Căng thẳng lao động ngành may

19/03/2019 18:03

Áp lực công việc cộng với thu nhập của người lao động chưa cao đã và đang khiến cho ngành may mặc đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động.

Giữ chân nguồn lao động đang là vấn đề khó với nhiều doanh nghiệp ngành may

Công nhân vất vả

Cuối tháng 2 vừa qua, Tổ chức Oxfam phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) công bố khảo sát "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy". Kết quả, 69% số công nhân ngành may được hỏi cho biết thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày, 31% số công nhân không tiết kiệm được gì từ khoản tiền lương hằng tháng, 37% số người luôn trong tình trạng phải vay nợ để bù đắp thiếu hụt chi tiêu hằng ngày. Bên cạnh đó, vấn đề làm thêm giờ cũng khá căng thẳng. Có tới 65% số công nhân nói rằng họ thường xuyên phải làm thêm giờ, 28% số người lo lắng phải làm quá nhiều giờ trong ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe...

Tuy khảo sát này chỉ thực hiện với một nhóm 157 người nhưng phần nào phản ánh về thu nhập và cường độ làm việc của công nhân ngành may hiện nay. Ở Hải Dương, số lao động trong ngành may mặc và may giày da khá đông. Điển hình như Công ty TNHH May Tinh Lợi có hơn 20.000 lao động. Những doanh nghiệp có số công nhân đông lên đến hàng nghìn người ở khắp các khu, cụm công nghiệp, các địa phương như các Công ty TNHH: May mặc quốc tế Phú Nguyên (Nam Sách), Michigan Hải Dương (Chí Linh), Sejin Vina (Ninh Giang)... Thu nhập, thời giờ làm việc của công nhân may ở tỉnh ta về cơ bản cũng tương đồng với khảo sát trên. Chị Nguyễn Thị Lệ ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) làm công nhân may đã khoảng 20 năm nay ở 3 công ty khác nhau. Dù làm ở đâu thì thời gian làm việc của chị cũng kéo dài từ khoảng 7 giờ sáng đến 6 giờ tối. Ngoài ra, có những thời điểm hàng nhiều, chị sẽ phải tăng ca về muộn hơn. Dù là thợ lành nghề nhưng đến nay mức thu nhập của chị Lệ chỉ đủ nuôi 2 đứa con đang học đại học và học cấp 2.

Có thể thấy rằng do nhiều áp lực trong công việc như thời gian làm việc nhiều, thu nhập thấp, chủ sử dụng chưa thực hiện nhiều chế độ thỏa đáng... nên trong thời gian qua, phần lớn các vụ ngừng việc tập thể diễn ra ở tỉnh ta chủ yếu liên quan đến công nhân ngành may mặc và may giày da. Từ đầu năm đến nay có 2 vụ ngừng việc tập thể đều thuộc nhóm ngành này. Đó là vụ ở các Công ty TNHH: Quảng Phong (Thanh Miện), Mastina (Ninh Giang).

Luôn trong tình trạng thiếu lao động

Hiện ngành may vẫn là ngành sử dụng nhiều lao động thủ công. Theo một số chuyên gia phân tích lao động, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến không ít ngành nghề, nhưng với ngành may mặc trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng vẫn có những công đoạn chưa thể thay thế được lao động thủ công. Do đó, nhu cầu lao động của ngành này vẫn ở mức cao, nhất là khi Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực. Bởi vậy, phần lớn các công ty may mặc có quy mô lớn trong tỉnh đều có nhu cầu tuyển dụng công nhân vào bất cứ thời điểm nào. Ở nhiều vùng nông thôn, các xưởng gia công hàng may mặc cũng được mở ra, mỗi xưởng thu hút hàng chục lao động.

Người lao động hiện có nhiều lựa chọn về công việc, nhất là với lao động trẻ. Trước những áp lực và thu nhập thấp nên nhiều lao động không mặn mà với việc này. Để có lao động, nhiều doanh nghiệp phải mở các đợt tuyển dụng lên các vùng ở ngoại tỉnh, thậm chí lên tận vùng núi phía Bắc, miền Trung. Công ty May xuất khẩu và Thương mại Vĩnh Thịnh đã hoạt động khoảng 20 năm ở TP Hải Dương. Hiện công ty đang khó tuyển dụng lao động. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc công ty cho biết mặc dù doanh nghiệp đang áp dụng khá nhiều chế độ đãi ngộ tốt cho người lao động nhưng vẫn không tránh khỏi việc thất thoát lao động. 

Để có thể thu hút người lao động, không ít công ty may đã triển khai các hình thức mời gọi hấp dẫn. Công ty TNHH May Formostar Việt Nam đang mở rộng sản xuất. Mặc dù khả năng có thể phát triển nhiều hơn nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ xây dựng với quy mô sử dụng khoảng 300 lao động do e ngại khó tuyển người vào lúc này. Công ty đã áp dụng chính sách thưởng tiền cho người giới thiệu được người mới vào làm việc tại công ty với mong muốn tìm đủ nguồn lao động. Tương tự, tại Công ty TNHH May Tinh Lợi, ngoài  thưởng tiền cho người giới thiệu, còn thưởng tiền cho công nhân mới vào từ 1 - 2 triệu đồng/người. Đồng thời, công nhân mới cũng được tham gia một chương trình bốc thăm để nhận các phần quà giá trị.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng lao động ngành may