Khi "giải pháp mạnh" bị gỡ bỏ

23/05/2020 11:37

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa được công bố để lấy ý kiến là các cơ sở đại học, cao đẳng năm nay không tham gia coi thi, chấm thi.


Học sinh lớp 12-10 Trường THPT An Lạc, TP Hồ Chí Minh trong giờ học môn hóa. Ảnh: NHƯ HÙNG

Một kỳ thi nhẹ nhàng hơn đúng với mục tiêu đánh giá việc học tập ở phổ thông nhưng kết quả lại vẫn được sử dụng để xét tuyển đại học. Liệu có thể tin cậy vào kết quả thi khi "giải pháp mạnh" của các năm trước đã được gỡ bỏ?

So với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, kỳ thi năm nay đã đổi tên, giảm độ khó trong định hướng ra đề thi để phù hợp với mục đích chính là "xét tốt nghiệp THPT và đánh giá kết quả học tập của học sinh trong các nhà trường phổ thông". Và điểm khác biệt lớn nhất là các địa phương chủ trì và chịu trách nhiệm hoàn toàn trong các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi.

Không còn vai trò của trường đại học

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 quy định mỗi tỉnh tổ chức một hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng thi bao gồm lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng ban trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng, giáo viên các trường phổ thông tại địa phương.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo vừa được công bố để lấy ý kiến là các cơ sở đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay hoàn toàn "đứng ngoài", không tham gia coi thi, chấm thi. Trong khi trước đây, một trong những giải pháp mạnh để ngăn chặn tiêu cực được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng chính là việc các trường ĐH, CĐ tham gia sâu vào quá trình coi thi, chấm thi.

Sau vụ gian lận chưa từng có trong lịch sử năm 2018, nhiều kẽ hở được bộc lộ ở cả quá trình coi thi và chấm thi, đặc biệt là chấm thi trắc nghiệm. Vì thế, năm 2019, để lập lại trật tự, Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động hàng vạn cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ tham gia. Trong đó, những vị trí chủ chốt ở cả khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi đều được giao phó cho người của trường ĐH, CĐ. 

Riêng khâu chấm thi trắc nghiệm, trường ĐH không chỉ đóng vai trò điều người tham gia phối hợp mà chủ trì, chịu trách nhiệm cao nhất trong toàn bộ quy trình chấm thi.

Tại quy chế thi năm 2019, nhiều giải pháp kỹ thuật khác cũng được áp dụng như các quy trình bàn giao đề thi, bài thi, quy trình làm phách phải có biên bản, chữ ký của người chịu trách nhiệm cao nhất điểm thi, lắp camera 24/24 giờ ở khu vực bảo quản đề thi, bài thi, tổ chức cho giám thị bốc thăm để nhận vị trí coi thi... 

Nhưng giải pháp đưa người của trường ĐH tham gia kỳ thi vẫn mang lại sự tin tưởng nhất, vì bài học rút ra từ năm 2018 là dù quy trình tổ chức thi chặt chẽ đến đâu thì vẫn lệ thuộc vào yếu tố con người.

Lo lắng

"Tôi cảm thấy lo lắng với dự thảo thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo" - ông Trương Minh Đức, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh, cho biết. "Mấy hôm nay, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La đang gây bức xúc dư luận. Nhiều người tỏ ra băn khoăn về sự trong sáng, khách quan của kỳ thi THPT quốc gia. Mà khi đó, kỳ thi còn có sự giám sát của các trường ĐH. 

Nay dự thảo về thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "gạt" đi hết vai trò của trường ĐH thì sự gian lận trong thi cử sẽ "nở" ra như thế nào? Liệu nó có còn khách quan khi các địa phương được toàn quyền coi thi, chấm thi?" - ông Đức đặt câu hỏi.

Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP Hồ Chí Minh phân tích: "Tôi hiểu việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho các trường ĐH tham gia khâu coi thi, chấm thi để giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế và trong bối cảnh như hiện tại, nếu không có sự chung tay của các trường ĐH thì một số địa phương sẽ khó bảo đảm có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Nếu thi chỉ để thi cho có rồi 100% các trường đều có 100% học sinh tốt nghiệp THPT - bất kể học giỏi, dở thì theo tôi, không nên thi nữa làm gì. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên để cho các địa phương tự xét tốt nghiệp và sau đó các trường ĐH sẽ tổ chức kỳ thi đầu vào".

Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cũng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có giải pháp để bảo đảm khách quan, công bằng cho kỳ thi khi vẫn sử dụng kết quả thi để tuyển sinh vào các trường ĐH và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bày tỏ lo lắng khi đưa ra giả thuyết nếu ở Hà Nội học sinh tham gia kỳ thi nghiêm túc nhưng ở một địa phương khác lại coi thi, chấm thi lỏng lẻo thì một bộ phận thí sinh sẽ bị thiệt thòi.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Khi "giải pháp mạnh" bị gỡ bỏ