Cho sinh viên thi trực tuyến được không?

18/04/2020 06:55

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra bàn bạc vấn đề này tại hội nghị trực tuyến về đào tạo trực tuyến với các trường trong hệ thống.

Thống kê số lượng trường đã và chưa triển khai đào tạo trực tuyến - Ảnh: M.G.

Tại hội nghị, một trong những vấn đề được đặt ra là quy định về thi, đánh giá các học phần trực tuyến cho sinh viên. 

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đến nay có 45% trường đại học (ĐH), cao đẳng thuộc quản lý của bộ này đã triển khai đào tạo trực tuyến, 42% trường chưa triển khai hình thức đào tạo này. Số còn lại là các trường an ninh, quốc phòng đào tạo tập trung.

Cơ hội chuyển đổi số trong đào tạo

Trong số 42% trường chưa triển khai đào tạo trực tuyến, có 82 trường công lập và 15 trường ngoài công lập. Ngay cả những trường đã triển khai đào tạo trực tuyến, tuy đánh giá có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn không ít hạn chế.

Cũng theo các trường, dịch bệnh buộc các trường chuyển sang đào tạo trực tuyến nhưng không nên coi đó là giải pháp tình thế mà là cơ hội để chuyển đổi số trong đào tạo. Vì thế Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành các quy định liên quan đến việc đào tạo và công nhận các học phần trực tuyến trong đào tạo chính quy.

Theo đại diện của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đến nay trường này đã mở 2.500 học phần trực tuyến với 25.000 lượt sinh viên tham gia. Như vậy, có khoảng 98% sinh viên của trường tham gia học trực tuyến. Bình quân mỗi tuần một sinh viên vào các lớp học trực tuyến 6 lần. Tuy nhiên, phần mềm quản lý học tập thiếu sự tích hợp từ hệ thống qua các ứng dụng dạy học khác như Zoom, Teams...

"Làm thế nào để kết nối được các ứng dụng để đưa vào hệ thống quản lý là điều cần lưu ý. Sinh viên đã học trực tuyến hơn 10 tuần, chỉ còn 3 tuần nữa là kết thúc. Sinh viên sẽ có 4 tuần để ôn trước khi thi tập trung nhưng nếu dịch kéo dài, không thi tập trung được thì thi trực tuyến được không? Cần sớm có hành lang pháp lý cho hình thức thi kết thúc học phần trực tuyến. Bộ cũng cần sớm ban hành quy chế, xác định rõ tỉ lệ đào tạo trực tuyến từng ngành, từng chương trình đào tạo chính quy là bao nhiêu" – vị này đề xuất.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết trường dạy trực tuyến từ tháng 2, khá ổn. Tuần này trường sẽ thi thử bằng hình thức trực tuyến. Vấn đề là việc đánh giá, thi và công nhận học phần giảng dạy trực tuyến như thế nào.

Từ đó ông đề nghị "Bộ cần có quy định với hình thức dạy học kết hợp hợp trực tuyến và truyền thống, bao nhiêu phần trăm được dạy trực tuyến để các trường thực hiện. Cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng về vấn đề này".

Sẽ sớm có quy chế

Đại diện Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị trực tuyến - Ảnh: M.G.

Theo Bộ GD-ĐT, với những cơ sở đã triển khai đào tạo trực tuyến vẫn có nhiều thách thức như hệ thống quản lý học tập vẫn còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, hạ tầng công nghệ, học liệu số nghèo nàn và chưa được chuẩn hóa, vấn đề kiểm soát chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Giảng viên còn nhiều hạn chế về kỹ năng tổ chức trực tuyến, xây dựng bài giảng, học liệu. Người học thiếu kỹ năng học trực tuyến và han chế về thiết bị, đường truyền.

Ghi nhận những ý kiến, đề xuất, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết bộ sẽ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đào tạo trực tuyến. Trong lúc đó, các trường có thể vận dụng quy chế đào tạo trực tuyến ban hành năm 2016, cho phép các trường vận dụng trong mùa dịch này.

Đối với việc thi kết thúc học phần trực tuyến, ông Phúc cho biết kiểm tra, đánh giá là việc của các trường, làm sao phù hợp, chính xác, khách quan, đảm bảo chuẩn đầu ra. "Trong thời gian tới bộ sẽ ban hành các quy định về đào tạo trực tuyến, đào tạo chính quy kết hợp truyền thống và trực tuyến, hiện đã hoàn thành dự thảo thông tư. Quy chế kiểm định đào tạo trực tuyến cũng sẽ được ban hành.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho sinh viên thi trực tuyến được không?