Người lầm lỡ trở về gian nan tìm việc

30/10/2018 10:02

Trót dấn thân vào con đường sai trái, những người lầm lỡ một thời thường khó có cơ hội tìm kiếm việc làm để nuôi sống bản thân...

Mỗi năm, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận và hướng nghiệp cho gần 400 học viên

Nhiều lực cản

Sinh ra trong một gia đình đông con và có hoàn cảnh khó khăn, anh Nguyễn Văn C. (49 tuổi) ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) đã phải trải qua những chuỗi ngày khốn khó. Không có việc làm ổn định, anh lang thang làm đủ thứ nghề từ bốc vác, chạy xe ôm, bán nước… 

Tất cả nguồn cơn đều bắt nguồn từ 20 năm trở về trước. Khi ấy, anh C. là một thanh niên khỏe mạnh. Nhưng theo lời rủ rê của bạn xấu, anh lao vào các cuộc ăn chơi rồi nghiện ma tuý lúc nào không hay. Trong cảnh không tiền, lại bị gia đình ruồng rẫy, anh C. cùng nhóm bạn thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản để có tiền mua ma tuý rồi bị bắt. Sau khi ra tù, anh quyết tâm cai nghiện, kiếm một công việc ổn định để mưu sinh. Nhưng cái "mác" nghiện hút, đã từng ở tù đã cản trở cơ hội làm lại cuộc đời của anh. Đến đâu xin việc anh cũng bị từ chối vì họ không muốn có người như anh làm việc trong công ty. 

“Sau khi ở tù ra, tôi đã tự nhận thức được sai trái của bản thân và mong muốn trở lại làm một người bình thường, có một việc làm ổn định. Dù vậy, tôi đã phải trả cái giá quá đắt cho lỗi lầm thời trai trẻ của mình. Đi đâu tôi cũng bị xa lánh, không ai tin tưởng cho tôi một cơ hội. Kể cả khi chạy xe ôm, người ta cũng sợ. Vì thế, tôi đã quay lại con đường nghiện hút sau hơn 2 năm cố gắng xin việc nhưng không thành”, anh C. cho biết. Đến nay, hai vợ chồng anh vẫn phải thuê căn nhà nhỏ gần nghĩa địa ở phường Tân Bình làm nơi trú thân. Nguồn sống của gia đình chỉ trông chờ vào quán nước của chị và đồng tiền ít ỏi nhờ chạy xe ôm của anh. 

May mắn hơn anh C., anh Hoàng Kim Mạnh (42 tuổi) ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đã có một công việc và thu nhập ổn định sau quãng thời gian chơi bời lêu lổng. Cách đây hơn 10 năm, anh là tay chơi có tiếng ở vùng. Học xong phổ thông, anh ở nhà làm nông nghiệp với gia đình. Công việc nhàm chán, cộng với bản tính ham chơi, anh lang thang khắp nơi với đám bạn cùng trang lứa. Khi rượu chè bê tha, lúc lại tham gia vào các vụ ẩu đả nên tiếng xấu của anh lan truyền khắp một vùng. 

Đầu năm 2000, được sự động viên của gia đình, địa phương, anh mong muốn làm lại cuộc đời và bắt đầu đi xin việc làm. Nhưng cũng giống như bao người lầm lỡ khác, đi đến đâu anh cũng gặp ánh mắt không thiện cảm. Mặc dù vậy, anh vẫn quyết tâm không trở lại con đường sai trái cũ. Qua lời giới thiệu của người thân, anh được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Mạnh Anh chuyên sản xuất và chế biến lâm sản tại địa phương. Thời điểm đó, công ty có gần 100 công nhân thì có hơn 20 người từng một thời sa cơ lỡ bước. Tại đây, anh được giám đốc cùng anh em công nhân tận tình chỉ bảo điều hay, lẽ phải, hướng dẫn từng việc nhỏ để anh sớm nắm bắt được công việc, chí thú làm ăn. Đến nay, anh đã trở thành một người thợ lành nghề với thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng/tháng. 

Mong mỏi mở rộng vòng tay

Đối với những người một thời lầm lỡ, mong muốn lớn nhất của họ là được gia đình, cộng đồng xã hội mở rộng vòng tay đón nhận để họ có niềm tin vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời.

Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Đối với những người nghiện ma tuý nói riêng và những người lầm lỡ nói chung thì việc được gần gũi, quan tâm là yếu tố quan trọng giúp họ có động lực để rời xa những việc sai trái. Chúng tôi luôn tâm niệm phải coi họ là một con người chứ không phải là thứ bỏ đi, không còn hữu ích. Trong thực tế, hơn 40% số học viên tại đây sau khi trở lại cộng đồng đã có việc làm ổn định và không quay lại con đường cũ. Chúng tôi đang xây dựng những nhóm vệ tinh hỗ trợ công việc của những học viên cũ cho các học viên mới để họ sớm có việc làm sau thời gian rèn luyện tại cơ sở”.

Trung bình mỗi năm Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh tiếp nhận gần 400 học viên. Trong đó, số người đến cai nghiện tự nguyện chiếm hơn 60%, chủ yếu là người trong độ tuổi lao động. Đến đây, ngoài việc áp dụng quy trình điều trị tâm lý để cai nghiện, các học viên còn được định hướng nghề nghiệp để sau này hòa nhập cộng đồng. Các học viên đang được tạo cơ hội làm quen với một số công việc phù hợp như chăn nuôi, trồng trọt, làm hương, làm nghề thủ công… Anh Nguyễn Hữu Thanh (24 tuổi) ở xã Hùng Thắng (Bình Giang) đã cai nghiện được 8 tháng và đang học việc tại tổ sản xuất hương của Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh được 5 tháng. Anh Thanh cho biết: “Khi mới vào đây, bản thân tôi luôn cảm thấy mặc cảm và lo lắng. Đã mang danh là người nghiện, tôi lo không biết sau này ra ngoài xã hội thì có được đón nhận hay không? Tôi sẽ làm gì để có thu nhập lo cho gia đình? Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi đã cắt được cơn nghiện và học được một nghề lương thiện để sớm trở về với gia đình”.    

ĐỨC TÂM - NGUYỄN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lầm lỡ trở về gian nan tìm việc