Học phí trường quốc tế Việt Nam cao thứ 4 châu Á, "cuộc chiến ngầm" của phụ huynh

16/05/2020 10:09

"Cuộc chiến" về học phí giữa phụ huynh và một số trường quốc tế đang lộ ra một góc khuất khác, đó là những trường hợp phải bấm bụng cho con học trường quốc tế vì... không còn lựa chọn nào.


Phụ huynh đến Trường dân lập quốc tế Việt - Úc cơ sở đường 3 Tháng 2 yêu cầu đối thoại ngày 5.5. Ảnh: TR.N.

Dường như có một mặc định: con học trường quốc tế là nhà khá giả. Thực tế thì sao?

"Cho con học trường quốc tế, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều và nhiều lúc cũng rất khổ tâm", đó là chia sẻ của chị T.A., 42 tuổi (quận 7, TP Hồ Chí Minh) có con học Trường quốc tế Úc (quận 2, TP Hồ Chí Minh). 

Chị T.A. cũng là một trong số phụ huynh từng đến trường yêu cầu đối thoại về chính sách học phí trong mùa dịch.

Không còn lựa chọn nào khác

Chị T.A. kể chị lập gia đình với chồng người Hàn Quốc. Trước năm 2019, anh chị sinh sống và làm việc tại Singapore. Đứa con đầu lòng được cho học trong một trường tư thục ở Singapore. Đến năm 2019, chị cùng chồng về Việt Nam lập nghiệp, khi đó con đang học lớp 2. 

Do con không rành tiếng Việt, chị cân nhắc nhiều trường công, bán công nhưng thấy rõ con không đủ sức. "Tôi đành phải chọn trường quốc tế mặc dù từ đầu không có ý định này" - chị A. nói.

Đứa con thứ hai đến tuổi vào lớp 1, chị thêm một lần phân vân. Ngôn ngữ tốt hơn anh lớn một ít, nhưng cũng không thuộc dạng tốt do ngoài tiếng Việt của mẹ và tiếng Hàn của cha, con chị chú trọng tiếng Anh. 

Ngoài ra, nếu cho đứa lớn học trường quốc tế, đứa nhỏ học trường công chắc chắn cháu sẽ so bì, nhất là khi còn ít tuổi. "Cuối cùng, tôi cho đứa em vào chung trường với anh trai. Tôi không còn lựa chọn nào khác" - chị A. tâm sự.

Từ đó, gia đình anh chị A. tăng cường làm ăn cho hai con học trường quốc tế, một năm ngốn gần cả tỷ đồng cho cả hai. Chị A. chia sẻ mỗi lần nghe mọi người xung quanh xì xầm phụ huynh trường quốc tế giàu hay muốn bỏ tiền vào đó để cho con thành thiên tài... là chị vừa khó chịu, vừa tủi thân.

Tương tự là gia đình của chị Nguyễn Thị Kim Lý (42 tuổi), từng cho cả hai con học một trường quốc tế ở quận 2 (TP Hồ Chí Minh). Chồng chị là người Mỹ, dạy tiếng Anh ở TP Hồ Chí Minh, thu nhập hằng tháng được khoảng 40 triệu đồng. Con số này kết hợp với tiền lương hơn 18 triệu đồng của chị ở TP Hồ Chí Minh là khá ổn, nhưng vẫn chật vật khi cho hai con học trường quốc tế, tổng chi phí hơn 600 triệu đồng một năm cho cả hai.

"Con tôi không giỏi tiếng Việt nên không còn lựa chọn nào khác" - chị Lý nói và cho biết chỉ hai năm sau, gia đình quyết định sang Mỹ định cư vì con có thể học trường công, rẻ hơn nhiều so với nhiều trường quốc tế ở Việt Nam.

Đường dài thăm thẳm

Nhìn con của hai chị gái đều học trường quốc tế, đứa nào cũng hoạt bát, nhanh nhẹn, bà mẹ đơn thân H.T.T., 35 tuổi, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) hạ quyết tâm cho con học trường quốc tế. Chị T. tâm sự tiền lương mỗi tháng trừ các khoản phí cố định cho nhà cửa, sinh hoạt, chu cấp cha mẹ, đều được để dành đóng học phí cho con theo từng học phần ở Trường dân lập quốc tế Việt - Úc (VAS). "Tôi muốn con có những ngày tháng vui vẻ khi đến trường và không muốn cháu thua thiệt với anh em họ hàng" - chị T. nói.

Mọi chuyện ổn cho đến khi đại dịch COVID-19 đến. Công ty vận tải du lịch đang công tác đình trệ, chị làm việc tại nhà, lương cắt giảm 50%. Gánh nặng học phí cho con nhỏ trước mắt, chị cố tìm cách xoay xở. 

"Tôi từng đến phản đối chính sách học phí của VAS. Nhưng sau hôm đó, tôi thấm thía rằng kinh tế của tôi mà cho cháu học trường quốc tế thật nguy hiểm. Một lần trục trặc đồng lương giảm là tôi khó khăn ngay, chưa kể những rủi ro như COVID-19 sau này có thể đến bất cứ lúc nào. Tôi đang tính toán lại có nên rút hồ sơ cho con học lại trường công lập hay không vì hiện cháu chỉ mới cấp tiểu học" - chị T. nói.

Chị T. còn được thay đổi chứ nhiều phụ huynh khi cho con học trường quốc tế ở bậc trung học cơ sở là xác định phải đi cho hết một hành trình dài cho đến năm lớp 12. Đặc biệt, với các em theo học những chương trình AP, IB hay Alevel... đường đi gần như không được rẽ hướng cho đến khi ra nước ngoài du học.

Anh Trần Văn Minh, 50 tuổi, Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), từng có con theo học một trường quốc tế ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh), cho biết bậc tiểu học mọi thứ còn mới mẻ, phụ huynh dễ chuyển con sang trường công hoặc hệ song ngữ. Khi lên trung học cơ sở, các em đã quen với chương trình, nếp học, cách sinh hoạt... nên khi chuyển sang trường công chắc chắn sẽ gặp phải "sốc văn hóa".

Học phí trường quốc tế Việt Nam cao thứ 4 châu Á

Đây là kết qủa từ khảo sát năm 2019 trên 688 trường quốc tế tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ của Công ty ExpatFinder chuyên cung cấp thông tin và dịch vụ hỗ trợ di chuyển ngoại quốc. Theo đó, Việt Nam có mức học phí trung bình năm học 2018-2019 là 17.941 USD/năm (khoảng 420 triệu đồng/năm), chỉ đứng sau Trung Quốc, Singapore, Hong Kong. Mức học phí này xếp thứ 13 thế giới.

"Cuộc chiến" chưa hạ nhiệt

Ngày 14.5, gần 100 phụ huynh Trường dân lập quốc tế Việt - Úc (VAS) tiếp tục đến cơ sở đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP Hồ Chí Minh) yêu cầu đối thoại. Trước đó, những phụ huynh này đã đến VAS vào ngày 5.5 phản đối việc thu học phí.

Phản hồi với phụ huynh, lãnh đạo VAS cho rằng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng về việc giảm học phí, trong đó mầm non được giảm 100%, từ tiểu học đến trung học giảm 70% học phí trong thời gian học online. Những chi phí như ăn uống, xe đưa rước trong thời gian này sẽ được hoàn trả.

Tuy nhiên, phụ huynh vẫn chưa đồng ý khoản thu này, đồng thời phản đối thêm về lịch học, rút hồ sơ chuyển con sang trường khác... Nhưng do chưa hoàn thành nghĩa vụ học phí với trường, hồ sơ của học sinh vẫn bị trường giữ lại và chưa thể chuyển trường dù đã học trở lại.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học phí trường quốc tế Việt Nam cao thứ 4 châu Á, "cuộc chiến ngầm" của phụ huynh