Chú trọng “dạy làm người”. Bài 2: Thầy cô làm gương - nhà trường đổi mới

07/09/2019 20:49

Theo các chuyên gia giáo dục, một bộ phận học sinh hiện nay còn thiếu hụt kĩ năng giao tiếp, ứng xử với thầy cô và bạn bè cho dù các em có thành tích học tập ấn tượng.

>> Bài 1: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống

Điều này đẩy học sinh tới những khó khăn, lúng túng khi xử lý tình huống trong và ngoài nhà trường. Để khắc phục vấn đề này, nhiều trường học đã, đang thay đổi phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, nhằm xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hạnh phúc. Trong đó, đội ngũ giáo viên chính là lực lượng cốt cán, bằng chính nhân cách của mình, tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách học sinh.


Người thầy không chỉ là tấm gương mẫu mực về tri thức, còn là tấm gương mẫu mực về cách hành xử, về đạo đức, nhân cách và lễ nghi

Trao yêu thương để nhận yêu thương

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) chia sẻ: Sẽ không thể có hiệu quả trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh khi dạy đạo đức bằng cách giảng giải, bởi đạo đức được hình thành qua rèn giũa và trải nghiệm.

Nhìn lại các khẩu hiệu trong mỗi nhà trường, đó là: Năm điều Bác Hồ dạy; Tiên học lễ - Hậu học văn; Thi đua dạy tốt - học tốt; Tất cả vì học sinh thân yêu; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo… và nghĩ đến 5 phẩm chất mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới (Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ, Trung thực và Trách nhiệm), cô Nhiếp cho rằng, còn một bộ phận thầy cô giáo chưa thực hiện tốt các khẩu hiệu trên.

Theo cô Nhiếp, điều đầu tiên trong “Năm điều Bác Hồ dạy” là “Yêu Tổ quốc, Yêu đồng bào”. Thế nhưng, khi nghe tiếng nhạc Quốc ca, nếu thầy cô vẫn ngang nhiên đi trên sân trường thì thật khó để dạy học sinh rằng, yêu Tổ quốc từ những hành động nhỏ : "nhất là khi nghe nhạc Quốc ca, ta dừng lại, nghiêm trang nhìn lên lá cờ Tổ quốc và hát bằng cả trái tim mình."

Thực hiện khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nhiều thầy cô đã mẫu mực từng giờ lên lớp, từng lời ăn tiếng nói, mày mò tự học, hết sáng tạo này lại sáng tạo khác để có những bài giảng hay, hấp dẫn, là tấm gương sáng cho học trò, cho đồng nghiệp noi theo. Nhưng còn không ít thầy cô lười đọc, ngại tự học, hay chê bai và bàn lùi .

Không thể có học trò đạo đức, lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống chính là việc thầy cô cần trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định: Hiện nay, nhiều giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về chức năng của người thầy – nhà giáo dục mà chủ yếu mới dừng lại ở vai trò người dạy, chưa lưu tâm thực sự đến việc “dạy làm Người” qua “dạy chữ”; chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo dục; chưa làm tròn vai trò “người của cộng đồng”.

Đề cập đến sức ảnh hưởng của giáo viên đến học sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Sự thay đổi của người lớn, đặc biệt là giáo viên và phụ huynh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm nhận của học sinh.

Trong một số nghiên cứu mà chúng tôi tiến hành, học sinh sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi cách hành xử của giáo viên làm cho các em cảm thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hiểu và cảm thấy mình có giá trị.

Học sinh sẽ cảm thấy an toàn khi thầy cô khoan dung, coi lỗi lầm của trẻ là cơ hội để học tập. Thầy cô đưa ra những thông điệp bằng lời hoặc hành động giúp học sinh hiểu rõ rằng, không ai được làm tổn thương người khác và mọi người đều có quyền được bảo vệ. Học sinh cũng cảm thấy an tâm khi thầy cô kiên định về các chuẩn mực ứng xử và xử lý các tình huống một cách nhất quán.

Cần những biện pháp kỷ luật tích cực

Người thầy không chỉ là tấm gương mẫu mực về tri thức, còn là tấm gương mẫu mực về cách hành xử, về đạo đức, nhân cách và lễ nghi. Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số địa phương liên tục xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức, giáo viên sử dụng hình phạt tiêu cực với học sinh, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh cũng như làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy, gây bức xúc trong ngành và xã hội. 

Cô Lê Thị Hồng Hoa, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Những hình thức phạt học sinh phải mang tính văn hóa, đúng chuẩn đạo đức, đúng quy định của luật, đúng vai trò của người thầy, xử phạt trên cơ sở tình thương.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: Người thầy phải khơi dậy được tính tự giác, chịu trách nhiệm của học sinh. Mỗi thầy, cô phải đổi mới nhận thức, thay đổi cách tiếp cận với học sinh để thực hiện khẩu hiệu “Thầy cô thay đổi để trò hạnh phúc”. Giáo viên cần gần gũi, lắng nghe, chia sẻ với học sinh về những khó khăn trong học tập, giúp các em vượt qua những khó khăn riêng.

Đồng thời, mỗi giáo viên cũng cần vượt qua những khó khăn của chính mình để giúp học sinh thay đổi cách sống, cách học. Thông qua đặc trưng của mỗi bộ môn, giáo viên có những liên hệ nhắc nhở học sinh về việc lựa chọn giá trị hạnh phúc trong cuộc sống. 

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cũng bày tỏ: Giáo viên hiện nay có nhiều áp lực. Song dù căng thẳng đến mấy, giáo viên cần phải biết kiềm chế, đây là kỹ năng quan trọng của giáo viên. Bất kỳ nghề nào cũng cần có cái tâm, nhất là nghề giáo. Thực tế, những căng thẳng trong nghề đều có thể kiểm soát được nếu giáo viên được đào tạo bài bản, trong quá trình học tập được học các kỹ năng kiềm chế cảm xúc, thấu hiểu tâm sinh lý trẻ.

Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục kỹ năng sống

Bà Monisha Dewan, chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực Đông Á – Thái Bình Dương chia sẻ: Các kết quả nghiên cứu về khoa học thần kinh cho thấy, sự phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ ngay ở hiện tại và tương lai.

Vì vậy, việc giáo dục tình cảm, kỹ năng xã hội cho học sinh là một trong những nhiệm vụ thiết yếu và đầy thử thách, góp phần phát triển các mối quan hệ tích cực của trẻ đối với thế giới xung quanh.

Theo bà Monisha Dewan, các nhà trường cần giáo dục cho trẻ các năng lực như: hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng sự đa dạng, bảo vệ tự nhiên, năng lực tự chủ, tích cực, năng lực giải quyết xung đột... Muốn làm được điều này, các nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh cần phải được tập huấn để có kỹ năng hình thành những năng lực này ở trẻ.

Ví dụ như, khi trẻ mầm non chơi với nhau xảy ra xung đột như giật đồ chơi của bạn, cấu bạn, đánh bạn…,giáo viên là người dẫn đường để đưa ra cho trẻ những cách ứng xử tốt đẹp hơn, giúp cho trẻ hiểu nên làm thế nào, cần làm gì, hành vi gì là phù hợp.

Từ thực tế triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại các nhà trường, nhiều giáo viên cho rằng, để làm tốt hoạt động này, mỗi nhà trường phải nhận thức sâu sắc và luôn đặt giáo dục đạo đức lên hàng đầu.

ừ đó, tiến hành đồng bộ các giải pháp như: thực hiện tốt giờ dạy Giáo dục công dân; thực hiện hiệu quả các hoạt động ngoài giờ lên lớp; nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn - Đội; chú ý tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống ở mỗi tiết dạy, mỗi môn học. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường và xã hội cùng chăm lo giáo dục học sinh.

Mỗi nhà trường cần thực hiện đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy với mục tiêu học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo; biết làm gì sau khi học, biết vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống trong cuộc sống.

Trong mỗi tiết dạy, mỗi môn học, tùy theo đặc thù bộ môn cần tích hợp các nội dung giáo dục đạo đức: tinh thần đoàn kết, hợp tác, lòng yêu quê hương đất nước - con người, tính nhân ái, lòng bao dung, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, ý thức tổ chức kỉ luật… Nhờ đó, học sinh đến trường không chỉ để học chữ mà còn để sống và hoàn thiện bản thân.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Chú trọng “dạy làm người”. Bài 2: Thầy cô làm gương - nhà trường đổi mới