Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên: Nâng cao chất lượng hoạt động sau sáp nhập

16/05/2019 10:48

Sau sáp nhập, hầu hết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên lớn mạnh hơn so với trước do gộp cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên của 2 nơi vào.


  Sau sáp nhập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Thành đẩy mạnh liên kết với nhiều trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề để mở các lớp đào tạo nghề

Từ tháng 1.2018, theo quyết định của tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề sáp nhập lại chỉ còn một trung tâm, có tên gọi thống nhất là trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Đến nay, toàn tỉnh có 12 trung tâm GDNN-GDTX ở 12 huyện, thành phố do UBND cấp huyện quản lý. 

Tuyển sinh và đào tạo tốt hơn

Theo Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo), sau khi sáp nhập, các trung tâm nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. Các đơn vị đã sắp xếp lại các tổ chuyên môn theo đúng Thông tư số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19.10.2015 giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Các trung tâm cơ bản bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên hợp lý với chuyên môn, nhiệm vụ, cơ cấu. Công tác quản lý, chỉ đạo các lĩnh vực chuyên môn giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề không có sự xáo trộn lớn. Một số trung tâm đang được địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để hoạt động tốt hơn.

Theo lãnh đạo nhiều trung tâm GDNN-GDTX thì hầu hết các trung tâm lớn mạnh hơn so với trước do gộp cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên của 2 nơi vào. "Trước đây, do địa điểm chật chội nên việc dạy nghề và học văn hóa của học sinh cùng ở một nơi, rất bất tiện. Sau sáp nhập, trung tâm bố trí địa điểm học nghề, học văn hóa ở 2 nơi tách biệt nên không còn ảnh hưởng đến nhau", ông Hoàng Văn Hai, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thanh Hà cho biết.

Để tận dụng tốt cơ sở vật chất, nhiều đơn vị tuyển sinh học văn hóa, học nghề tốt hơn, thúc đẩy hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT. Bà Tô Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kim Thành chia sẻ: "Thời gian qua, trung tâm đẩy mạnh liên kết với nhiều trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề trong và ngoài tỉnh để mở các lớp đào tạo nghề cho học viên song song với học văn hóa. Hiện nay, trung tâm có 5 lớp học nghề may, 2 lớp công nghệ thông tin, 1 lớp hàn. Thời gian tới, nếu được phê duyệt nhiệm vụ hướng nghiệp và đào tạo nghề, trung tâm sẽ mở những lớp nghề mà người dân đang có nhu cầu như chế biến món ăn, pha chế đồ uống, thêu, móc".

Thiếu cơ sở vật chất, giáo viên

Tuy nhiên sau sáp nhập, nhiều trung tâm còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành cũng như thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. "Trung tâm hiện chỉ có 3 giáo viên dạy nghề nên vẫn tập trung vào mảng giáo dục thường xuyên là chính. 7 lớp dạy nghề của trung tâm hiện phải liên kết với đơn vị khác. Trang thiết bị, đồ dùng dạy nghề còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế", Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gia Lộc Đinh Đoàn Thu Huyên nói.

Sau hơn 1 năm hợp nhất, nhiều trung tâm còn băn khoăn và lúng túng do chưa có quy định cụ thể về số lượng biên chế cho từng đơn vị và định mức giáo viên/lớp thế nào, gây khó khăn cho việc sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ giáo viên. Chế độ phụ cấp chức vụ cũng chưa thống nhất. 

Hiện nay, các trung tâm có tới 3 đơn vị quản lý trực tiếp. Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý về công tác giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý mảng dạy nghề, còn UBND huyện quản lý về công tác tổ chức, chế độ, chính sách, thi đua khen thưởng... 3 đơn vị chủ quản lại chưa có sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn nên nhiều lúc ảnh hưởng đến hoạt động của các trung tâm.

TRUNG VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên: Nâng cao chất lượng hoạt động sau sáp nhập