Bất cập trong chính sách tiền lương

11/05/2018 10:21

Dù đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, cần sớm được cải cách...


Tuy chính sách tiền lương đối với công nhân đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng cuộc sống của họ vẫn gặp nhiều khó khăn

Thời gian qua, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động (NLĐ) có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên, chính sách tiền lương hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu hợp lý cần sớm được cải cách.

Chưa động viên, khích lệ người lao động

Những năm qua, mức lương tối thiểu khu vực hành chính gắn liền với mức lương cơ sở khiến cho tiền lương của CBCCVC luôn thấp hơn giá trị sức lao động mà họ bỏ ra. Tiền lương thực tế của NLĐ nhìn chung chưa bảo đảm trang trải các nhu cầu thiết yếu của bản thân và gia đình.

Ông Nguyễn Trung Bắc, Phó Chủ tịch HĐND phường Trần Phú (TP Hải Dương) chia sẻ: "Tôi công tác ở phường đến nay được 15 năm. Hiện tôi đang hưởng hệ số lương 3,67. Cộng tiền lương và phụ cấp chức vụ, hằng tháng tôi được hơn 5 triệu đồng. Vợ tôi cũng làm trong cơ quan nhà nước, thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng gần 10 triệu đồng. Trong khi đó, để nuôi 2 con ăn học cũng như chi phí khác, hằng tháng gia đình tôi phải cần đến 15 triệu đồng". Mức thu nhập thấp hơn so với nhu cầu chi tiêu thực tế nên vợ chồng ông Bắc phải chi tiêu hết sức tiết kiệm, cắt giảm nhiều khoản chi chưa thật cần thiết mới bảo đảm cuộc sống. Họ cũng khó có thể tích lũy và chăm sóc tốt cho con cái.

Những người có thâm niên công tác như vợ chồng ông Bắc còn chật vật như vậy thì những người vừa mới ra trường, vào làm ở các cơ quan nhà nước càng không thể sống bằng lương. Quan hệ mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng hiện cũng chưa hợp lý. CBCCVC, đội ngũ trí thức thuộc lao động có tính đặc thù cao lại áp dụng mức lương cơ sở, trong khi khu vực doanh nghiệp lại áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao hơn. Nguyên nhân của những bất cập trên chủ yếu do ngân sách còn hạn chế, không đủ khả năng chi trả trong trường hợp mức lương cơ sở cao hơn. Mặt khác, chính sách tiền lương tối thiểu hiện đang bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ khác như chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội…

Việc trả lương còn mang tính cào bằng, cán bộ, công chức được trả lương theo ngạch bậc, làm ít, làm nhiều đều hưởng lương như nhau. Tiền lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, không phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác.

Chính sách tiền lương ở nước ta hiện nay dù đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh để người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Tiền lương thấp không kích thích được CBCCVC và NLĐ gắn bó với Nhà nước, không thu hút được nhân tài. Nhiều người giỏi trong khu vực Nhà nước đã bỏ ra làm bên ngoài. Mặc dù tỉnh ta thực hiện chính sách thu hút nhân tài nhưng nguồn cán bộ tài năng, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực về công tác còn ít. Quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa chưa hợp lý, hệ số trung bình thấp nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức và NLĐ có hệ số lương thấp. Mặt khác, tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.


Thời gian qua, chế độ tiền lương đối với khu vực hành chính, sự nghiệp công lập chưa tương xứng với công sức và bảo đảm cuộc sống cho người lao động

Không chỉ NLĐ ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn với tiền lương mà ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng thế. Mức lương tối thiểu vùng dù liên tục được điều chỉnh nhưng vẫn không kịp so với tốc độ trượt giá và mức tăng trưởng của nền kinh tế. Thu nhập của NLĐ phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sự quan tâm của từng đơn vị cho nên đời sống của công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Quyết Thắng (Ninh Giang) đang làm tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) cho biết từ ngày đi làm đến nay chị đã phải chuyển nhiều doanh nghiệp vì thu nhập không bảo đảm. Hiện vợ chồng chị đều làm công nhân, thu nhập bình quân hằng tháng được gần 10 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà, nuôi con, các khoản chi phí khác không còn bao nhiêu.

Cần cải cách mạnh mẽ

Nước ta đã thực hiện 4 lần cải cách chính sách tiền lương (các năm 1960, 1985, 1993, 2003), nhưng đến nay chính sách này lại bộc lộ rõ những bất cập, cần thiết phải thay đổi. Theo ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, việc đổi mới chính sách tiền lương thời gian tới cần khắc phục triệt để tính cào bằng trong chi trả. Tiền lương làm sao phải phát huy khả năng, trí tuệ của mọi người trong lao động, sản xuất, động viên, khuyến khích người có tài, có trình độ yên tâm công tác. Cải cách chính sách tiền lương tiến tới bảo đảm cho CBCCVC, NLĐ sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá. Trên cơ sở đó hình thành các cơ chế tiền lương ngày càng phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo động lực nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC nhà nước. Cải cách tiền lương gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, thu gọn tổ chức, bộ máy; nâng cao năng lực của cán bộ, công chức và NLĐ hưởng lương trong tất cả các khu vực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của đất nước thời kỳ mới.

Trong các đối tượng hưởng lương, việc cải cách chính sách tiền lương cần quan tâm đến NLĐ làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Vì thời gian qua, chính sách tiền lương của đối tượng này duy trì quá lâu. Các lần cải cách vừa qua luôn bị chi phối tuyệt đối khả năng ngân sách nhà nước nên tiền lương đã thực hiện còn thấp và gắn chặt với tiền lương cơ sở vốn rất thấp (chỉ đáp ứng từ 65 - 70% nhu cầu mức sống tối thiểu của NLĐ). Hơn nữa, chính sách tiền lương này lại ngày càng thấp so với khu vực sản xuất, kinh doanh, chưa bảo đảm cho NLĐ sống chủ yếu bằng tiền lương. Chính sách tiền lương cũng cần tính đến đặc thù vùng miền. Cũng cùng vị trí việc làm nhưng nơi đô thị có mức sống cao, chi phí lớn thì lương cũng phải khác so với vùng nông thôn, nơi điều kiện khó khăn phải khác so với chỗ thuận lợi.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập trong chính sách tiền lương