Học sinh có học lực lớp 12 xếp loại giỏi mới được xét tuyển ngành y

06/01/2019 12:04

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 diễn ra sáng nay 6.1.


Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 của báo Tuổi Trẻ sáng 6.1

Hơn 3.000 học sinh tỉnh Tây Ninh đang có mặt tại Trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm Tây Ninh tham dự buổi tư vấn đầu tiên của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Sở GDĐT Tây Ninh và Tỉnh đoàn Tây Ninh phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12

ThS Nguyễn Đức Trung, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, đã cung cấp những thông tin chung nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2019.

Ông Trung khẳng định: "Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như hai năm trước; đồng thời thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn".

Thạc sĩ Nguyễn Đức Trung, chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cung cấp những thông tin chung nhất về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2019 

Mối quan tâm lớn nhất của phần lớn thí sinh quan tâm, thắc mắc là nội dung đề thi THPT quốc gia, ông Trung cho hay đề thi năm nay bám sát chuẩn kiến thức chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp và có độ phân hóa phù hợp để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở tuyển sinh.

Về tuyển sinh đại học năm 2019, theo ThS Nguyễn Đức Trung, với cách thức xét tuyển về cơ bản không có thay đổi nhiều so với năm 2018, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội chọn được ngành nghề mình yêu thích ở các trường khác nhau trên cơ sở dựa vào kết quả thi của mình với các phương thức đăng ký xét tuyển đơn giản, thuận lợi nhất và phù hợp như: đăng ký trực tuyến, qua bưu điện hoặc phương thức nào đó do các trường quy định.

Một trong những thông tin về quy chế tuyển sinh năm 2019 sửa đổi, bổ sung dự kiến đáng chú ý nhất được Bộ GD-ĐT công bố là nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề: căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xác định ngưỡng xét tuyển. Và xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

Học sinh lắng nghe thông tin tuyển sinh mới nhất do ban tư vấn cung cấp

Thi đánh giá năng lực ra sao?

Tại phần tư vấn theo nhóm ngành khoa học xã hội - ngoại ngữ - sư phạm - luật - kinh tế…  nhiều thí sinh quan tâm đến đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh.

ThS Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh - cho biết phương thức tuyển sinh được trường thực hiện qua hai bước (bước 1: xét tuyển, bước 2: kiểm tra năng lực) với ba tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực). 

Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển theo từng ngành và từng tổ hợp.

Thí sinh làm bài kiểm tra năng lực theo hình thức trắc nghiệm trên giấy với 100 câu, trong thời gian 75 phút. Thang điểm của bài kiểm tra đánh giá năng lực: theo thang điểm 30. 

Nội dung gồm 4 nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); kiến thức về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận.

ThS Lê Văn Hiển lưu ý nhà trường không tổ chức phỏng vấn trực tiếp thí sinh. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực; và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của trường. 

"Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh", ông Hiển khẳng định.

Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết năm nay ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh và tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức này. Dự kiến sẽ dành 40% tổng chỉ tiêu của từng trường thành viên.

ThS Nguyễn Hải Trường An, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay, riêng trường này năm nay xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức tối đa 25% tổng chỉ tiêu.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Học sinh có học lực lớp 12 xếp loại giỏi mới được xét tuyển ngành y