Liên đoàn Lao động huyện Kinh Môn giúp doanh nghiệp đối thoại để gỡ khó

05/03/2019 07:08

Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp trong huyện Kinh Môn tăng nhanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, nhưng cũng xuất hiện những phức tạp về mối quan hệ lao động.

Cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Kinh Môn hướng dẫn nội dung tổ chức đối thoại cho cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Yến

Nắm bắt được xu hướng này, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Kinh Môn đã chủ động chỉ đạo công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp tổ chức đối thoại với NLĐ để tháo gỡ, giải quyết khó khăn, bất đồng giữa hai bên.

Nhiệm vụ trọng tâm

Huyện Kinh Môn hiện có khoảng 350 doanh nghiệp hoạt động, tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 25.000 NLĐ. Thực tế, người sử dụng lao động thường coi trọng mục tiêu lợi nhuận nên dễ có những hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ. Khi những lợi ích chính đáng, bức xúc của NLĐ không được phối hợp giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp lao động và có thể xảy ra ngừng việc tập thể. Điều này ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của NLĐ, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, an ninh trật tự tại địa phương.

Năm 2018, LĐLĐ huyện Kinh Môn xác định việc tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, LĐLĐ huyện có văn bản triển khai đến các công đoàn cơ sở, chỉ đạo thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động về nội dung tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp. LĐLĐ huyện thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, Bảo hiểm Xã hội huyện tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật cho NLĐ; cử cán bộ công đoàn tham gia tập huấn về kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Những hoạt động đó đã góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật, thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ; giải quyết một số vướng mắc, bức xúc cho NLĐ, làm giảm áp lực trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Qua đó, chất lượng và số lượng các cuộc đối thoại theo yêu cầu năm sau tăng cao hơn năm trước. Kết quả, trong năm2018, đa phần công đoàn cơ sở khu vực kinh tế ngoài nhà nước trực thuộc LĐLĐ huyện đã tổ chức đối thoại định kỳ, 12 cuộc đối thoại đột xuất; hơn 60% số doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ, ký kết thỏa ước lao động tập thể sau các cuộc đối thoại (tỷ lệ này cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh).

Tạo mối quan hệ hài hòa 

Đối thoại tại nơi làm việc có tác động tích cực đến các hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giúp NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, là giải pháp tốt nhất nhằm tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tổ chức đối thoại với NLĐ như các Công ty CP: Thép Hòa Phát Hải Dương, Luyện kim Tân Nguyên, Sản xuất chế tạo thương mại Đức Anh; Công ty Xi măng Phúc Sơn, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Yến… Công tác chuẩn bị cho các cuộc đối thoại được các bên coi trọng, hình thức thu thập thông tin từ NLĐ để đưa vào nội dung đối thoại được vận dụng linh hoạt. Một số lãnh đạo doanh nghiệp đã bố trí thời gian xuống từng phân xưởng, tổ sản xuất, cùng ăn bữa cơm giữa ca với NLĐ. Qua đó, nắm bắt tình hình thực tế cũng như kịp thời tiếp nhận những yêu cầu, mong muốn từ phía NLĐ.

Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương hoạt động trong lĩnh vực luyện cán thép hiện có khoảng 5.000 lao động, với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Để làm tốt việc đối thoại, công ty đã tiếp nhận thông tin từ NLĐ qua email các trưởng bộ phận phụ trách. Sau đó trưởng bộ phận trao đổi lại với giám đốc để trả lời trong các cuộc đối thoại. Nhờ việc trao đổi qua lại kịp thời như vậy nên đến nay, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương xây dựng được nhiều thiết chế văn hóa cho NLĐ như sân bóng, nhà tập luyện thể dục thể thao, căng tin, nhà ở… bảo đảm chế độ lương, thưởng theo quy định giúp NLĐ yên tâm sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp.

Việc đối thoại với NLĐ còn giúp doanh nghiệp gỡ khó trong lúc "nước sôi lửa bỏng". Tháng 6.2018, công nhân Công ty Xi măng Phúc Sơn dừng việc tập thể, cho rằng doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động. Ngay sau khi xảy ra sự việc, LĐLĐ huyện đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành của huyện, yêu cầu Ban Chấp hành Công đoàn công ty thiết lập nhóm đại diện NLĐ để tổ chức đối thoại với Ban lãnh đạo công ty. Đồng thời tổ chức đối thoại trực tuyến với chủ đầu tư (Chủ tịch Hội đồng quản trị) tại Đài Loan. Kết quả các bên tham gia đối thoại đã nhất trí cao các nội dung yêu cầu về quyền lợi của NLĐ, bảo đảm lợi ích của công ty và thống nhất ký biên bản cam kết thực hiện nghiêm túc theo lộ trình. Anh Trần Văn Mạnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Xi măng Phúc Sơn cho biết: "Việc đối thoại rất quan trọng. Đây là dịp để NLĐ, Ban Chấp hành Công đoàn gặp gỡ, trao đổi cùng lãnh đạo công ty lắng nghe tâm tư, nguyện vọng hai bên. Qua đó lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ các chính sách cho NLĐ, giúp họ yên tâm gắn bó và cống hiến lâu dài với doanh nghiệp. Điển hình như qua vụ việc trên cho thấy hiệu quả của đối thoại đã giúp hoạt động sản xuất của công ty không bị ảnh hưởng và quyền lợi NLĐ được bảo đảm".

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên đoàn Lao động huyện Kinh Môn giúp doanh nghiệp đối thoại để gỡ khó