Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2019: Bảo quản chặt đề thi, bài thi

11/02/2019 11:04

Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2019 đang được Bộ GD-ĐT công khai để nhận góp ý đến hết ngày 31.3.2019.

Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2019: Bảo quản chặt đề thi, bài thi - Ảnh 1.

Ban tư vấn Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho học sinh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cụ thể là các giải pháp:

1. Không bố trí thí sinh tự do, thí sinh GDTX thi riêng

Dự thảo quy định thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên (GDTX) được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với thí sinh THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Tại các điểm thi này, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi sẽ không phân biệt thí sinh tự do, GDTX hay học sinh phổ thông 12. Đây là điểm mới nhằm tránh việc cố ý thực hiện hành vi tiêu cực trong khâu coi thi.

Bộ GD-ĐT cũng dự kiến bổ sung điều khoản người tham gia ban thư ký hội đồng thi không được tham gia ban làm phách, ban chấm thi tự luận, ban chấm phúc khảo bài thi tự luận.

2. Camera theo dõi toàn bộ quy trình sử dụng và bảo quản đề/bài thi

Theo dự thảo, phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa và thanh tra. 

Chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi do một cán bộ thư ký làm nhiệm vụ tại ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ. Chìa khóa cửa phòng chứa bài thi do trưởng ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ.

Khi đóng, mở phải có sự chứng kiến của công an và thanh tra. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày.

3. Trường ĐH chịu trách nhiệm chấm trắc nghiệm

Dự thảo quy chế quy định các trường ĐH được Bộ GD-ĐT phân công chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi.

Theo đó, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH, chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi. 

Phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo các phòng, ban thuộc trường ĐH. Trong đó, phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm thường trực do lãnh đạo phòng có chức năng quản lý công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng hoặc quản lý đào tạo đảm nhiệm.

Tổ giám sát chấm thi có ít nhất 3 người. Tổ giám sát làm việc độc lập với các tổ chuyên môn khác, có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu thấy có bất thường, tổ giám sát phải báo cáo trưởng ban để tạm dừng quá trình chấm thi, đề nghị trưởng ban kiểm tra, xác minh và xử lý trước khi tiếp tục.

Người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương có người thân dự thi.

Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của bộ, phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.

Cộng điểm cho kết quả trung cấp

Cụ thể, với giấy chứng nhận nghề loại giỏi; bằng trung cấp loại xuất sắc và giỏi được cộng 2 điểm. Với giấy chứng nhận nghề loại khá, bằng trung cấp loại khá và trung bình khá được cộng 1,5 điểm; loại trung bình cộng 1 điểm.

Điểm xét công nhận tốt nghiệp là trung bình các bài thi bắt buộc và điểm ưu tiên (nếu có) để xét tốt nghiệp chiếm 70%, điểm trung bình cả năm học lớp 12 và điểm ưu tiên (nếu có) chiếm 30%. Bộ GD-ĐT quy định nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo các môn và khẳng định đề thi sẽ ra theo cấu trúc này.

Ngày 14.2, phát hành Cẩm nang tuyển sinh ĐH & CĐ 2019

cn

Cẩm nang tuyển sinh ĐH & CĐ 2019 do báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Thông Tấn liên kết ấn hành sẽ chính thức có mặt trên các sạp báo và nhà sách trên toàn quốc sáng 14.2. Giá: 20.000 đồng.

Với chủ đề "Chọn ngành nào để cạnh tranh được với máy móc?", cẩm nang còn định hướng cho các bạn trẻ nắm bắt được thông tin ngành nghề theo hướng hội nhập quốc tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với 168 trang nội dung phong phú, sắp xếp khoa học theo 10 chương, cẩm nang còn cung cấp đầy đủ thông tin mới nhất của Kỳ thi THPT quốc gia (đề thi, quy chế thi...) và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 và nhiều thông tin liên quan đến việc chuẩn bị tinh thần, sức khỏe... cho kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Nhóm tác giả thực hiện cẩm nang sẽ mang đến cho các bạn thí sinh những thông tin chính xác, trên cơ sở đó giúp các bạn có thể suy ngẫm chọn ngành, chọn trường cho mình sao cho phù hợp với năng lực, sự đam mê và yêu thích của mình. Đặc biệt, nhiều bài viết trong cẩm nang kể lại những bài học "xương máu" của các thủ khoa; chuyện vào đời, chọn nghề của nghệ sĩ được giới trẻ yêu thích như Vũ Cát Tường, Nguyễn Trần Trung Quân, Hoa hậu Việt Nam Trần Tiểu Vy... đều được "bật mí" gần gũi và sinh động.

Chuẩn bị cho tương lai, cẩm nang còn mô tả khái quát cuộc sống tự lập, xa nhà sau thời phổ thông, cơ hội làm thêm... Để trở nên nổi bật, sinh viên cần hoàn thiện kỹ năng tiếng Anh, giao tiếp như thế nào trước khi vác đơn xin việc gõ cửa doanh nghiệp? Nếu bạn có dự định du học, cánh cửa nào phù hợp với điều kiện kinh tế, sở thích và sức học bản thân? Những 9X đời đầu đã tìm cơ hội thực tập, giao lưu văn hóa - học thuật miễn phí ra sao, săn học bổng du học như thế nào?

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2019: Bảo quản chặt đề thi, bài thi