Du học sinh và nguy cơ đánh mất mình

10/11/2019 08:08

Áp lực về tiền bạc, về hòa nhập văn hóa... là vấn đề mà tất cả các du học sinh phải đối mặt. Cuộc sống du học không chỉ toàn màu hồng như nhiều ảo tưởng.


Du học sinh làm thêm để trang trải việc học

Có học bổng vẫn phải đi làm thêm

Vừa qua, Nguyễn Hà An, cựu sinh viên Trường Đại học (ĐH) Sorbonne, Pháp đưa ra chủ đề “Đừng níu bước chân của người đi sau” đã thu hút cả ngàn người trong cộng đồng Pháp ngữ tham gia và làm dấy lên rất nhiều tranh luận. Theo An, việc một số du học sinh vi phạm pháp luật, gian dối về hồ sơ, bỏ học, ăn cắp… đã khiến cho một số nước châu Âu khó khăn hơn nhiều trong tiếp nhận hồ sơ du học của học sinh Việt Nam.

Áp lực tiền bạc có thể khiến ta đánh mất mình là phần trao đổi gây sốc nhất với nhiều người, nhất là những người đang chuẩn bị đi du học.

Nguyễn Thị Huyền Trang (Trường ĐH Laval- Canada) cho biết: “Tôi có học bổng du học, và theo như thông tin tìm hiểu được thì hầu như rất ít phải chi trả thêm. Thế nhưng, sự thật không phải như vậy. Để giảm áp lực cho gia đình, tôi phải đi làm thêm, có những giai đoạn làm nhiều đến tối tăm mặt mũi vì các khoản chi tăng thêm. Làm thêm nhiều thì thời gian học ít, nhiều tiết lên lớp chỉ ngủ gật. Tôi phải học lại một năm, tự bỏ tiền, năm ấy trầm cảm suýt chết.”

Đinh Văn Tiến (Trường ĐH Toulouse – Pháp): “Ngoài được miễn học phí thì tôi sang Pháp gần như trong tình trạng “tay không bắt giặc”. Đến nơi tôi nhờ các đàn anh tìm việc ngay nhưng người Pháp không nhận vì tiếng của tôi còn chưa sõi. Tôi phải làm cho ba cửa hàng của người Việt và trong tình trạng làm chui vì luật Pháp quy định sinh viên chỉ có thể làm thêm tối đa 20h một tuần, trung bình mỗi ngày gần 3 tiếng. Sau một năm đầu tôi gần như không học được gì, cuộc sống lúc nào cũng trong tình trạng sắp bị bắt (vì làm chui). Lúc đó chứng kiến một du học sinh bị trục xuất vì tội ăn cắp, tôi mới quyết định nhờ gia đình thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng để giảm áp lực làm thêm. Ra trường hai năm tôi mới trả hết nợ.”  

Câu chuyện “có học bổng vẫn không đủ” được nhà văn Trầm Hương (tác giả tiểu thuyết “Người đẹp Tây Đô”) khẳng định là có thật. Chị Hương có một con gái hiện đang du học tại Mỹ, và mặc dù có học bổng, mỗi năm gia đình vẫn phải chu cấp thêm chừng 20.000usd.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương (từng hai lần làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản) cũng chia sẻ: trong thời gian ở Nhật, có một năm anh phải tự túc học phí và sinh hoạt vì kéo dài thời gian học tiếng. Khi đó, Nguyễn Quốc Vương làm bốc vác từ 9h tối đến 9h sáng hôm sau, làm công nhân ở nhà máy mì tôm, nhà máy cơm hộp, nhân viên văn phòng trực điện thoại v.v…để kiếm tiền. Không lần nào gọi điện về nhà anh dám nói thật vì sợ bố mẹ lo lắng.

Dịch giả này cũng cho biết, rất nhiều du học sinh người Việt tại Nhật vì không chịu được áp lực kinh tế mà trở thành tội phạm. Trong nhiều siêu thị ở Nhật có biển cảnh báo tội phạm bằng tiếng Việt.

“Các nước tư bản không phải tổ chức từ thiện”

“Hiện nay có rất nhiều trung tâm tư vấn du học quảng cáo rằng họ có những chế độ vừa học vừa làm, chỉ trong vòng 1 năm là có thể hòa vốn, năm thứ 2 là có tích lũy và sau ba năm thì có bằng đẹp với tương lai rộng mở. Đừng quên, các nước tư bản không phải tổ chức từ thiện. Trước khi tin những quảng cáo ấy, bạn hãy tự hỏi, trình độ bản thân đến đâu, có bản lĩnh nghề nghiệp gì để một công ty tư bản trả cho bạn số tiền lương đủ để sống “an nhiên” tại nước họ. Ngay ở những nước này cũng còn cả hàng dài người thất nghiệp và vô gia cư”.  Câu chuyện của Nguyễn Hà An khiến nhiều khán giả sắp đi du học “như bị giáng búa tạ vào đầu”.

Trần Thị Hằng (Hải Phòng) chia sẻ, Hằng đã nghiên cứu và quyết định sẽ du học Pháp theo dạng Au Pair (vừa học vừa làm) sau khi cô tốt nghiệp trường Cao đẳng Ngoại ngữ. Tham dự talk show này mới biết, thực tế Jeune Au Pair có tính chất công việc giống Ôsin ở Việt Nam. Theo đó, các bạn gái tuổi từ 19-28 được thuê làm người trông trẻ, phụ việc nhà và sống cùng một gia đình người Pháp trong thời hạn từ 3 tháng đến 1 năm.

Thời gian này các cô được trả lương, đóng bảo hiểm và có thể gia hạn visa sau khi hết hợp đồng. Nhưng để nói sau đó họ có học được nghề nghiệp gì cụ thể không và có bằng cấp gì không thì câu trả lời là “không gì cả”! Ngay cả quảng cáo “ở cùng nhà người Pháp để học tiếng” cũng là “nói cho vui” vì chủ nhà không thực sự dạy ngôn ngữ Pháp cho bạn, và thứ bạn học được chỉ là ngôn ngữ giao tiếp của họ.

Anh Nguyễn Đức Diện (từng bảo vệ hai bằng thạc sĩ ở Pháp gồm: bằng thạc sĩ xây dựng - Ecole Nationale des Travaux Publics de l’Etat (ENTPE) và bằng thạc sĩ Kinh tế - Master commerce internationale cho hay, tại Pháp anh đã làm thêm qua gần như tất cả các công việc cho sinh viên như: phục vụ bàn tại nhà hàng, nhân viên bán hàng, trông trẻ, hướng dẫn viên du lịch, giao hàng, lễ tân, thu ngân, tiếp viên sự kiện, quảng bá sản phẩm... Nhưng anh cũng khuyên các đàn em đi sau “khi đã tìm kiếm được công việc làm thêm ưng ý, không nên tham đi làm quá, làm vừa đủ thôi vì kiếm được nhiều tiền quá sẽ chẳng có thời gian đi tiêu đâu mà tiền đó sẽ đập vào việc... đi học lại bởi nhiều trường nhiều hệ còn không cho thi lại nữa, trượt môn là học lại cả năm luôn”.

Đừng níu chân nhau

Đối với những du học sinh không có khả năng kinh tế, thì việc phải làm thêm với cường độ cao cách duy nhất để duy trì cuộc sống ở nước ngoài. Cộng với áp lực trả nợ đầu tư ban đầu, nhiều người trong số họ sa chân vào phạm tội. Nhẹ là làm thêm bất hợp pháp (vi phạm thời gian quy định), nặng là trộm cắp, cư trú bất hợp pháp, buôn bán hàng cấm v.v...

Lê Hà Thu (Trường ĐH Lucxembourg) kể: “Mình bị một siêu thị làm thêm từ chối tiếp nhận vì trước đó có hai sinh viên người Việt vừa vào đây trộm đồ. Thấy chỗ không có bảo vệ, hai người tự lấy mỹ phẩm bỏ vào ba lô. Khi ra ngoài bị máy quét phát hiện thế là bị bắt cả đôi. Mình không biết sau khi về đồn thì các bạn bị xử lý thế nào, nhưng theo một số tiền lệ thì có thể bị trục xuất. Chuyện ăn cắp và phạm luật của một số người, thế nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến những người còn lại. Mình nghĩ đó là lý do vì sao thứ hạng hộ chiếu Việt Nam nhanh chóng xuống cấp như thế.

Thông tin thêm là trong ngày 1.10, Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners vừa công bố Hộ chiếu Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 bậc của bảng xếp hạng mới nhất năm 2019. Thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc so với năm ngoái (hạng 75), nằm gần với những nước có “hộ chiếu tệ nhất”, bao gồm Triều Tiên, Somalia, Syria, Iraq, Afghanistan…

“Thực tế công dân Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn khi xin thị thực ra nước ngoài, kể cả các cán bộ nhà nước đi công tác”, một đại diện của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Người này cũng nói thêm: “Ai cũng vậy, mời khách đến nhà mà khách trộm cắp, buôn lậu, làm nhà mình xáo trộn cả lên thì rất khó chịu. Thậm chí không muốn cho loại khách này vào nhà cũng là điều có thể hiểu”.

Một giải pháp để hạn chế những “cái bẫy du học lương cao”, các du học sinh thống nhất ý kiến là: đối với những trung tâm tư vấn quảng cáo “du học không cần chứng minh tài chính” thì nên cân nhắc. Và trong lúc bạn chưa chuẩn bị được ít nhất 70% tiềm lực kinh tế thì cũng đừng vội lên kế hoạch du học bởi những áp lực về sau rất có thể sẽ khiến cho tương lai của bạn biến xám chứ không phải màu hồng.


Việc làm thêm của sinh viên được quy định là không quá 20 giờ một tuần, có mức lương trung bình 10euro/giờ

Biển báo cấm ăn cắp ở Nhật

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du học sinh và nguy cơ đánh mất mình