Nhiều trường khó tìm giáo viên

21/02/2019 12:03

Chế độ, chính sách đối với giáo viên hợp đồng bấp bênh, tiền công chi trả thấp... khiến nhiều giáo viên bỏ nghề. Nhiều trường thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học...


Trường Mầm non Minh Đức A (Tứ Kỳ) hiện rất khó giữ chân giáo viên

Hiện nay, không ít sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng nhiều trường rất cần người giảng dạy lại khó thu hút, nhất là ở những cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

Không muốn đi dạy

Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Trùng Khánh (Gia Lộc) luôn thiếu giáo viên đứng lớp. Mỗi năm học, Ban giám hiệu nhà trường rất vất vả tìm kiếm giáo viên. Nguyên nhân do một số giáo viên công tác tại trường khi vững vàng về chuyên môn lại chuyển đi nơi khác và năm học 2018 - 2019 trường tăng 1lớp so với năm học trước. Hiện trường có 11 lớp nhưng chỉ có 10 giáo viên văn hóa làm công tác chủ nhiệm 10 lớp, còn 1 lớp phải thuê giáo viên theo hình thức trả theo tiết để giảng dạy và làm chủ nhiệm. Ngoài ra, trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh nên không thể dạy hết các khối lớp, nhưng muốn tìm thêm 1 giáo viên nữa cũng khó. Nhà trường thuê 1 giáo viên ở trường khác về dạy nhưng bởi nhiều lý do nên giáo viên này dạy không ổn định. Cô giáo Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trùng Khánh cho biết: "Theo quy định, nếu trường thiếu giáo viên thì thuê giáo viên trường khác hoặc đã về hưu, chứ không được ký hợp đồng lao động mới. Trong khi đó, số lượng người làm việc của trường chưa vượt định mức được giao. Hiện nay, do nhiều trường thiếu giáo viên nên khó thuê, còn giáo viên đã về hưu không muốn đi dạy".

Cũng như Trường Tiểu học Trùng Khánh, hiện nay, theo nhu cầu thực tế, Trường Tiểu học Cổ Dũng (Kim Thành) cần 7 giáo viên dạy văn hóa và các môn tiếng Anh, tin học, thể dục. Mặc dù nhu cầu cần người như vậy, nhưng nhiều tháng nay nhà trường không tìm được ai. Ban giám hiệu nhà trường đã mời 3 giáo viên cả về hưu lẫn đang làm việc tại doanh nghiệp nhưng đều bị từ chối.

Trước thềm năm học 2018  - 2019, nhiều giáo viên bỏ nghề do quyết định chính sách đối với lao động hợp đồng của tỉnh chưa kịp thời; trong khi các trường không được ký hợp đồng mới nên thiếu giáo viên trầm trọng. Theo đại diện Trường Tiểu học Minh Đức A (Tứ Kỳ), học kỳ I vừa qua, trường có 4 giáo viên xin nghỉ. Hết năm học này sẽ có 2 giáo viên nữa bỏ trường. Hiện trường có 14 nhóm lớp với 23giáo viên. Để bảo đảm điều kiện dạy học, thời gian qua, trường mời những giáo viên đã nghỉ hưu và giáo viên mới nhưng không ai đồng ý dạy.


Chỉ khi các trường bảo đảm đội ngũ giáo viên mới có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh

Sẽ tổ chức thi tuyển viên chức

Các trường khó thu hút giáo viên do nhiều nguyên nhân. Những năm qua, chế độ, chính sách đối với giáo viên hợp đồng (GVHĐ) bấp bênh. Chính sách thiếu cụ thể, rõ ràng, khiến giáo viên không biết năm nay được ký hợp đồng nhưng sang năm có còn được duy trì hay không. Ngoài ra, tiền công chi trả thấp, không bảo đảm cuộc sống. Theo quy định của tỉnh, năm học 2018-2019, các trường được khoán mức kinh phí thanh toán tiền công giảng dạy của GVHĐ gồm: giáo viên mầm non 24.700 đồng/giờ, giáo viên tiểu học 43.000 đồng/tiết, giáo viên THCS 55.000 đồng/tiết và giáo viên THPT 68.000 đồng/tiết. Ngoài ra, GVHĐ hầu như không được hưởng phụ cấp đứng lớp, không được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi trừ các khoản, thu nhập của GVHĐ chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đa số giáo viên chỉ được ký hợp đồng theo năm học, còn 3 tháng hè không có lương. Do đó, nhiều GVHĐ đã công tác trên dưới 10 năm vẫn bỏ nghề và không muốn quay lại. Chưa kể, nhiều lãnh đạo địa phương chưa thật sự quan tâm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thiếu đội ngũ giáo viên cho nhà trường.

Cô giáo Phạm Thị Thảo, Trường Mầm non Minh Đức A chia sẻ: "Tôi vào làm hợp đồng ở trường được 8 năm. Chưa bao giờ chúng tôi thấy bất ổn như hiện nay. Công việc bấp bênh, thu nhập thấp và phải chịu sức ép rất nhiều trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Hết năm học này, tôi sẽ xin nghỉ để đi làm ở doanh nghiệp gần nhà có lương khá tốt, nhất là yên tâm không phải đến mỗi năm học lại thấp thỏm chờ đợi".

Do thiếu giáo viên nên các trường gặp nhiều khó khăn trong quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng giảng dạy. Ban giám hiệu nhiều trường học phải thực hiện việc giảng dạy vượt quá quy định. Do học kỳ I có 2 giáo viên văn hóa xin nghỉ nên từ tháng 1.2019, thầy Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Kỳ (Tứ Kỳ) phải làm công tác chủ nhiệm lớp. Cán bộ quản lý phải giảng dạy quá nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành. Các giáo viên cũng đều phải dạy vượt định mức rất nhiều dẫn đến quá tải. "Do trường thiếu giáo viên văn hóa nên tôi dù tuổi đã cao (51 tuổi) vẫn được phân công làm công tác chủ nhiệm. Hiện nay, mỗi tuần tôi dạy vượt định mức 5 tiết. Do công việc bận rộn nên thời gian qua, tôi khá mệt mỏi và ít có thời gian chăm sóc gia đình", cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh, Trường Tiểu học Cổ Dũng cho biết.

Cũng do thiếu giáo viên, nhiều trường phải dồn, ghép các nhóm, lớp dẫn đến số trẻ, học sinh trong lớp quá đông. Nhiều trường mầm non hiện có 35 - 37 trẻ/lớp mẫu giáo. Ở bậc mầm non, thiếu giáo viên đứng lớp rất nguy hiểm vì ở độ tuổi này trẻ cần được quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, lo việc ăn, ngủ, bảo đảm an toàn. 

Để nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên yên tâm công tác, hầu hết các trường đều mong rằng, thời gian tới tỉnh cần có cơ chế, chính sách hợp lý, nhất là về đội ngũ phù hợp với tình hình thực tế. Theo ông Đỗ Duy Hưng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo), năm 2019, tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển viên chức đối với các bậc học. Sở vừa có công văn đề nghị các trường xây dựng kế hoạch tuyển viên chức năm 2019 và dự kiến biên chế đến năm 2021. Đây sẽ là giải pháp quan trọng giúp các trường ổn định đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục, chủ động chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều trường khó tìm giáo viên