Giải tỏa băn khoăn triển khai sách giáo khoa mới

16/05/2021 08:35

Các đơn vị, nhà trường sẽ cân nhắc lựa chọn thế nào khi một môn có nhiều đầu sách của các nhà xuất bản?

Trẻ học xong lớp 1 cần đạt kiến thức và kỹ năng cơ bản, đọc thông, viết thạo.
Trẻ học xong lớp 1 cần đạt kiến thức và kỹ năng cơ bản, đọc thông, viết thạo.

Băn khoăn mỗi năm một bộ sách

Có con chuẩn bị vào lớp 2, chị Tuyết Anh (quận Tây Hồ) bày tỏ: Năm vừa rồi, con tôi học sách "Cánh diều" môn Tiếng Việt, nhưng mới đây đọc thông báo thấy thành phố không chọn bộ sách đó nữa mà chuyển sang bộ sách của nhà xuất bản khác. Tôi rất băn khoăn vì hiện giờ chưa có sách, chưa đọc được nội dung sách như thế nào. Các cháu đang học bộ sách này lên lớp 2 lại học bộ sách khác liệu có ảnh hưởng đến mạch tiếp thu kiến thức? Việc hai bộ sách khác nhau có liên thông kiến thức với nhau không?

Cũng như vậy, anh Nguyễn Văn Cường (huyện Ba Vì) chia sẻ: Nếu như mỗi năm học lại chọn một bộ sách mới liệu có làm mất đi tính ổn định, đồng nhất cho việc tiếp cận kiến thức của học sinh. Được biết, việc lựa chọn sách giáo khoa mới được các nhà trường lựa chọn rất kỹ lưỡng, nhưng sau đó lại không chọn để dạy tiếp cho năm sau, điều này có gây nên sự lãng phí không cần thiết?

“Đồng hành cùng con trong bắt nhịp với Chương trình, sách giáo khoa mới, chúng tôi chỉ mong dù là sách nào được chọn, mới hay cũ cũng trên nền kiến thức cơ bản, phù hợp, bớt áp lực cho học sinh. Có như vậy, các con mới có nhiều thời gian để vui chơi, trải nghiệm, không phải đi học thêm”, anh Nguyễn Văn Cường đề nghị.

Thực tế, ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chính thức danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đưa vào dạy học trong năm học tới, nhiều phụ huynh học sinh có chung băn khoăn như trên. Mối lo chung là liệu có sự thống nhất trong việc tiếp thu kiến thức, nội dung học của học sinh khi chuyển từ sách này sang sách khác. Liệu có xảy ra tình trạng sách giáo khoa cũ dạy một đằng, sách giáo khoa mới lại rèn theo một nẻo?

Cô Trần Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Năm học 2020 -2021, nhà trường chọn bộ Cánh diều. Tuy nhiên, sách giáo khoa lớp 2 được chọn năm nay không có sách này nên nhà trường sẽ cân nhắc lựa chọn lại sách lớp 1 để phù hợp với điều kiện dạy học.

Theo cô Lan, việc chuyển học từ sách này sang sách khác sẽ không xáo trộn với học sinh, vì Chương trình GDPT mới có thay đổi căn bản là dạy học theo chương trình chứ không theo sách giáo khoa như trước đây. Chương trình mới đặt ra yêu cầu cần đạt cho từng lớp học, trong đó với lớp 1 là đọc thông, viết thạo và có một số kỹ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi. Có được kiến thức và kỹ năng cơ bản này, khi lên lớp 2, các em sẽ liên thông nội dung học theo phương pháp đổi mới, bám sát yêu cầu cần đạt của giáo viên.

Ông Hoàng Mạnh Cường - Quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nhận định: Về cơ bản các bộ sách không khác nhau nhiều, vì có điểm chung trong các chủ đề dạy học. Bởi vậy, việc thay đổi sách giáo khoa sẽ không ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh. Ngữ liệu giáo viên dạy học không nhất thiết sử dụng trong chính cuốn sách đang sử dụng mà có thể tham khảo từ nhiều bộ sách, quan trọng là giáo viên linh hoạt dạy theo chương trình và phương pháp dạy học đổi mới…

Trước băn khoăn, giáo viên sẽ phải mất thêm thời gian, công sức soạn lại giáo án mới khi tiếp nhận dạy bộ sách giáo khoa mới, ông Hoàng Mạnh Cường cho rằng: Giáo viên sẽ không gặp khó khăn trong việc này vì các bộ sách mới đều có hỗ trợ phần mềm soạn bài. Hơn nữa, theo qui định, trước mỗi tiết dạy giáo viên đều phải soạn bài đầy đủ, bảo đảm chất lượng. Trong thời gian tới, phòng Giáo dục huyện sẽ tập trung tập huấn Chương trình, sách giáo khoa mới cho cán bộ quản lý, giáo viên lớp 2, lớp 6, chứ không tập huấn lại giáo viên lớp 1 nữa.


Giờ học đổi mới, sáng tạo của cô, trò lớp 1 Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình)

Thêm cơ hội lựa chọn

Trên cơ sở danh mục sách giáo khoa được phê duyệt, các nhà trường chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp để tổ chức giảng dạy từ năm học 2021 - 2022.

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay: Với sách giáo khoa lớp 1, các trường chủ động lựa chọn, có thể sử dụng các bộ sách đã chọn nếu thấy phù hợp. Còn với lớp 2, các trường phải họp để thống nhất lựa chọn sách nào khi một số môn có 2 - 3 đầu sách.

Sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được Hà Nội chọn lựa từ nhiều nhà xuất bản với tiêu chí phù hợp nhất với học sinh trên địa bàn. Cô Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) trao đổi: Sau khi chọn xong các sách giáo khoa chính thức cho lớp 2, nhà trường sẽ tuyên truyền để phụ huynh hiểu được mục tiêu của Chương trình giáo dục mới, không lo lắng, bất an trước việc trẻ học theo bộ sách khác. Nhà trường, giáo viên mong muốn được tiếp cận sớm sách giáo khoa mới để triển khai hiệu quả như với lớp 1.

Cũng như vậy, cô Vũ Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Yên (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Sớm có sách giáo khoa sẽ giúp nhà trường và giáo viên có thời gian xây dựng kế hoạch nhà trường và kế hoạch giáo dục cá nhân để không bị lúng túng khi bước vào năm học mới.

Theo Giáo dục và Thời đại

(0) Bình luận
Giải tỏa băn khoăn triển khai sách giáo khoa mới