

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm yêu cầu, thời gian qua, ngành GDĐT của tỉnh, nhất là các nhà trường đã chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng của TCQG. Các nhà trường xác định việc đạt chuẩn đã khó nhưng việc giữ chuẩn còn khó hơn. Bà Vũ Thị Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Quyền (Bình Giang) khẳng định: "Trường đạt chuẩn mức độ II từ năm 2011. Với quan điểm không hài lòng, tự mãn, thời gian qua, nhà trường luôn cố gắng sử dụng, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất. Đồng thời, tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên; đổi mới phương pháp dạy học, quan tâm giáo dục toàn diện, nền nếp, ý thức cho học sinh".

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ để từng bước đáp ứng yêu cầu mới. Ngành GDĐT thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn theo chuẩn. Bà Mạc Thị Huyền, Trưởng Phòng GDĐT huyện Kinh Môn cho biết: "Phòng tập trung chỉ đạo các trường chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho giáo viên. Tổ, nhóm của các trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp, thực hiện các chuyên đề, hội học, hội giảng, giao lưu để cùng bàn bạc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng môn học, tiết dạy". Hết năm học 2017 - 2018, tất cả cán bộ, giáo viên của tỉnh đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ trên chuẩn ngày càng cao, bậc mầm non có 76,8%, tiểu học có 99,4%, THCS 81,5% và THPT 16,6%.

Cùng với xây dựng cơ sở vật chất, ngành GDĐT tích cực đổi mới cơ chế quản lý trường học, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ quản lý ở các cơ quan, cơ sở GDĐT. Người đứng đầu đã từng bước phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, các cơ sở giáo dục đã quan tâm đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều nhà trường triển khai, áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến của thế giới; đề cao việc phát huy tính chủ động, tích cực, phát triển tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học. Hoạt động dạy học tích hợp, theo chủ đề, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được ưu tiên. Công tác kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Các nhà trường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và dạy học.     

Kết quả xây dựng TCQG đã góp phần giúp chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của tỉnh ta những năm qua luôn trong tốp đầu toàn quốc.

DANH TRUNG

--------------------
Kỳ sau: Từng bước tinh gọn bộ máy

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bài 5: Đột phá trong xây dựng trường chuẩn quốc gia