Lắp bể bơi di động: Giải pháp hay cho các trường học

20/05/2019 08:46

Với những ưu điểm như chi phí đầu tư vừa phải, không kén địa điểm, dễ lắp đặt... bể bơi di động (còn gọi là bể bơi thông minh) xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương trong tỉnh.

Trẻ em học bơi tại bể bơi di động của Trường Tiểu học Quang Trung (Tứ Kỳ) 

Chi phí vừa phải

Hiện chưa có con số thống kê chính xác về số lượng bể bơi di động (BBDĐ) ở tỉnh ta hiện nay. Nhưng qua khảo sát cho thấy gần như địa phương nào trong tỉnh cũng có, nhiều thì 5-6 chiếc, ít cũng 1-2 chiếc, chủ yếu trong các trường tiểu học. 

Trường Tiểu học và THCS xã Thanh Quang (Nam Sách) vừa lắp 2 BBDĐ để dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh. Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Nam Sách Mạc Quốc Đông, toàn huyện đã có 5 BBDĐ và có xu hướng sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Những bể bơi này dựng bằng khung thép, thành và đáy bể làm bằng bạt có độ bền cao. Các bể bơi sử dụng nước máy và có hệ thống lọc tuần hoàn. Mỗi BBDĐ có chi phí lắp đặt khoảng 100-200 triệu đồng, tùy vào diện tích bể. "Bể bơi kiểu này không kén chọn địa điểm, chỉ cần bố trí một khoảng sân trống là đủ. Một bể lắp nửa ngày là xong, khi hết mùa lại tháo dỡ và cất đi dễ dàng", ông Đông cho biết.

Sự xuất hiện của BBDĐ đã tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, góp phần quan trọng vào việc phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhất là ở khu vực nông thôn. BBDĐ của Trường Tiểu học Quang Trung (Tứ Kỳ) đã bước vào vụ thứ hai khai thác. Bể rộng 220 m2, tổng giá trị lắp đặt hơn 100 triệu đồng. Từ đầu hè đến nay, mỗi ngày có 60-80 học sinh ở trong và ngoài xã đến đây học bơi. Nhà trường bố trí giáo viên dạy và bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình học bơi. "Tỷ lệ học sinh chưa biết bơi ở trường đã giảm từ 73% năm 2017 còn khoảng 30% ở thời điểm hiện tại. Sau kỳ nghỉ hè này, tôi nghĩ tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm sâu. Phụ huynh học sinh rất đồng tình với việc nhà trường lắp BBDĐ", thầy giáo Phạm Hồng Bắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung nói.

Đại diện Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) khẳng định Hải Dương là đơn vị dẫn đầu cả nước về xây dựng và thực hiện "Đề án giáo dục bơi cho học sinh tiểu học". Đến nay, toàn tỉnh có 54 trường tiểu học đã làm được bể bơi cố định và BBDĐ. Tính đến hết năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh từ lớp 1-5 được dạy bơi đạt 41,6%, tăng 17,8% so với năm học trước. BBDĐ góp phần không nhỏ vào thành tích giáo dục bơi cho học sinh.

Xây ao bơi hợp vệ sinh

Đại đa số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn nước ao, hồ ngày càng ô nhiễm, việc phát triển BBDĐ ở các địa phương trong giai đoạn hiện nay là phù hợp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lắp BBDĐ chỉ mang tính tạm thời, không bền vững như xây bể bơi cố định. Thành và đáy BBDĐ làm bằng nhựa nên việc khai thác có lẽ cũng chỉ được vài năm lại phải thay mới, chi phí tốn kém. Diện tích loại bể này thường không lớn, chỉ có một mực nước sâu nên nếu cùng lúc có đông người ở nhiều lứa tuổi tham gia bơi thì không gian và nguồn nước sẽ không bảo đảm.

Ông Nguyễn Quang Sáng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Cẩm Giàng cũng đồng quan điểm việc đầu tư lắp đặt BBDĐ chỉ giải quyết được yêu cầu trước mắt. Về lâu dài các trường học cần xây dựng bể bơi cố định mới bảo đảm các tiêu chuẩn để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, việc xây dựng bể bơi cố định lại cần nguồn vốn rất lớn, nếu không có sự hỗ trợ từ cấp trên thì khó thực hiện. Hiện đã có 2 trường tiểu học ở Cẩm Giàng xây dựng được bể bơi cố định là Cao An và Cẩm Văn. 2 bể bơi này đều có giá trị xây dựng khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng, phần lớn do cấp trên hỗ trợ. 2 bể bơi từ khi đi vào hoạt động đến nay đã đáp ứng tốt nhu cầu học bơi cho trẻ em tại địa phương và những vùng lân cận. "Cần có một cơ chế chính sách hỗ trợ các trường xây bể bơi cố định, bởi đây mới là phương án lâu dài và hiệu quả nhất", ông Sáng đề nghị.

Do chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa nên các BBDĐ đều thu tiền dịch vụ đối với người đến bơi với giá vé từ 10.000 - 15.000 đồng/buổi. Mức giá này được cho là phù hợp và nhiều phụ huynh đồng tình cho con em đi học bơi. Nhưng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì đây cũng là một khoản chi phí không nhỏ. Do đó, người dân ở khu vực nông thôn mong muốn tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng ao bơi hợp vệ sinh khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020”. Bởi chỉ có ao bơi hợp vệ sinh mới đáp ứng được nhu cầu học bơi cho toàn dân.

Ông Vũ Năng Anh, Trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết chủ trương của tỉnh là tiếp tục phát triển ao bơi hợp vệ sinh. Tỉnh đã hỗ trợ xây 20 ao bơi hợp vệ sinh trong năm 2018. Năm nay, UBND tỉnh tiếp tục dành 6 tỷ đồng để hỗ trợ xây tiếp 20 ao. Điều quan trọng là các địa phương cần dành quỹ đất phù hợp và nguồn nước bảo đảm để làm ao bơi hợp vệ sinh. 

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắp bể bơi di động: Giải pháp hay cho các trường học