Nhiều trường đại học tăng học phí từ năm 2021: Có đáng đồng tiền bát gạo?

14/04/2021 07:07

Bên cạnh các trường giữ nguyên mức học phí như năm trước, một số trường sẽ tăng học phí theo lộ trình bắt đầu từ năm 2021.


Nhiều phụ huynh tìm hiểu mức học phí của các trường đại học tại ngày hội tuyển sinh năm 2021

Lộ trình tăng học phí không quá 10%

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Hà Nội cho biết, tổng mức học phí trong 4 năm (tính từ 2017 đến nay) của các chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ là 73 triệu đồng; các chuyên ngành dạy bằng tiếng Anh là 83,5 triệu đồng.

Trường cam kết giữ nguyên mức học phí trong 4 năm kể từ khi sinh viên bắt đầu vào trường cho tới khi tốt nghiệp.

Sang năm 2021, mức học phí của trường có sự điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ nhưng không quá 10%.

Cụ thể, với các chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ có mức học phí 80 triệu đồng/4 năm; học phí các chuyên ngành giảng dạy bằng ngoại ngữ khoảng 90 triệu đồng/4 năm.

Lý giải về việc tăng học phí này, TS Cúc Phương đưa ra hai lý do.

Thứ nhất, từ năm học 2017 - 2018 đến nay, trường vẫn giữ nguyên mức học phí như nêu trên. Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, trường sẽ phải tăng học phí theo đúng lộ trình.

Thứ hai, mức tăng học phí không quá 10% để bù cho hiện tượng trượt giá và trang trải dần chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu mà trường đã đầu tư từ trước.

Trường ĐH Hà Nội là trường công lập tự chủ 100% kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên. Học phí đang chiếm khoảng 60% tổng thu nên nhà trường phải lấy các khoản thu khác để bù vào những chi tiêu của trường, trong đó có đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị...

Do đó, trường đưa ra lộ trình tăng dần học phí giúp sinh viên có được các điều kiện học tập tốt hơn. Hiện tại, 100% phòng học đều được lắp đặt điều hòa nhiệt độ; 70% được trang bị máy chiếu.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra mức học phí năm 2021 dự kiến như sau:

Chương trình đào tạo chuẩn từ 22 - 28 triệu đồng/năm; các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến và chất lượng cao (ELiTECH) từ 40 - 45 triệu đồng/năm.

Các chương trình như: khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); công nghệ thông tin Việt Pháp (IT-EP, IT-EPx); logistic và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x) đều có học phí từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, học phí của chương trình tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế từ 45 - 50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế từ 55 - 65 triệu đồng/năm; chương trình hợp tác đào tạo với ĐH Troy khoảng 80 triệu đồng/3 kỳ/năm.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, theo lộ trình tăng học phí từ năm 2020 đến 2025, mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng Ban Quản lý Đào tạo, Học viện Tài chính cũng thông tin, nhà trường đã đưa ra mức học phí dự kiến năm học 2021 - 2022 với chương trình chuẩn là 15 triệu đồng/năm học, tương đương 60 triệu đồng/khóa 4 năm.

Từ năm học 2022- 2023, học phí sẽ được điều chỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước nhưng không vượt quá 10%/năm học.

Học phí chương trình chất lượng cao là 45 triệu đồng/năm học, tương đương 180 triệu đồng/khóa học.

Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng đại học giữa Học viện Tài chính với trường ĐH Greenwich (Vương quốc Anh), học phí không thay đổi trong suốt 4 năm học như sau:

Học 4 năm trong nước là 70 triệu đồng/năm, tương đương 280 triệu đồng/khóa.

Học 3 năm trong nước + 1 năm tại trường ĐH Greenwich là: 70 triệu đồng/năm (cho 3 năm học trong nước) + 470 triệu đồng/năm (cho 1 năm học tại trường ĐH Greenwich) = 680 triệu đồng/khóa học 4 năm.

Học phí chương trình liên kết đào tạo ĐH Toulon cấp bằng học trong 3 năm được quy định:

Chuyên ngành bảo hiểm - ngân hàng - tài chính là 156 triệu đồng (mức học phí bình quân: 52 triệu đồng/năm).

Chuyên ngành kế toán - kiểm soát - kiểm toán là 168 triệu đồng (mức học phí 2 năm đầu là 52 triệu đồng/năm, riêng năm cuối là 64 triệu đồng).

Cũng theo ông Thạch, học phí chương trình chuẩn năm 2020 ở mức 12 triệu đồng/năm đúng với tinh thần Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 86) đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư.

"Năm 2021, mức học phí dự kiến đưa ra là phù hợp với nội dung dự thảo mới thay thế Nghị định 86 đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Nếu thời gian tới Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chính thức về học phí, học viện sẽ có sự điều chỉnh phù hợp", PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch nói.

Giữ nguyên học phí chờ nghị định mới

Trong khi đó, TS Vũ Xuân Giang, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Dược Hà Nội cho hay, năm 2021 nhà trường vẫn giữ nguyên mức học phí như năm trước là 14,3 triệu đồng/năm.

Khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86, trường sẽ có sự điều chỉnh mức thu theo đúng mức thu và lộ trình thực hiện của nghị định.

Là một trong số các trường đào tạo về khối ngành về kỹ thuật, Trường ĐH Giao thông vận tải dự kiến giữ nguyên mức học phí trong năm 2021 như năm 2020.

"Trong nhiều năm qua, học phí các chương trình đào tạo của trường cơ bản không cao. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nhiều gia đình sinh viên, nhà trường quyết định chưa tăng học phí để phần nào san sẻ khó khăn với các em. Khi nào Chính phủ có hướng dẫn mới về mức thu học phí, trường sẽ thực hiện theo đúng lộ trình" - vị đại diện thông tin thêm.

Trường ĐH Phenikaa dự kiến học phí năm 2021 các ngành đào tạo từ 20 - 32 triệu đồng/năm. Riêng ngành Quản trị kinh doanh liên kết với trường ĐH Andrews (Hoa Kỳ), bằng tốt nghiệp do ĐH Andrews cấp có mức học phí cao nhất: 88 triệu đồng/năm.

So với năm trước, học phí năm 2021 trường ĐH Phenikaa không có biến động lớn. Đây là mức học phí đã được tập đoàn và nhà trường hỗ trợ giảm 20% cho sinh viên.

Chia sẻ với phóng viên, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo nhấn mạnh, các trường ĐH tăng học phí ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới đời sống của sinh viên và hình thành hai câu chuyện.

Thứ nhất, khi học phí tăng thì chất lượng giáo dục có tăng lên tương xứng, có "đáng đồng tiền bát gạo" hay không?

Thứ hai, việc tăng học phí là một cơ chế góp phần điều tiết quy mô tuyển sinh của các trường ĐH. Nếu ngành nào sinh viên vào nhập học ít thì sẽ phải giảm/giữ nguyên học phí và ngược lại.

"Dù được quyền tự chủ nhưng vấn đề quản lý tài chính ở các trường phải thực sự công khai, minh bạch. Mọi chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học, tuyển giáo viên giỏi… cần tính toán kỹ sao cho hiệu quả" - ông Vinh nhấn mạnh.
Ngày 2.10.2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Theo đó, mức học phí được tăng dần qua từng năm học trung bình 10%.

Cuối năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Chính phủ giao chủ trì cùng với một số bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86.

Trước phản ánh của dư luận khi xin ý kiến về dự thảo nghị định, để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định 86 đối với năm học 2021 - 2022 với mức học phí theo mức học phí của năm học 2020 - 2021.

Đồng thời, cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo được lùi thời gian trình ban hành nghị định sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.

Nếu đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lùi thời gian trình ban hành nghị định thay thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì hai năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022 - 2023), lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định 86 đã ban hành.

Theo Dân trí

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều trường đại học tăng học phí từ năm 2021: Có đáng đồng tiền bát gạo?