Chàng sinh viên hai lần thực tập tại Facebook: Không đâu bằng Việt Nam

17/01/2019 09:37

Facebook là môi trường công nghệ quốc tế mà ở đó, rất nhiều người có chuyên môn cao và kiến thức khá rộng về cuộc sống với các lĩnh vực như lịch sử, văn hóa...

Sinh viên Phạm Văn Hạnh

Dù có nhiều thành tích trong và ngoài nước về lập trình, lại có kinh nghiệm thực tập tại Facebook, đặt mục tiêu du học, song Phạm Văn Hạnh, sinh viên khoa Công nghệ thông tin (Đại học Công nghệ), vẫn khẳng định sẽ phát triển sự nghiệp tại quê hương.

Đam mê lập trình

Vốn là học sinh theo học chuyên Toán tại trường trung học phổ thông chuyên Tổng hợp, song tài năng tin học của Phạm Văn Hạnh lại sớm được phát hiện bởi thầy Hồ Đắc Phương, chủ nhiệm khoa Tin của trường và là giáo viên môn Lập trình của lớp Hạnh. Đó cũng là khởi điểm để cậu học sinh quyết định theo học ngành Công nghệ thông tin và bén duyên với nghiệp lập trình.

Dù sớm theo học bộ môn về khoa học máy tính nhưng Hạnh cũng thành thực cho biết niềm đam mê lập trình của cậu chỉ dần thành hình sau 4 tháng ôn thi đội tuyển học sinh giỏi Tin. Việc hàng ngày được tiếp xúc, mày mò tìm hiểu máy tính và thậm chí là giải trí với công cụ này đã giúp Hạnh dần tìm thấy điểm thú vị của môn học, và sau đó là niềm đam mê với lập trình. 

Thời gian đầu khi mới học, khó khăn nhất với Hạnh là phải làm quen với môi trường máy tính một cách bài bản, nhất là khi lúc đó, cậu còn chưa thực sự hiểu thế nào là lập trình máy tính. Đến khi quen dần được với môi trường này, Hạnh lại gặp phải vấn đề khác về hệ thống “suy nghĩ” cứng nhắc của máy tính. “Dù chỉ là một bài toán đơn giản, song mình mất khá nhiều thời gian tìm ra cách giải chuẩn để hệ thống máy chấp nhận”, cậu chia sẻ.

Những buổi học ôn thi đội tuyển ban đầu đầy bỡ ngỡ và khó khăn nhưng không khiến cậu học sinh ấy bỏ cuộc. Bầu không khí học tập thoải mái, được sử dụng máy tính và thử sức với các cuộc thi lập trình trên mạng Internet đã giúp Hạnh luôn làm mới được cách học: không chỉ học từ thầy và các bạn trong lớp mà còn từ những người bạn trong và ngoài nước cùng tham dự cuộc thi.

Dành nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện các dạng bài tập và kỹ năng cần thiết là cách Hạnh trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Đó cũng là yếu tố giúp chàng trai này đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi lập trình trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần giúp cậu giành được một suất thực tập tại công ty công nghệ lớn như Facebook.

Hạnh chia sẻ: “Facebook là môi trường công nghệ quốc tế mà ở đó, rất nhiều người có chuyên môn cao và kiến thức khá rộng về cuộc sống với các lĩnh vực như lịch sử, văn hóa... Mình học hỏi được nhiều từ họ cả về chuyên môn và luôn được họ nhiệt tình giúp đỡ”.

Việc thực tập tại Facebook không chỉ là cơ hội trải nghiệm đa văn hóa khi giao lưu với nhiều bạn bè đến từ các quốc gia khác nhau, cũng như tạo điểm cộng cho hồ sơ xin việc sau này, mà còn là cơ hội để cậu học hỏi từ những nhân viên xuất sắc của Facebook, từ đó nâng cao khả năng chuyên môn.

Hạnh cho rằng đi ra nước ngoài để học tập nhưng lập nghiệp thì không đâu bằng Việt Nam

“Không đâu bằng Việt Nam”

Có nhiều kinh nghiệm học hỏi, thử sức tại các cuộc thi quốc tế cũng như trải nghiệm làm việc tại nước ngoài, Hạnh cho rằng học tập trong môi trường quốc tế là cơ hội để mình trải nghiệm, mở mang tầm mắt và tiếp thu nhiều kiến thức hơn.

Đó cũng là lý do sau khi ra trường, Hạnh sẽ tìm kiếm cơ hội học lên cao hơn ở nước ngoài sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm làm việc thực tế tại một công ty công nghệ thông tin trong hoặc ngoài nước.

“Nhưng mình sẽ chỉ ở nước ngoài sau một thời gian ngắn để học hỏi, rồi sẽ quay lại Việt Nam để làm việc”, Phạm Văn Hạnh nhấn mạnh.

Không chọn phát triển nghề lập trình tại những quốc gia có nền công nghiệp thông tin phát triển mạnh như Singapore hay Mỹ giống nhiều bạn trẻ khác, với Hạnh, dù các quốc gia ấy phát triển mạnh và có nền văn hóa tiến bộ nhưng “không đâu bằng nhà”. Môi trường, nền văn hóa, sự thân thiện của con người và ngành công nghệ thông tin đang được chú trọng đầu tư phát triển là những điều Hạnh nhìn thấy ở đất nước mình.

“Trong thời đại thế giới phẳng như hiện nay, vị trí địa lý không còn quá quan trọng. Dù ở Việt Nam hay nước ngoài thì cơ hội tiếp cận và học hỏi các kiến thức chuyên môn là như nhau do các học liệu đều có trên Internet,” Hạnh chia sẻ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chàng sinh viên hai lần thực tập tại Facebook: Không đâu bằng Việt Nam