Giáo dục gắn với lao động sản xuất, kinh doanh: Học sinh hứng thú

13/12/2018 08:03

Mô hình giáo dục gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều trường học đã giúp học sinh gần gũi với thiên nhiên, đời sống xã hội, năng động hơn, từ đó bước đầu có nhận thức nghề nghiệp...


Mô hình trồng tỏi của Trường THCS Hồng Phong (Nam Sách) góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh

Thời gian qua, nhiều trường học từ bậc tiểu học, THCS đến THPT thực hiện mô hình giáo dục gắn với lao động sản xuất, kinh doanh. Hoạt động giáo dục này đã có những tác dụng tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện, yêu lao động hơn.

Học sinh trồng tỏi

Mặc dù hội chợ quê được tổ chức cách đây khoảng 8 tháng, nhưng mỗi khi nhắc lại, học sinh cũng như giáo viên của Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Giàng đều nhớ rõ. Các học sinh cùng đông đảo giáo viên và phụ huynh tất bật đi mua sắm, chế biến món ăn, dựng, trang trí gian hàng... của lớp mình như một ngày hội. Hầu hết các lớp lựa chọn món ăn mang đậm chất thôn quê như chè đỗ đen, bánh cuốn, bánh đúc, bánh khoai, bánh đa nướng, thịt, hoa quả xiên, dầm... 

Thực hiện mô hình giáo dục gắn với hoạt động kinh doanh, nhiều năm nay, học sinh của Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Hải Dương) đã được trang bị những kiến thức cơ bản về kinh doanh. Để tạo hứng thú và trải nghiệm thực tế cho học sinh, nhà trường mời một số doanh nhân thành đạt về nói chuyện với những nội dung như phẩm chất của người lãnh đạo, cách lựa chọn mặt hàng, lĩnh vực, địa điểm, bí quyết kinh doanh thành công... Ngoài ra, trường tổ chức hội chợ để học sinh áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế.

Bên cạnh những trường thực hiện mô hình kinh doanh còn có nhiều trường triển khai gắn với lao động sản xuất. Phần lớn các trường chọn loại hình sản xuất thân thuộc, đặc trưng của địa phương. Trường THCS Hồng Phong (Nam Sách) tổ chức trồng tỏi, nấm; Trường THPT Ninh Giang trồng gừng; Trường THPT Thanh Hà trồng, chăm sóc vải; Trường THPT Nam Sách tìm hiểu, làm thử gốm... 

Từ năm học 2014 - 2015, Trường THCS Hồng Phong bắt đầu áp dụng mô hình giáo dục gắn với trồng nấm. 3 năm học gần đây, trường chuyển sang trồng tỏi. Khi chúng tôi về trường vào đầu tháng 12, khu vực trồng tỏi rộng gần 100 m2 của học sinh đang phát triển khá tốt. Toàn bộ học sinh của 2 lớp 8 trồng, chăm sóc tỏi. Để có diện tích trồng tỏi, nhà trường cải tạo khu vực sân trường, mua đất phù sa san nền làm luống. Khu đất được chia đều cho 2 lớp để cùng thi đua sản xuất. Mỗi vụ, nhà trường đầu tư toàn bộ giống, phân bón cho các lớp. Học sinh thực hiện các khâu từ làm đất, lên luống, trồng, bón phân, tưới nước, thu hoạch, sơ chế và bán. Các em được trang bị các kiến thức, kỹ năng về trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản tỏi. 


Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Hải Dương) tổ chức hội chợ, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia

Học sinh năng động hơn

Những năm qua, mô hình giáo dục gắn với lao động sản xuất, kinh doanh có tác dụng tích cực đối với học sinh và cả giáo viên. Qua việc cho học sinh trồng nấm, tỏi, Ban Giám hiệu Trường THCS Hồng Phong nhận thấy sự thay đổi rõ nhất ở các em là tinh thần yêu lao động. Học sinh hào hứng làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế... tỏi. Lúc bán tỏi, sau khi trừ tiền vốn, các em thích thú vì số lợi nhuận thu được. Các em nâng niu những đồng tiền chính đáng do mình làm ra, thể hiện sự trân trọng công sức lao động.

Theo lãnh đạo nhiều trường THCS, THPT, nhất là những trường ở đô thị, qua việc tổ chức các hoạt động có tính chất kinh doanh như hội chợ, học sinh biết tính toán, cân nhắc cách làm, bán sản phẩm, tính lỗ lãi, mời chào, mặc cả... Do đó, học sinh mạnh dạn, tự tin, năng động hơn nhiều. Em Trần Ngô Quỳnh Anh, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Giàng cho biết: "Hội chợ vừa rồi do trường tổ chức, lớp em có bán thịt xiên, hoa quả xiên... Từ việc tham gia vào làm, chúng em đã biết đi chợ, chế biến một số món. Kỹ năng giao tiếp được nâng cao hơn".  

Từ các mô hình giáo dục gắn với lao động sản xuất, kinh doanh, học sinh ở hệ THPT được tìm hiểu, làm quen với nhiều ngành nghề, từ đó có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Thầy giáo Hoàng Văn Hai, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Hà đánh giá: "4 năm nay, trung tâm phối hợp với Trường THPT Thanh Hà cho học sinh tìm hiểu, chăm sóc vải thiều và dạy nghề cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên gắn với trải nghiệm làm nghề may, điện nước dân dụng. Qua đây, các em được trực tiếp làm sản phẩm, giúp hiểu hơn về công việc, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống. Từ đó, có thêm hiểu biết để sau này lựa chọn nghề nghiệp hợp lý hơn". 

Qua nhiều năm thực hiện, các trường đều đánh giá mô hình giáo dục gắn với lao động sản xuất, kinh doanh mang lại nhiều lợi ích và mong muốn các địa phương, ngành giáo dục và đào tạo khuyến khích các trường phát triển mô hình này.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Giáo dục gắn với lao động sản xuất, kinh doanh: Học sinh hứng thú