''Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy hết hệ quả tệ hại của gian lận thi cử 2018''

30/05/2019 15:53

Chỉ khi nào xử lý triệt để được vụ gian lận thi cử này mới lấy lại được niềm tin của người dân, tin rằng đất nước này vẫn còn có pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế, xã hội của đất nước, giáo dục vẫn bị coi là "khoảng tối". 

Ông Cương cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) cứ loay hoay với những vấn đề ít đem lại kết quả đạt được mục tiêu đề ra. Cải tiến nối tiếp cải tiến, nhưng khi chưa có kết quả gì rõ ràng thì tiêu cực, sai phạm lại nảy sinh. Nhiều cử tri phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục. Người dân không những không yên tâm mà còn mất niềm tin về giáo dục.

"Thử hỏi, nền giáo dục đi về đâu khi tiêu cực nặng nề, cộng thêm thị trường văn bản giả rất sôi động?', đại biểu Cương nói.

Dai bieu Quoc hoi: 'Bo GD&DT chua thay het he qua te hai cua gian lan thi cu 2018' hinh anh 1
 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

"Quay lại sai phạm kỳ thi 2018, dám chắc Bộ GDĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại của sai phạm đó. Nó khiến xã hội mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà", đại biểu Cương nhấn mạnh.

Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và thực hiện, Bộ không kiểm soát được tình hình. Ngay cả sai phạm khi xảy ra cũng không phải do Bộ phát hiện được, mà do một nhóm thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác, rồi Bộ mới vào cuộc.

Đáng nói hơn, khi làm rõ sai phạm, trong việc công khai danh tính phụ huynh và học sinh, bộ cũng không có chính kiến rõ ràng, lấy lý do nào là nhạy cảm, nhân văn. Nhưng xin thưa, mất mát lớn nhất của vụ việc này là mất đạo đức xã hội.

"Chỉ khi nào xử lý triệt để được vụ việc này mới lấy lại được niềm tin của người dân, để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn có pháp luật. Bộ đang rất nỗ lực để cải tiến kỳ thi 2019 nghiêm túc, ai dám bảo đảm sai phạm đó không xảy ra nữa", đại biểu Cương gay gắt.

Cùng suy nghĩ, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, câu hỏi lớn nhất mà cử tri đặt ra cho ngành giáo dục là ai chịu trách nhiệm cho những vụ gian lận thi cử rúng động cả nước năm 2018.

Không thể nói hoàn toàn là lỗi địa phương được vì nhiều nơi cùng phát hiện sai phạm. Mỗi năm một lần, Bộ thay đổi cách thức thi THPT, tốt nghiệp THPT, nhưng càng cải cách lại càng kém hơn. Ba năm vừa qua, Bộ không có biện pháp ngăn chặn, phần mềm chấm tự luận quá lỏng lẻo...

Bộ không đánh giá về kết quả thi hàng năm của các tỉnh, thành phố. Nếu phân tích kết quả, không thể không đặt câu hỏi khi nhiều tỉnh miền núi, tỷ lệ điểm khá giỏi nhiều hơn cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. 

"Nếu phúc tra cả nước, tôi tin còn phát hiện ra rất nhiều sai phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình, rất cần người chịu trách nhiệm trước nhân dân", đại biểu Hiếu nói.

Theo vị đại biểu này, phương pháp của Bộ GDĐT hiện giờ chưa đúng. Đúng làm sao được khi một lớp học gần 100% học sinh đạt loại giỏi.

"Trước mắt, chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục. Đó là một nền giáo dục không nói dối, không chấp nhận nói dối ngay từ những năm đầu tiên các con cắp sách đến trường", đại biểu Hiếu nêu quan điểm.

Theo VTC.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ''Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy hết hệ quả tệ hại của gian lận thi cử 2018''