Mưu sinh trên... mây

21/10/2018 06:26

Làm việc cách mặt đất cả trăm mét, đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro nhưng những người thợ lái cẩu tháp ngày đêm vẫn cần mẫn, miệt mài để góp phần dựng xây nên những công trình cao tầng hiện đại, khang trang...

Thợ lái cẩu tháp phải làm việc một mình cách mặt đất hàng trăm mét

Nghề cực nhọc

Trời đã sang thu song vẫn không thể làm dịu đi cái nóng hầm hập tại công trường Nhiệt điện BOT Hải Dương (Kinh Môn). Nắng hanh, gió khô lại thiếu bóng cây xanh trong khi bê tông, cốt thép ngổn ngang đã khiến nơi đây vốn oi bức lại càng ngột ngạt và khó chịu. Những giọt mồ hôi không ngừng rơi trên gò má của công nhân làm việc dưới mặt đất, họ đang vừa chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, vừa phải khẩn trương hoàn thành phần việc được giao. Còn với anh Bùi Văn Lăng - người "làm việc trên mây" vẫn phải nhẫn nại, bình tĩnh, bởi anh cũng chẳng thể làm gì hơn. Những công nhân khác nếu trời nắng, họ có thể tìm chỗ mát nghỉ tạm cho bớt mệt, mưa thì tìm chỗ trú chân. Còn với anh Lăng, dù nắng hay mưa thì cũng không trốn đi đâu được vì làm việc ở tít trên cao, ít di chuyển, cả ngày bị "nhốt" trong buồng lái rộng chưa đầy 1 m2. Đến giờ nghỉ trưa, anh mới chậm rãi, thận trọng thả mình xuống từng bậc thang, dần xuống gần hơn với mặt đất, với mọi người. Gặp ai anh cũng bắt chuyện để giải tỏa sự nhàm chán, đơn độc suốt 4 giờ đồng hồ phải lơ lửng giữa trời.

Anh Lăng đã theo nghề lái cẩu tháp hơn 10 năm

Chia sẻ về công việc của mình, anh Lăng bông đùa rằng đây là nghề vừa thiếu, vừa thèm đủ thứ nhưng lại lắm yêu cầu. Câu nói của anh như nặng trĩu những tâm sự đã dồn nén bấy lâu đến bây giờ mới có dịp trải lòng. Gắn bó với nghề lái cẩu tháp hơn 10 năm, nên hơn ai hết, anh hiểu rõ những khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy của công việc "người trong muốn ra, người ngoài muốn vào" này. So với lái cẩu trên mặt đất, vận hành cẩu tháp không phức tạp hơn nhưng điều kiện làm việc đòi hỏi người thợ phải có ý chí, nghị lực và sức vóc gấp nhiều lần. Và không thể không nói tới, để làm công nhân cẩu tháp thì buộc người đó phải có thần kinh thép, không sợ độ cao. Chỉ mỗi việc leo lên cẩu tháp đã là thử thách lớn. Theo anh Lăng, độ cao mỗi cẩu tháp khác nhau tùy thuộc vào công trình song đủ để những người bình thường cảm thấy choáng váng. Leo những bậc đầu tiên sẽ thấy hồi hộp, bậc thứ hai là lo sợ và càng lên những bậc cao hơn thì càng run rẩy. Nếu ai không vững tâm sẽ ắt bỏ nghề. “Khi lên tới buồng lái, tôi phải lấy hết can đảm mới dám nhìn xuống mặt đất. Dù đã tự nhủ phải thật bình tĩnh song tôi vẫn chóng mặt, nôn nao. Phải mất một thời gian dài, tôi mới có thể làm quen được với độ cao", anh Lăng nhớ lại những ngày đầu tiên khi mới chập chững vào nghề.

Khi đã vượt qua nỗi sợ hãi về độ cao thì những người thợ lái cẩu tháp lại phải đối mặt với sự cô đơn, nhàm chán vì trong nhiều giờ liên tục làm việc không có người trò chuyện. Thông thường thợ lái chỉ trao đổi với người ở dưới qua hiệu lệnh, những công trình lớn mới có bộ đàm để liên lạc. Nhiều thời điểm, việc dồn dập họ không có cả thời gian xuống mặt đất ăn trưa mà phải nhờ đồng nghiệp gửi đồ ăn bằng cần trục. Đúng như lời anh Lăng nói: “Mọi trở ngại đều có thể khắc phục nhưng sự đơn độc, trống trải thì khó có thể khỏa lấp. Không buồn sao được khi làm một mình, ăn một mình và nghỉ ngơi cũng một mình. Nếu có đồng đội cùng sẻ chia thì sẽ bớt áp lực và căng thẳng hơn”. Làm việc cực nhọc là thế, còn tế nhị như cần đi vệ sinh cũng lắm chuyện cười ra nước mắt mà chỉ những người trong nghề mới hiểu.

Trăn trở với nghề

Thợ lái cẩu tháp làm việc trong buồng lái ở trên cao chỉ rộng khoảng 1 m2

9 năm theo nghề lái cẩu tháp, anh Nguyễn Đình Quân ở xã Nam Chính (Nam Sách) đã nếm trải đủ niềm vui, nỗi buồn của cái nghề "không giống ai" này. Với anh Quân, nghề đã vận vào nghiệp nên chấp nhận vui thì ít mà buồn thì nhiều. Để đủ điều kiện được lái chính, người thợ phải được đào tạo bài bản, có đầy đủ chứng chỉ nghề và yếu tố tiên quyết là phải có sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng. Vì thế, không phải ai đủ tiêu chuẩn lái cẩu cũng được chọn lái cẩu tháp. Giữa bốn bề trống vắng, chông chênh, người thợ chỉ một mình xoay xở nên phải tập trung cao độ, thận trọng, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhằm hạn chế tối đa sự cố xảy ra. Không chỉ phản xạ nhanh để nhận và đặt hàng đúng vị trí, người lái cẩu tháp còn phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về an toàn. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thì tính mạng của bản thân cũng như đồng nghiệp phía dưới sẽ bị ảnh hưởng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Quân cho biết tai nạn khi lái cẩu tháp chủ yếu do tải trọng của hàng hóa, vật liệu gây ra. Hàng nặng sẽ làm gẫy cần trục, nếu máy có cabin ở chính giữa, người lái sẽ bị thương. Còn với hàng nhẹ mà gặp gió to thì hàng cứ đưa qua, đảo lại như cánh diều, không thể đặt được đúng vị trí. Những tình huống này đòi hỏi người lái phải xử lý nhanh, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Vì vậy, tính toán trọng lượng vật liệu trước khi nâng, thậm chí tính toán cả hướng gió, sức gió là điều cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, tủ điện bị chập cháy cũng là sự cố thường xuyên xảy ra, khi sửa chữa xong vận hành lại thì cũng khó tránh khỏi những trục trặc khác. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi cũng gây khó khăn không nhỏ cho người thợ. Mưa to, gió lớn khiến buồng lái lắc lư, người thợ chỉ còn biết ngồi nín thở, phó mặc mạng sống cho ông trời. "Những lúc như thế nếu không bình tĩnh, tự động viên bản thân, lấy lại tinh thần phối hợp với đồng nghiệp ở phía dưới để cùng khắc phục mà lại hoảng loạn, sợ hãi thì tôi cũng không thể hình dung được tai họa gì đang chờ đợi mình", anh Quân thở dài.

So với lái cẩu trên mặt đất, vận hành cẩu tháp đòi hỏi người thợ phải có ý chí, nghị lực và sức vóc gấp nhiều lần

Làm việc căng thẳng, vất vả nhiều khi khiến anh Quân trở nên cáu gắt, dễ nổi nóng. Dù vậy, những tình huống dở khóc, dở cười trong lúc lái cẩu tháp cũng làm anh vui vẻ lạc quan hơn. Nhiều lần ham vui với bạn bè, anh lỡ ăn uống quá đà nên khi vừa leo hơn 100 m lên buồng lái thì lại phải vội xuống vì đau bụng. Hay như đúng lúc hết ca thì gặp trời mưa, chỉ còn biết ngồi nhìn thợ lái ở phía dưới đang đợi đổi ca rồi cười nhạt...

Dù chưa gặp tai nạn trong nghề nhưng chứng kiến đồng nghiệp bị thương, thậm chí là mất mạng khiến anh Quân không khỏi trăn trở suy nghĩ. Anh tâm sự: "Nhiều bạn bè cùng khóa học trước kia đã bỏ nghề. Công việc này ai phải thật sự yêu thích thì mới có thể bám trụ được. Tuy vất vả, khổ cực và nguy hiểm rình rập song lái cẩu tháp cũng có cái thú vị riêng. Từ trên cao, phóng tầm mắt ra xa nhìn vạn vật cũng cảm thấy lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm hơn, nỗi lo cơm áo, gạo tiền cũng từ đó mà tiêu tan bớt".

Công việc mệt mỏi, áp lực nhưng thu nhập của thợ lái cẩu tháp chỉ từ 9-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hằng tháng, hằng năm họ không được về thăm gia đình vì phải chạy theo công trình, hết trong Nam rồi ngoài Bắc. Thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần khiến nhiều công nhân lái cẩu tháp nản lòng. 

Khi được hỏi đã bao giờ từng có ý định bỏ nghề, anh Lăng suy nghĩ một hồi lâu rồi đáp: "Đã từng! Nhưng cứ nghĩ tới gia đình là tôi lại có thêm động lực. Nếu bỏ thì biết lấy gì mà sống. Với lại ai cũng sợ khó, sợ khổ thì lấy ai làm. Giờ tôi chỉ mong chủ thầu biết công việc nặng nhọc, thỉnh thoảng có thêm phụ cấp động viên anh em trang trải cuộc sống. Nếu như vậy, tôi sẽ cố làm đến năm 40 tuổi chứ nếu làm lâu hơn sợ không đủ sức khỏe để trèo lên cao". Vừa nói, anh Lăng vừa cài lại dây mũ bảo hộ rồi nhảy phốc lên bệ trục cẩu, bàn tay thô ráp bám chặt vào thanh sắt đã được cố định để leo lên. Nhanh thoăn thoắt, anh đã có mặt trong cabin để làm việc. Và lại tiếp tục thêm 4 giờ, anh không được nói chuyện cùng ai.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh trên... mây