Băn khoăn khi sáp nhập các trường lớn

19/09/2019 09:15

Thời gian qua, nhiều huyện, thành phố của tỉnh đã thực hiện và chuẩn bị sáp nhập những trường cùng cấp có quy mô lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh những bất cập, khó khăn đối với hoạt động của các trường.


Cán bộ quản lý cũng như giáo viên, phụ huynh của Trường Tiểu học Tân Trường II (Cẩm Giàng) lo lắng việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến nền nếp, chất lượng giáo dục

Trường "khủng"

Tỉnh ta có nhiều trường cùng cấp có quy mô "khủng" ở cùng địa bàn như các trường tiểu học của thị trấn Lai Cách, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), các phường Phạm Ngũ Lão, Tân Bình, Bình Hàn (TP Hải Dương), hai phường Sao Đỏ, Phả Lại (TP Chí Linh), hai trường THCS của thị trấn Minh Tân (Kinh Môn)...

Một số địa phương đã sáp nhập các trường như ở thị trấn Lai Cách, phường Sao Đỏ, phường Phả Lại, thị trấn Minh Tân. Các trường còn lại có thể sáp nhập thời gian tới.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương, nếu theo quy định của tỉnh và đề án sáp nhập của thành phố thì còn 8 trường tiểu học của 4 phường phải nhập gồm Bình Minh với Lý Tự Trọng (phường Phạm Ngũ Lão), Nguyễn Lương Bằng với Tân Bình (phường Tân Bình), Bình Hàn với Đinh Văn Tả (phường Bình Hàn) và Ngọc Châu với Phú Lương (phường Ngọc Châu).

Hiện nay, 5 trường tiểu học có quy mô trên 30 lớp gồm Bình Minh 37 lớp (1.387 học sinh), Lý Tự Trọng 30 lớp (1.185 học sinh), Nguyễn Lương Bằng 37 lớp (1.468 học sinh), Tân Bình 30 lớp (1.081 học sinh), Ngọc Châu 33 lớp (1.157 học sinh).

Các trường tiểu học còn lại là Bình Hàn 28 lớp (923 học sinh), Đinh Văn Tả 19 lớp (583 học sinh), Phú Lương 21 lớp (603 học sinh). Nếu sáp nhập các trường này vào thì trường có số lượng lớn nhất là 67 lớp và thấp nhất cũng 47 lớp.

Tương tự, hiện nay xã Tân Trường có 2 trường tiểu học với 3 điểm trường. Trường Tiểu học Tân Trường I có 2 điểm với tổng số 30 lớp, 1.061 học sinh và Trường Tiểu học Tân Trường II có 16 lớp, 472 học sinh. Hai trường này sáp nhập sẽ có 46 lớp, 1.533 học sinh.

Nhiều năm nay, các trường trên đều có quy mô lớn, số lượng học sinh tăng hằng năm. Hiện nay, nếu tính bình quân, mỗi trường tiểu học của tỉnh có khoảng 18 lớp với 690 học sinh. Như vậy hầu hết những trường học trên chưa sáp nhập đã có số lớp gấp từ 1,5 đến hơn 2 lần một trường bình thường.


Với quy mô 67 lớp, khuôn viên của cả Trường Tiểu học Tân Bình và Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) khó đáp ứng được những hoạt động tập trung toàn bộ học sinh nếu sáp nhập. Trong ảnh: Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng

Lúng túng

Thời gian tới, nếu các trường cùng cấp trên sáp nhập sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo. Hiệu trưởng của 2 Trường Tiểu học Tân Trường I và II có chung lo lắng là nếu sáp nhập thì trường có 3 điểm, sẽ rất vất vả, khó khăn trong quản lý, điều hành.

Khuôn viên, cơ sở vật chất của các trường còn hạn chế nên khi tổ chức hoạt động tập thể không có đủ chỗ cho toàn bộ học sinh. Cả 2 trường không có phòng họp nào đủ diện tích để tập trung hết cán bộ, giáo viên.

"Hiện nay, chúng tôi quản lý 2 điểm trường đã thấy rất vất vả. Điểm lẻ của trường chỉ có 10 phòng học, Ban Giám hiệu muốn bố trí một phó hiệu trưởng trực ở đó nhưng không có phòng. Giáo viên dạy ở đây đến giờ nghỉ giữa buổi phải ngồi luôn trên lớp", cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Trường I cho biết.

Đặc thù của bậc tiểu học là mỗi khối lớp có tính độc lập và có giáo viên phụ trách tổ, nhóm chuyên môn riêng. Việc tồn tại nhiều điểm trường, giáo viên đông sẽ khó khăn trong việc thống nhất nội dung, trao đổi, sinh hoạt chuyên môn cho từng tuần, từng buổi. Điều này đang tồn tại và sẽ khó khắc phục ở những trường có quy mô lớn đã sáp nhập.

Cô giáo Đỗ Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Chí Linh) chia sẻ: "Trường rất muốn bố trí học sinh theo hình thức một điểm chỉ có học sinh khối 1 và 2, còn điểm kia là các khối 3, 4 và 5 để thuận tiện cho việc quản lý, bố trí chuyên môn nhưng phụ huynh không đồng ý. Họ cho rằng như vậy gặp khó khăn trong việc đưa đón, nhất là gia đình có 2 học sinh phải học ở 2 điểm trường".

Cũng theo một số cán bộ quản lý ở tiểu học, việc bảo đảm hoạt động bán trú và an toàn cho học sinh ở những trường sau sáp nhập có quy mô lớn, nhiều điểm là thách thức lớn đối với các ban giám hiệu. Vì những việc này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, chi tiết nếu không có thể xảy ra rủi ro bất cứ lúc nào.

Thường thì hiệu trưởng dành nhiều thời gian cho điểm trường trung tâm, còn điểm kia sẽ do một phó hiệu trưởng phụ trách. Nếu phó hiệu trưởng không tâm huyết, trách nhiệm cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc.

Theo quy định hiện nay, các trường tối đa chỉ có 1 hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng. Đối với những trường có quy mô lớn sau sáp nhập, số lượng lãnh đạo như vậy sẽ khó đáp ứng được nhiệm vụ.

Sau sáp nhập, đội ngũ nhân viên kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế, thiết bị, đồ dùng dạy học sẽ bị cắt giảm trong khi khối lượng công việc lớn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các trường. "Các trường sau sáp nhập đều sẽ vượt quy định về quy mô trường lớp (trường hạng I không quá 30 lớp).

Điều này sẽ dẫn đến các trường không thể xây dựng trường chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng", cô giáo Phạm Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Châu (TP Hải Dương) băn khoăn.

Tỉnh cần chỉ đạo, hướng dẫn những trường có quy mô như thế nào thì phải sáp nhập, thế nào thì giữ nguyên, tránh việc một số địa phương sáp nhập mang tính cơ học. Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức đánh giá hoạt động của trường có quy mô lớn sau sáp nhập để hạn chế mặt tiêu cực, tìm ra mô hình hiệu quả cho các trường sáp nhập.

 DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn khi sáp nhập các trường lớn